| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 17/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 17/06/2015

Không đẩy khó khăn về nhân dân!

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu tại nghị trường: “Cơ sở của việc xây dựng luật là cái gì người dân yêu cầu xứng đáng phải giải quyết, phải dành sự khó khăn về cho Nhà nước chứ không đẩy khó khăn về cho nhân dân”.

Quốc hội vừa thảo luận về dự án Bộ luật Dân sự sửa đổi. Một điểm mới trong dự án là quy định: Tòa án không được từ chối giải quyết yêu cầu dân sự vì lý do không có điều luật, đã gây nên một cuộc tranh luận sôi nổi trong nghị trường.

Nhiều đại biểu phản đối, cho rằng chưa thể đưa quy định mới này vào Bộ luật Dân sự sửa đổi, vì không phải quy định gì mới cũng có thể áp dụng được.

Ai lường trước được rằng rồi đây sẽ có người lợi dụng nguyên tắc này để đưa ra Tòa những “thượng vàng hạ cám”? Tòa có thụ lý và giải quyết các yêu cầu của ngư dân trên vùng biển Việt Nam hay không? Rồi yêu cầu có quyền được chết của những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, Tòa sẽ tiếp nhận và giải quyết thế nào?

Hiện nay, việc xét xử những vụ có điều luật để áp dụng mà còn sai. Nếu giải quyết những vụ chưa có hoặc không có điều luật để áp dụng, thì còn sai nữa.

Có đại biểu còn đề xuất, rằng nếu đưa quy định mới này vào Luật, thì phải quy định thêm: Dù cho phép xử những vụ chưa có điều luật để áp dụng, nhưng nội dung của những bản án đó không được trái hiến pháp, trái với thuần phong mỹ tục và trái với những nguyên tắc quốc tế mà Việt Nam đã cam kết.

Ngược lại, theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thì thông qua việc lấy ý kiến nhân dân, cho thấy tuyệt đại đa số ý kiến đều ủng hộ quy định mới này, và “cá nhân tôi cũng nhận được nhiều ý kiến nhất trí với quy định mới này”.

Ngay trong nghị trường, nhiều đại biểu cũng nêu quan điểm: Tòa án đại diện cho công lý, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích cho công dân, nên khi người dân khởi kiện đến Tòa thì không được từ chối. Việc bổ sung quy định mới này vào Bộ luật Dân sự sửa đổi là điều rất cần thiết.

Đại biểu Phạm Văn Hà (Nghệ An) còn khẳng định: “Có đại biểu phân vân không có Luật thì xử thế nào? Thực tiễn ở các thôn, bản không có Luật nhưng già làng, trưởng bản làm tốt, hòa giải tốt, bởi vì người ta có niềm tin, người ta làm rất khách quan, công bằng và lẽ phải”.

Khác với Bộ luật Hình sự, chỉ nhằm điều chỉnh đối với hành vi của một bộ phận nhỏ trong xã hội vi phạm pháp luật. Bộ luật Dân sự có đối tượng áp dụng là hơn 90 triệu dân đang sinh sống trong nước, và cả những người Việt đang sống ở nước ngoài.

Những vụ kiện dân sự rất nhiều, bao gồm đủ các lĩnh vực liên quan đến quan hệ dân sự. Nhưng lâu nay, các Tòa án của ta thường chỉ nhận thụ lý những vụ kiện đã có sẵn những điều luật để áp dụng khi đưa vụ kiện ra xét xử. Điều này đã đẩy hàng chục ngàn người có vụ việc cần đưa đến tòa giải quyết, phải cầm đơn đến các cơ quan chính quyền.

Trong khi thực tế, với những vụ kiện dù chưa có điều luật để xét xử, nhưng nếu thẩm phán công tâm, có trách nhiệm và có tinh thần vô tư, khách quan, thì vẫn có cách để xét xử, như vận dụng phong tục, tập quán ở địa phương, dựa trên lẽ phải và tình người…

Trong những ý kiến đó, ý kiến của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình “Cơ sở của việc xây dựng luật là cái gì người dân yêu cầu xứng đáng phải giải quyết, phải dành sự khó khăn về cho Nhà nước chứ không đẩy khó khăn về cho nhân dân”, thật đáng trân trọng, có lý, có tình, thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của người đứng đầu ngành Tòa án.