Hiện nay, thời tiết thay đổi thất thường đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức đề kháng của đàn vật nuôi. Việc thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tiêu độc khử trùng còn nhiều hạn chế, chưa có vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) cho lợn nái, chưa có thuốc điều trị bệnh... là những điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát, lây lan trên diện rộng.
Bệnh DTLCP và mưa bão làm ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi, nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng nhất là vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Tại tỉnh Nghệ An, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 244 ổ DTLCP tại nhiều huyện, thị xã, với tổng số lợn buộc tiêu hủy gần 10.000 con. Dịch chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cơ bản không đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch bệnh. Hiện tại, vẫn còn nhiều ổ dịch chưa qua 21 ngày.
Tại tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 1-11/11, DTLCP đã xảy ra tại 233 hộ, 120 thôn, 43 xã của 10 huyện, làm chết và tiêu hủy hơn 2.700 con lợn.
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện hơn 1.400 ổ dịch bệnh DTLCP trên địa bàn hơn 1.100 xã của 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng số lợn buộc tiêu hủy hơn 81.000 con (cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Trước tình hình trên, để kiểm soát, ngăn chặn bệnh DTLCP phát sinh, lây lan, bảo đảm chăn nuôi phát triển ổn định, Cục Thú y khuyến cáo: Các địa phương không được chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm Chỉ thị 21/CT-TTg ngày 14/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP và Chỉ thị 41/CT-TTg về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP.
Bên cạnh đó, tăng cường hướng dẫn nông dân, đối với khu vực chưa có bệnh DTLCP, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại cơ sở, vùng chăn nuôi lợn, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất. Tăng cường theo dõi, giám sát lâm sàng đối với các đàn lợn, kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn bị bệnh, nghi bị bệnh..
Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam.
Đối với khu vực đã có bệnh DTLCP, thông tin kịp thời cho nhân viên thú y xã, chính quyền và cơ quan thú y nơi gần nhất khi phát hiện lợn, các sản phẩm lợn nghi bị bệnh, nghi nhiễm mầm bệnh hặc khi được vận chuyển nhập lậu, nghi nhập lậu. Tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh và các đàn lợn xung quanh có nguy cơ nhiễm bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Khoanh vùng dịch, vùng đệm để áp dụng các biện pháp kỹ thuật cụ thể và phù hợp.
Chính quyền và các cơ quan chuyên môn cần tổ chức thực hiện ngay các biện pháp xử lý ổ dịch, biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định của Luật Thú y và các thông tư hướng dẫn thi hành Luật.
Đặc biệt, chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh theo đúng tinh thần chỉ đạo tại các văn bản của Đảng, Nhà nước, quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y và căn cứ tình hình dịch bệnh, chỉ đạo cơ quan chuyên môn xem xét, tham mưu việc sử dụng vacxin DTLCP để phòng, chống dịch bệnh tại địa phương; tổ chức lấy mẫu giám sát, đánh giá sau tiêm phòng vacxin.