Ngày 20/7, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị phân tích chuyên sâu Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của tỉnh Quảng Ninh năm 2021.
Cải cách vì dân, đổi mới để phát triển
Phát biểu khai mạc và chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, nhấn mạnh: Chỉ số PAR Index và SIPAS do Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức công bố hàng năm được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm và đây là những công cụ để tỉnh đánh giá chất lượng và hiệu quả của công tác cải cách hành chính, sự hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh.
Đây cũng là các chỉ số phản ánh khách quan kết quả hoạt động của các sở, ngành, địa phương. Thông qua đó, nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung cấp dịch vụ công ngày càng hiệu quả hơn, nâng cao sự hài lòng và đảm bảo lợi ích của người dân, tổ chức.
Hội nghị phân tích chuyên sâu các chỉ số cũng là dịp để các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh, nhất là người đứng đầu đánh giá, nhìn nhận, suy ngẫm lại kết quả triển khai các nội dung liên quan tới cải cách hành chính thời gian qua, cũng như phân tích, thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế, xác định rõ các nguyên nhân chủ quan liên quan tới con người, tổ chức, bộ máy, quy trình, công nghệ, từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn, thực chất hơn nữa các chỉ số thành phần. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong năm 2022 mà cho cả giai đoạn 2020-2025.
Hội nghị được tổ chức không chỉ để Quảng Ninh tiếp tục phấn đấu nỗ lực giữ vững vị trí nhóm dẫn đầu bảng xếp hạng các chỉ số mà còn nhằm mục tiêu huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giải phóng tối đa tiềm năng thế mạnh, khơi thông các điểm nghẽn, xây dựng nền hành chính tỉnh Quảng Ninh ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, với mục tiêu cao nhất là vì sự phát triển của tỉnh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Không có cán bộ vòi vĩnh, sách nhiễu
Theo kết quả đánh giá 05 năm triển khai khảo sát Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của tỉnh Quảng Ninh, cho thấy tỉnh Quảng Ninh là một trong những tỉnh luôn nằm trong top 10 tỉnh có tỷ lệ hài lòng cao nhất trong cả nước, trong đó 03 năm liên tiếp từ năm 2019-2021 tỉnh Quảng Ninh luôn giữ vị trí dẫn đầu toàn quốc.
Kết quả này là sự nỗ lực, sự đồng tình ủng hộ, thể hiện niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh. Tỷ lệ đánh giá hài lòng qua các năm có sự thay đổi nhưng so với mặt bằng chung trong toàn tỉnh thì tỷ lệ hài lòng của tỉnh Quảng Ninh vẫn luôn đạt trên 90%.
Kết quả khảo sát Chỉ số SIPAS năm 2021 cho thấy, 100% số người tham khảo sát trả lời KHÔNG có tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu và KHÔNG gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí/ lệ phí phải nộp theo quy định trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Trong khi đó tỷ lệ đánh giá công chức gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính trung bình trong cả nước là 0,45% và công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí/ lệ phí là 0,14%.
Điều này cho thấy sự nỗ lực, quyết liệt của tỉnh Quảng Ninh trong việc chỉ đạo các nội dung trong giải quyết thủ tục hành chính đặc biệt là việc yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, đạo đức công vụ trong thực thi công vụ đối với cán bộ công chức viên chức; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm các trường hợp cán bộ công chức viên chức có hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm trong thực thi công vụ, đặc biệt đối với các trường hợp trực tiếp giải quyết công việc, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Gắn với trách nhiệm người đứng đầu
Phát biểu kết luận hội nghị và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh, cho biết kết quả đánh giá các chỉ số PAR Index, SIPAS của tỉnh Quảng Ninh năm 2022 thể hiện sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác cải cách hành chính và đặc biệt là sự hài lòng, niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với bộ máy chính quyền và công tác hành chính của tỉnh.
"Cải cách hành chính là nhiệm vụ phải làm thường xuyên, liên tục và lâu dài, cần phải thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt", ông Văn nhấn mạnh.
Do đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu cán bộ các sở, ngành, địa phương, đơn vị phải thực hiện nghiêm chế độ làm việc, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và chất lượng thực thi các chính sách; đổi mới quy trình giải quyết, đơn giản hóa thủ tục hành chính tại các trung tâm phục vụ hành chính công, khắc phục triệt để tình trạng hồ sơ chậm, quá hạn; chuẩn hóa, số hóa, hiện đại hóa nền hành chính công của tỉnh; làm tốt hơn nữa các nội dung cải cách thể chế, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, công chức, tài chính công và công tác kiểm tra, giám sát, phản biện, xử lý ý kiến, kiến nghị…
"Đặc biệt, tất cả đều phải gắn chặt với trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện", Chủ tịch Nguyễn Tường Văn nêu rõ.