| Hotline: 0983.970.780

'Không có vacxin dịch tả lợn Châu Phi có khi phải bỏ nghề chăn nuôi'

Thứ Bảy 06/07/2024 , 12:20 (GMT+7)

Mạnh dạn tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi của Công ty AVAC cho đàn lợn, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn Mỹ Đức (Hà Nội) đã đứng vững trong cơn ‘bão’ dịch.

Anh Nguyễn Mạnh Đại, thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng (Mỹ Đức, Hà Nội) thành công bảo vệ đàn lợn của mình khi mạnh dạn sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi của Công ty AVAC. Ảnh: Trung Quân.

Anh Nguyễn Mạnh Đại, thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng (Mỹ Đức, Hà Nội) thành công bảo vệ đàn lợn của mình khi mạnh dạn sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi của Công ty AVAC. Ảnh: Trung Quân.

“Cứu tinh” đích thực cho người chăn nuôi

Những hộ chăn nuôi lợn các xã Đại Hưng, Vạn Kim (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) có lẽ chẳng bao giờ quên được thời điểm nửa cuối năm 2023 khi làn sóng dịch tả lợn Châu Phi trở lại càn quét. Chuồng trại phát triển bao nhiêu thì sự lo lắng, bất an lại lớn bấy nhiêu khi toàn bộ vốn liếng đang đứng trước nguy cơ mất trắng.

Đang không biết phải xoay trở thế nào, thông tin nhiều trại chăn nuôi lợn trên địa bàn thành phố thành công đứng vững trong cơn “bão” dịch khi sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi  của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam (Công ty AVAC) được nhân viên cung cấp thức ăn chăn nuôi đưa tới như liều thuốc bổ dưỡng giúp các hộ bừng tỉnh sau cơn bạo bệnh.

Anh Nguyễn Mạnh Đại, thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng chia sẻ, qua lời giới thiệu của nhân viên cung cấp thức ăn, anh cùng một số chủ trang trại trên địa bàn mặc dù bán tín, bán nghi nhưng vẫn quyết tâm tìm đến trang trại của ông Lê Viết Thể, xã Phương Đình (Đan Phượng) để mắt thấy, tai nghe, học hỏi kinh nghiệm việc sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi.

Trở về từ chuyến đi, anh đã nhanh chóng mời cán bộ kỹ thuật của Công ty AVAC đến thăm trại nuôi của mình, trao đổi, hỗ trợ lấy mẫu lợn mang đi xét nghiệm bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Khi có kết quả 70 con lợn thịt chưa đến kỳ xuất bán âm tính với loại bệnh này, anh đã mạnh dạn sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE để tiêm thử.

“Thời điểm quyết định sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi là gia đình đã bị dồn vào thế chân tường nên xác định được ăn, thua chịu. Mấy năm gần đây giá cám cao, giá lợn thấp lại không ổn định nên chăn nuôi chẳng ăn thua, cộng với việc đó là lần thứ 2 trại bị dịch tả lợn Châu Phi càn quét, nếu không giữ được lứa lợn đó chỉ có nước bỏ nghề. Mình còn mạnh miệng tuyên bố với anh em cung cấp vacxin cứ tiêm đi, chết đâu anh chịu, không bắt đền”, anh Đại nhớ lại.

Sau khi tiêm vacxin, đàn lợn của anh vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường, không có biểu hiện gì khác lạ. Qua 29 ngày, anh đã cùng cán bộ kỹ thuật Công ty AVAC lấy mẫu máu đàn lợn mang đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy khả năng bảo hộ với bệnh dịch tả lợn Châu Phi sau tiêm đạt trên 94%.

Vẫn chưa an tâm với kết quả phía công ty cung cấp, anh đã chủ động lấy mẫu máu gửi tới Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương để kiểm tra, đối chứng. Kết quả trung tâm gửi trả cũng khẳng định khả năng bảo hộ của vacxin trên 94%. Lúc này anh mới thở phào, tin tưởng mình đã tìm được cứu tinh đích thực cho đàn lợn.

Cũng theo anh Đại, hai khu nuôi lợn thịt và lợn nái của gia đình anh nằm giáp nhau. Thời điểm tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi cho đàn lợn thịt thì lợn nái đang có chửa, anh định đánh liều tiêm thử cho cả lợn nái nhưng phía công ty khuyến cáo không nên tiêm. Sau hơn 1 tháng, 1 số con trong đàn lợn nái của anh bắt đầu có biểu hiện mắc bệnh.

Anh tiến hành bắt tách và nhờ thú xã rút mẫu gửi đi xét nghiệm thì khẳng định dương tính với dịch tả lợn Châu Phi. Vậy là, đàn lợn nái cùng con mới sinh lần lượt nối nuôi nhau ra đi. Tuy nhiên, đàn lợn thịt vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường, trong khi việc chăm sóc, quét dọn, di chuyển giữa 2 chuồng được vợ chồng thực hiện bình thường như trước đây.

Nhận thấy vacxin phát huy hiệu quả, sau quá trình xử lý số lợn mắc bệnh và vệ sinh chuồng trại, gia đình mạnh dạn vào đàn hậu bị với số lượng 20 con. Mặc dù công ty khuyến cáo không nên tiêm loại vacxin này cho đàn hậu bị nhưng anh vẫn đánh liều tiêm. Đến hiện tại, số lợn hậu bị được tiêm phát triển bình thường, đã bắt đầu sinh sản lứa thứ 2.

Theo ông Nguyễn Văn Lượng, thôn Kim Bôi, xã Vạn Kim (Mỹ Đức), thời gian sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE phù hợp cho lợn thịt là từ 4-5 tuần tuổi. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Nguyễn Văn Lượng, thôn Kim Bôi, xã Vạn Kim (Mỹ Đức), thời gian sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE phù hợp cho lợn thịt là từ 4-5 tuần tuổi. Ảnh: Trung Quân.

“Hiện tại, chuồng nuôi của anh đang có 200 lợn, trong đó có 20 nái, đã được tiêm phủ vacxin dịch tả lợn Châu Phi. Phía công ty khuyến cáo vacxin AVAC ASF LIVE là vacxin nhược độc, đông khô, chỉ dùng cho lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên, không sử dụng cho lợn sinh sản (hậu bị, nái và đực giống), nhưng anh vẫn đánh liều tự tiêm cho lợn hậu bị.

Chưa rõ là do vacxin hiệu quả hay do mình may mắn mà đàn hậu bị phát triển bình thường. Mặc dù, dịch tả lợn Châu Phi vẫn xuất hiện ở các hộ trong vùng, nhưng trại của anh vẫn an toàn, hàng tháng vẫn có lợn xuất bán đều ra thị trường”, anh Đại phấn khởi.

Cũng không giấu được niềm vui khi thành công bảo vệ được đàn lợn nhờ sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi, ông Nguyễn Văn Lượng, thôn Kim Bôi, xã Vạn Kim chia sẻ, năm 2023, là lần đầu tiên dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập vào trại lợn của ông. Ông đã phải bán chạy đàn lợn thịt (khỏe mạnh) với giá 44.000 đồng/kg (giá hòa vốn khoảng 55.000 đồng/kg).

Đàn lợn nái chửa (9 con) còn lại đã có con mắc bệnh. Xác định nếu không làm gì thì số lợn còn lại cũng sẽ chết nên ông đánh liều tự dùng vacxin dịch tả lợn Châu Phi tiêm cho toàn bộ đàn nái và lợn con. Kết quả thật bất ngờ khi những con nái đã dương tính với bệnh được tiêm vacxin không phát huy hiệu quả, chết. Tuy nhiên, số lợn chưa nhiễm bệnh khả năng bảo hộ lại rất cao.

Nhận thấy vacxin hiệu quả, sau khi xử lý toàn bộ lợn bệnh, vệ sinh chuồng trại bằng thuốc sát trùng, ông đã bắt thêm 7 lợn hậu bị về nuôi và sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi tiêm phủ cho toàn bộ đàn lợn. Hiện tại, trong chuồng ông vẫn duy trì 50 con lợn thịt và 10 con nái.

Qua theo dõi, toàn bộ số lợn được tiêm sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh. Gần đây nhất gia đình ông vừa xuất bán 58 con lợn thịt đúng thời điểm giá cao (68.000 đồng/kg), sau khi trừ đi chi phí ông có lãi 2,5 triệu đồng/con.

Theo ông Lượng, mặc dù việc đánh liều tiêm vacxin cho lợn nái và hậu bị của ông thành công nhưng qua theo dõi nhận thấy, không nên tiêm vacxin này cho lợn nái vào giai đoạn đang mang bầu, vì lợn con sinh ra rất khó nuôi, tỷ lệ nó gục mõm, không bú rất cao. Đối với lợn thịt, thời gian tiêm vacxin thích hợp nhất là từ 4-5 tuần tuổi. Sau tiêm có thể cho uống thêm điện giải nếu lợn có biểu hiện sốt.

 “Chăn nuôi không thể cầu may mãi được, nhất là trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nếu không có vacxin dịch tả lợn Châu Phi có lẽ chẳng ai dám tiếp tục chăn nuôi vì rủi ro vô cùng lớn. Nuôi với số lượng ít không bỏ công đầu tư, thậm chí chẳng có lãi, nhưng nuôi với số lớn là xác định đang dùng hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng ra đánh cược.

Nhiều người bảo giá bán vacxin dịch tả lợn Châu Phi 65.000 đồng/liều/con là cao, nhưng so với việc nếu con lợn đó được bảo hộ, xuất bán thành công (khoảng 100-110kg xuất bán) chi phí chỉ tương đương 1kg lợn hơi.

Hơn nữa, đàn lợn được bảo hộ thì người nuôi thuận lợi tái đàn, từng bước mở rộng quy mô thì giá trị mang lại còn lớn hơn gấp nhiều lần”, ông Lượng đánh giá.  

Vacxin dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE do Công ty AVAC sản xuất là một trong hai loại vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi thương mại đầu tiên trên thế giới được cấp phép lưu hành. Ảnh: Trung Quân.

Vacxin dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE do Công ty AVAC sản xuất là một trong hai loại vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi thương mại đầu tiên trên thế giới được cấp phép lưu hành. Ảnh: Trung Quân.

Tiếp tục nghiên cứu, phát triển, mở rộng đối tượng cho vacxin DTLCP

Ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam cho biết, vacxin AVAC ASF LIVE được đăng ký và cấp giấy chứng nhận lưu hành theo đúng quy định của Luật Thú y.

Đây là một trong hai loại vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi thương mại đầu tiên được cấp phép lưu hành, đặc biệt trong bối cảnh hơn 100 năm qua chưa có vacxin thương mại trong phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi nào được cấp phép trên thế giới.

Để có được kết quả này, sản phẩm đã qua rất nhiều khâu kiểm tra, đánh giá (tại công ty, Trung tâm kiểm nghiệm của Cục Thú y, sử dụng trên diện hẹp tại một số trang trại...).

Các kết quả thu được cho thấy sự đồng nhất giữa nghiên cứu và thực tiễn, vacxin hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu. Hiện tại, ngoài cung cấp trong nước công ty đã ký kết phân phối xuất khẩu loại vacxin này tới một số quốc gia trên thế giới (dự kiến tháng 7 sẽ lưu hành tại Philippines).

Cũng theo ông Nguyễn Văn Điệp, vacxin dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE đã khẳng định hiệu quả và được phép lưu hành tự do trên đối tượng lợn thịt. Vacxin cũng được chứng minh an toàn và hiệu quả trên đối tượng lợn giống. Công ty đã hoàn tất quy trình và đang đăng ký cấp phép theo quy định để bổ sung đối tượng sử dụng cho lợn giống, bao gồm lợn hậu bị, nái và đực giống.

Xem thêm
Chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật ưu việt cho người chăn nuôi gà

THÁI NGUYÊN Việc ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thực tế sẽ giúp ngành chăn nuôi Thái Nguyên phát triển bền vững trong xu thế hội nhập quốc tế.

Tăng thêm 50 nghìn ha cây vụ đông so với mọi năm

HÀ NỘI Ngày 11/10, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT phối hợp cùng Sở NN-PTNT Hà Nội tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình sản xuất vụ đông 2024 trên địa bàn Thành phố.

Chuyển đổi số trên nương chè: Minh bạch trong quản lý mã số vùng trồng

THÁI NGUYÊN Mã số vùng trồng là 'tấm visa' giúp cây chè được các nước chấp nhận và tạo thuận lợi thông quan. Tuy nhiên, nếu gian dối sẽ bị tuýt còi, thậm chí mất thị trường.

Bình luận mới nhất