Như Bộ NN-PTNT đã có công điện gửi các địa phương về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm (CGC) sau khi phát hiện sự lưu hành của chủng virus cúm A/H5N6 độc lực cao. Cụ thể qua giám sát lưu hành virus CGC thời gian gần đây của Cục Thú y, đã phát hiện một số trường hợp gia cầm trên đàn gà nuôi ở thôn Kéo Quang, xã Chi Lăng (Tràng Định, Lạng Sơn, khu vực giáp biên giới với Trung Quốc), và trên đàn vịt nuôi tại thôn Tân Sơn, xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nhiễm virus cúm A/H5N6.
Sau khi gửi tham chiếu đến các phòng thí nghiệm quốc tế, Cục Thú y xác định chủng virus này có hơn 99% giống với chủng virus cúm A/H5N6 độc lực cao đã từng phát hiện ở Trung Quốc gần đây. Trước đó, vào tháng 4/2014, Trung Quốc đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên ở người do nhiễm virus cúm A/H5N6 độc lực cao. Bệnh nhân là một nam giới 49 tuổi, sống ở hạt Nam Bộ, TP Nam Trung, tỉnh Tứ Xuyên.
Trao đổi với NNVN về mức độ nguy hiểm của virus cúm A/H5N6, PGS.TS Tô Long Thành, GĐ Trung tâm Chẩn đoán Thú y TƯ đánh giá: Theo các tư liệu khoa học, virus cúm A/H5N6 trước đây chỉ là chủng virus độc lực thấp, không gây nguy hiểm và đã từng xuất hiện tại nhiều nước như Thụy Điển, Mỹ, Đức, Đài Loan...
Công điện của Bộ NN-PTNT ngày 15/8 đề nghị các tỉnh thực hiện nghiêm việc đấu tranh, ngăn chặn vận chuyển buôn bán gia cầm bất hợp pháp qua biên giới; nghiêm túc kiểm dịch tại gốc, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm... |
Tuy nhiên trong quá trình lưu hành thông qua chim hoang, đặc biệt là tại Trung Quốc – nơi có số lượng chăn nuôi gia cầm rất lớn, virus này đã tái tổ hợp và biến đổi từ thể nhược độc thành thể cường độc, đồng thời cũng đã ghi nhận trường hợp lây sang người gây tử vong đầu tiên trên thế giới tại Trung Quốc.
Theo ông Thành, do đến nay thế giới mới chỉ ghi nhận một ca đầu tiên tử vong do virus A/H5N6 nên việc xác định được cơ chế lây truyền của virus này từ gia cầm sang người, cũng như nguy cơ gây tử vong trên người sẽ rất khó khăn.
Là chủng virus mới, nên nguy cơ lây nhiễm và gây nguy hiểm cho người nhiễm cũng sẽ lớn hơn do cơ thể chưa có kháng thể. Đặc biệt, do virus A/H5N6 đã từng phát hiện tại Lào vào tháng 7/2014, nhưng lại không gây triệu chứng lâm sàng trên gia cầm bị bệnh nên đây là điều cần hết sức đề cao cảnh giác, bởi virus có thể âm thầm lưu hành trên gia cầm mà chúng ta không thể phát hiện và rất dễ lây sang người.
Vì vậy, mặc dù hiện chưa có bằng chứng về việc lây từ người sang người, nhưng Việt Nam cần hết sức nghiêm túc tuân thủ các khuyến cáo và chỉ đạo của ngành Thú y trong việc phòng chống tương tự như các virus CGC lây sang người khác như H5N1, H7N9...
Đối với các tỉnh ven biên giới Trung Quốc, cần tăng cường công tác phòng chống, đặc biệt là gia cầm nhập lậu cũng như giám sát nguồn chim trời di trú. Bởi cơ quan thú y đã ghi nhận sự xuất hiện của các đàn chim hoang, vịt trời tại khu vực biên giới trước khi phát hiện có sự lưu hành của virus A/H5N6 tại đó.