Theo quyết định thanh tra, thời gian thanh tra 15 ngày làm việc thực tế kể từ ngày công bố quyết định thanh tra. Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2010 đến tháng 6/2017, khi cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ.
Đoàn thanh tra gồm ông Phạm Trọng Đạt - Thanh tra viên cao cấp - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) - Trưởng đoàn thanh tra. Ông Đặng Hùng Sơn - Thanh tra viên cao cấp - Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng – Phó Trưởng đoàn thanh tra. Đoàn thanh tra có nhiệm vụ thanh tra theo nội dung quy định và kế hoạch đã được Tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt.
Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) |
Theo ông Phạm Trọng Đạt, việc thanh tra khối tài sản của gia đình ông Quý thuộc chức năng và thẩm quyền của tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, do ông Quý là em trai của Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà, nên trong quá trình thanh tra dư luận có nhiều ý kiến băn khoăn. Có minh bạch khách quan hay không? Chính vì vậy Chủ tịch tỉnh Yên Bái, ông Đỗ Đức Duy đã có văn bản đề nghị Chính phủ vào cuộc giúp để đảm bảo công tâm, khách quan minh bạch. Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ thực hiện công việc này và Cục Chống tham nhũng chủ trì thanh tra.
Nội dung thanh tra bao gồm làm rõ 2 vấn đề. Thứ nhất là việc quy hoạch, sử dụng đất đai, chuyển đổi đất ở diện tích xây dựng các công trình của gia đình ông Phạm Sỹ Quý được thực hiện như thế nào. Tiếp theo, làm rõ khối tài sản "khủng" của gia đình giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường từ đâu mà có.
“Vấn đề quản lý đất đai bao gồm cả quy hoạch và việc chuyển đổi mục đích có đúng pháp luật hay không và việc cấp phép xây dựng ra sao? Như báo chí đã phản ánh, tài sản khủng đứng tên chị Huệ nhưng anh Quý là chồng. Mà theo quy định của pháp luật thì tài sản vợ chồng phải kê khai. Chúng tôi sẽ làm rõ các vấn đề xem có kê khai hay không? Tài sản đó lấy đâu ra? Quan điểm của Thanh tra Chính phủ sẽ làm hết sức khách quan. Nếu phát hiện vi phạm thì kiến nghị xử lý hết sức nghiêm túc. Không có chuyện nương nhẹ, bao che. Chắc chắn sẽ đạt được điều đó”, ông Đạt nói.
Cũng theo ông Đạt, cho dù tài sản của vợ, con (đang tuổi vị thanh niên) cũng phải nằm trong hồ sơ kê khai của cán bộ. Trong trường hợp gia đình ông Quý, việc miếng đất đứng tên vợ nghĩa là nằm trong khối tài sản chung của 2 vợ chồng. Trong khi đó, ông Quý là lãnh đạo cấp sở, thuộc diện bắt buộc phải kê khai tài sản và càng phải minh bạch.
Về khối tài sản "khủng" gồm biệt thự, nhà sàn, hồ nước, sân thể thao... mà vợ ông Quý sở hữu, ông Đạt cho rằng, nếu vợ ông Quý làm ăn, kinh doanh nhiều năm, đổ mồ hôi, nước mắt mà có khối tài sản như vậy thì chúng ta nên ủng hộ khuyến khích; còn nếu tài sản là tham nhũng mà có thì phải xử lý nghiêm.
Ông Đạt cho hay cuộc thanh tra sẽ diễn ra trong 15 ngày và có thể kéo dài hơn, nhưng dự kiến trong tháng 7 Thanh tra Chính phủ sẽ có kết luận. Ông Đạt cũng khẳng định, đoàn thanh tra sẽ tác nghiệp độc lập, nghiêm túc với từng đầu việc, từng hồ sơ, tài liệu liên quan và không chịu bất cứ một áp lực, tác động nào. Nếu Đoàn thanh tra phát hiện ra sai phạm trong quản lý đất đai, sử dụng, chuyển đổi đất và tài sản không minh bạch của giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường thì sẽ có kiến nghị với UBND tỉnh xem xét, giải quyết và có biện pháp xử lý nghiêm.
Trả lời báo chí trước thời điểm công bố quyết định thanh tra, ông Đạt khẳng định: Dù ông Quý là em trai của Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhưng đoàn thanh tra không có sức ép nào cả. “Bất cứ đối tượng thanh tra là ai, cứ việc của mình chúng tôi làm thôi", ông Đạt nói.
Tại buổi công bố quyết định thanh tra, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, ông Đỗ Đức Duy khẳng định: Ngay sau khi báo chí đưa tin liên quan đến nhà đất của gia đình ông Quý, bà Huệ, UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra vào ngày 9/6/2017 để thanh tra vụ việc. Tuy nhiên trong quá trình Thanh tra tỉnh Yên Bái thực hiện thanh tra đã có ý kiến dư luận băn khoăn về tính minh bạch vì gia đình ông Quý có người thân làm Bí thư Tỉnh ủy. Chính vì vậy, để bảo tính khách quan minh bạch, UBND tỉnh Yên Bái có văn bản đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc.
Biệt phủ gia đình ông Phạm Sỹ Quý nhìn từ trên cao |
Trước đó, một số cơ quan báo chí phản ánh về quần thể bao gồm biệt thự, nhà sàn, cầu treo, hồ nước và nhiều hạng mục khác được cho là tư gia của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái.
Báo chí cũng phản ánh từ tháng 7/2015, UBND tỉnh Yên Bái đã có nhiều quyết định liên tiếp cho phép chuyển đổi hơn 13.000m2 đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở cho gia đình ông Quý.
Cụ thể, ngày 20/7/2015, ông Nguyễn Yên Hiền - Phó Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái đã ký liên tiếp 6 Quyết định mang số 2356, 2357, 2358, 2359, 2360 và 2361 để chuyển đổi 13.272m2 đất rừng, đất trồng cây lâu năm, đất thủy sản thành đất ở cho gia đình ông Quý.
Đến ngày 2/6/2016, chính vị Phó Chủ tịch TP Yên Bái lại ký tiếp Quyết định số 1639/QĐ-UBND để chuyển đổi 308m2 cho gia đình giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Yên Bái.
Khu đất này nằm ở tổ 42, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái. Người đứng tên trong các quyết định chuyển đổi đất là bà Hoàng Thị Huệ (SN 1975, vợ ông Quý, thường trú tổ 51, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái).