| Hotline: 0983.970.780

Không còn giấy phép con trong đời sống show biz

Thứ Ba 22/12/2020 , 07:01 (GMT+7)

Nét đổi mới quan trọng nhất của Nghị định 144/2020 chính là bãi bỏ giấy phép con đối với ca khúc trước năm 1975 và nghệ sĩ hải ngoại.

Ca khúc trước 1975 từng gây tranh cãi về giấy phép phổ biến.

Ca khúc trước 1975 từng gây tranh cãi về giấy phép phổ biến.

Nghị định 144/2020 sẽ chính thức áp dụng từ ngày 1/2/2021, thực sự đã giải quyết được những vướng mắc tồn đọng từng khiến dư luận băn khoăn trong Nghị định 79/2012 và Nghị định 15/2016.

Tinh thần cởi mở của Nghị định 144/2020 cho phép các cá nhân được tham gia vào hoạt động biểu diễn một cách tự chủ và thoải mái, từ sân chơi ca hát đến sân chơi hoa hậu.

Trước đây, thí sinh muốn tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế phải đạt được tiêu chí Hoa hậu hoặc Á hậu từ sân chơi trong nước và được sự đồng ý của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch. Đây là một quy định khắt khe và phức tạp. Đã có không ít trường hợp đi thi chui, và khi về nước đã bị xử phạt.

Thực tế, mỗi cuộc thi đều có đẳng cấp và giá trị riêng, thí sinh đoạt giải trong nước chưa chắc đã phù hợp với đấu trường quốc tế. Vì vậy, Nghị định 144 chỉ yêu cầu thí sinh có lý lịch tư pháp và thư mời chấp nhận thí sinh từ cuộc thi quốc tế thì có thể lên đường tham gia.

Tuy nhiên, nét đổi mới quan trọng nhất của Nghị định 144/2020 chính là bãi bỏ giấy phép con đối với ca khúc trước năm 1975 và nghệ sĩ hải ngoại. Việc bỏ cấp phép phổ biến cho các ca khúc trước 1975 đã chấm dứt những tranh cãi gay gắt trong giới nghệ thuật cũng như giới quản lý về vấn đề có nên liệt kê đưa ra danh sách các bài hát bị cấm phổ biến hay tiếp tục cấp phép từng bài hát cụ thể.

Còn việc bỏ cấp giấy cho nghệ sĩ Việt kiều về nước biểu diễn, được Cục Nghệ thuật biểu diễn phân tích: “Được căn cứ trên luật xuất nhập cảnh, luật lao động và các quy định pháp luật liên quan. Bởi thực tế biểu diễn, hát… đều là một nghề và sẽ được quy định bằng các luật đó.

Bên cạnh đó, một nghệ sĩ nước ngoài về một quán bar, chương trình nào đó biểu diễn thì phải thực hiện đúng thông báo hoạt động biểu diễn, đề nghị tổ chức biểu diễn nghệ thuật… và được địa phương theo phân cấp quản lý chấp thuận”.

Nghị định 144/2020 rất được show biz Việt hào hứng đón nhận. Lý do, bao nhiêu năm nay, muốn tổ chức một chương trình có nghệ sĩ hải ngoại hát lại các ca khúc trước năm 1975 thì phải xin đến hai giấy phép con, một giấy phép con cho người thể hiện và một giấy phép con cho ca khúc được thể hiện.

Thủ tục ấy quá nhiêu khê và thường xuyên xảy ra tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược, có chương trình được Cục Nghệ thuật biểu diễn gật đầu nhưng lại bị ngành văn hóa địa phương lắc đầu.  

Ca sĩ hải ngoại Như Quỳnh không còn phải xin giấy phép biểu diễn trong nước.

Ca sĩ hải ngoại Như Quỳnh không còn phải xin giấy phép biểu diễn trong nước.

Với việc bãi bỏ giấy phép con cho ca khúc trước năm 1975 và nghệ sĩ hải ngoại, thì ngành văn hóa địa phương có quyền từ chối chương trình nào đó theo những lý do mơ hô không?

Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn - Trần Hướng Dương cho rằng: “Mỗi địa phương có quyền chấp thuận hoặc không. Bởi có thể bài hát này, ca sĩ này phù hợp với địa phương này nhưng địa phương khác thì không.

Đơn cử như có những ca khúc phù hợp biểu diễn ở nhà hát nhưng không phù hợp nơi công cộng hay gần cơ sở tôn giáo. Điều đó phụ thuộc vào việc phù hợp thuần phong mỹ tục, văn hóa bản địa vùng, miền.

Tuy nhiên, việc địa phương thấy phù hợp ca khúc, ca sĩ này hay không… quan trọng nhất chính là phải đưa ra một lý do chính đáng. Các cấp quản lý ở địa phương phải có lý do rõ ràng của việc không chấp thuận chứ không phải không thích là không chấp thuận.

Khi nghị định cởi mở hơn cũng với mong muốn mỗi nghệ sĩ, cơ quan quản lý văn hóa địa phương hiểu và làm đúng trách nhiệm của mình hơn. Cơ quan quản lý cấp bộ sẽ là nơi giám sát, thẩm định khi có địa phương không giải quyết được những vấn đề lớn”.

Với hành lang pháp lý thông thoáng của Nghị định 144/2020 thì các hoạt động biểu diễn được chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Tại điều 3 của Nghị định 144/2020 xác định rõ rằng 4 điều cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, bao gồm:

Thứ nhất, cấm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ hai, cấm xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Thứ ba, cấm kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại.

Thứ tư, cấm sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.

Xem thêm
Nhà sản xuất Lý Hải có một điều ước gây bất ngờ

Nhà sản xuất Lý Hải tạo nên cơn sốt mới cho thị trường điện ảnh, khi bộ phim ‘Lật mặt 7: Một điều ước’ đạt doanh thu 200 tỷ đồng sau dịp nghỉ lễ.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

HLV Kim Sang-sik chính thức làm HLV trưởng ĐT Việt Nam

Ngày 3/5/2024, VFF và ông Kim Sang-sik (quốc tịch Hàn Quốc) đã đạt được sự đồng thuận và thống nhất đối với các nội dung liên quan đến vị trí HLV trưởng ĐT Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.