| Hotline: 0983.970.780

Không có ‘viên đạn ma thuật nào' để đạt mục tiêu lương thực

Thứ Năm 17/11/2022 , 10:07 (GMT+7)

Liên Hợp quốc dự đoán rằng, sản xuất lương thực, thực phẩm sẽ cần phải tăng 70% vào năm 2050 so với năm 2009 để đáp ứng nhu cầu nuôi sống 10 tỷ người. Nhưng…

Hệ thống nông nghiệp hiện tại cần phải thay đổi để vừa đạt mục tiêu an ninh lương thực vừa bền vững môi trường. Ảnh: Getty Images

Hệ thống nông nghiệp hiện tại cần phải thay đổi để vừa đạt mục tiêu an ninh lương thực vừa bền vững môi trường. Ảnh: Getty Images

Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), tác động dây chuyền của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine đã góp phần gây ra một trong những cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ảnh hưởng đến hơn 200 triệu người trên toàn cầu so với năm 2019 do chi phí lương thực, thực phẩm tăng cao cùng với giá nhiên liệu và phân bón.

Trong khi đó, sản xuất lương thực là một yếu tố chính trong cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu và hiện vẫn còn hàng triệu người trên thế giới bị thiếu đói, ảnh hưởng đến khoảng 10% dân số toàn cầu.

Các chuyên gia an ninh lương thực nhận định rằng, đang có những vấn đề lớn hơn ở phía đường chân trời, nhất là khi dân số toàn cầu vượt qua con số 8 tỷ người hiện nay và được dự đoán sẽ đạt 10 tỷ vào năm 2050. Điều đó có nghĩa là sẽ đặt nông dân, các chính phủ và các nhà khoa học phải đối mặt với thách thức tăng sản lượng lương thực mà không làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái môi trường và khủng hoảng khí hậu.

Liên Hợp quốc dự đoán rằng, hoạt động sản xuất lương thực từ thực vật và động vật sẽ cần tăng 70% vào năm 2050 so với năm 2009 để đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng tăng. Tuy nhiên điều trớ trêu là phương thức sản xuất lương thực hiện tại đã bị cho là gây ra gần một phần ba lượng khí thải carbon, cũng như 90% nạn phá rừng trên toàn thế giới.

Tim Searchinger, một nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton cho biết: “Chúng ta đã sử dụng một nửa diện tích đất trồng trọt trên thế giới cho sản xuất nông nghiệp. Điều đó cực kỳ có hại cho môi trường. Do vậy chúng ta không thể giải quyết vấn đề hiện tại bằng cách chuyển sang một nền nông nghiệp thâm canh hơn vì điều đó đòi hỏi nhiều đất đai hơn. Và chỉ có một giải pháp là cần tìm cách cắt giảm đầu vào (đất) trong khi vẫn tăng sản lượng lương thực”.

Như vậy là không có viên đạn ma thuật nào để đạt được mục tiêu này. Thay vào đó, nhân loại cần một cuộc “đại tu” ở mọi bước của chuỗi sản xuất thực phẩm, từ thời điểm hạt giống được gieo vào đất cho đến khi thực phẩm được đưa đến bàn ăn, sẽ là cần thiết.

Chuyển dịch theo hướng nông nghiệp tái tạo

Trong phần lớn lịch sử loài người, nông nghiệp bao gồm các hoạt động canh tác để cung cấp thực phẩm. Theo đó con người lấy việc trồng trọt và chăn nuôi lấy thực phẩm nuôi sống gia đình, thay vì bán chúng để kiếm lời. Điều này bắt đầu thay đổi kể từ sau cuộc Cách mạng Công nghiệp (cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19) và sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản thị trường, vốn cũng chứng kiến ​​sự gia tăng của hoạt động canh tác đồn điền nhờ thuộc địa hóa đất đai ở nước ngoài và nô lệ lao động.

Canh tác công nghiệp không chỉ tăng quy mô trồng trọt mà còn thay đổi các kỹ thuật mà nông dân sử dụng. Thay vì luân canh các loại cây trồng được trồng trên một cánh đồng mỗi năm, toàn bộ đồn điền sẽ được dành riêng cho một loại cây trồng cụ thể. Cách tiếp cận độc canh này cùng với các phương thức canh tác thâm canh gối vụ đã dẫn đến sự phá hủy đa dạng sinh học và suy thoái đất - trong vòng vài năm, các cánh đồng sẽ trở thành “đất chết”.

Frank Uekötter, giáo sư khoa học môi trường tại Đại học Birmingham cho biết: Các đồn điền của thế kỷ 18 và 19 là một “con đường làm giàu chóng vánh” chứ không phải là một khoản đầu tư dài hạn ổn định. Theo đó, chủ sở hữu đồn điền sẽ thu được lợi nhuận tối đa trong một khoảng thời gian ngắn từ đất đai của họ. Khi một cánh đồng trở nên không sử dụng được, họ lập tức sẽ chuyển sang vùng đất mới.

Theo chuyên gia Crystal Davis (Viện Tài nguyên Thế giới): Nhưng ngày nay, trong khi hành tinh của chúng ta đang nhanh chóng cạn kiệt tài nguyên đất trồng trọt, thì tư duy thời thuộc địa vẫn tồn tại. “Các mô hình nông nghiệp hiện tại vẫn coi đất đai là rẻ và vô tận. Hầu hết nông dân vẫn chặt phá và phát quang cây cối khi cần thêm đất trồng trọt mới”.

 “Nhưng để đáp ứng các mục tiêu sinh thái, chúng ta cần ngăn chặn ngay việc chuyển đổi các hệ sinh thái tự nhiên thành đất nông nghiệp. Và chúng ta có thể đạt được điều này một phần bằng cách khôi phục những vùng đất bị suy thoái”, ông Davis nói.

Theo vị này, phục hồi đất đai không có nghĩa là đưa nó quay trở lại trạng thái ban đầu, thời tiền nông nghiệp mà bằng một giải pháp kết hợp trong đó trồng thêm cây cối và các yếu tố tự nhiên khác, đồng thời tích hợp các hệ thống sản xuất bền vững hơn và năng suất cao hơn trong thời gian dài.

Ông Crystal Davis nêu ra Sáng kiến ​​20 x 20, đã có kết quả cụ thể ở ​​18 quốc gia Nam Mỹ và Caribe, bao gồm cả Argentina và Brazil, cam kết khôi phục 50 triệu ha đất vào năm 2030. Sáng kiến ​​này bao gồm một số dự án giới thiệu các phương pháp nông lâm kết hợp cho các trang trại ca cao và cà phê ở Colombia và Nicaragua, nơi nông dân được khuyến khích trồng trọt đồng thời đưa thêm nhiều cây xanh vào đất của họ.

(The Guardian)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.