| Hotline: 0983.970.780

Không để gia cầm mang mầm bệnh vào địa phương làm lây lan dịch bệnh

Thứ Tư 15/03/2023 , 08:47 (GMT+7)

TP. Hà Nội yêu cầu tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, không để gia cầm và sản phẩm gia cầm mang mầm bệnh vào địa phương làm lây lan dịch bệnh.

Nguy cơ xâm nhiễm, phát sinh và lây lan dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn TP. Hà Nội trong thời gian tới rất cao. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nguy cơ xâm nhiễm, phát sinh và lây lan dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn TP. Hà Nội trong thời gian tới rất cao. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bảo đảm trên 80% tổng đàn gia cầm được tiêm vacxin

Theo Bộ NN-PTNT, gần đây, tại Campuchia đã phát hiện ca tử vong trên người do virus cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Prey Veng. Do đó, UBND TP. Hà Nội nhận định nguy cơ xâm nhiễm, phát sinh và lây lan dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn thành phố trong thời gian tới là rất cao.

Lý do, bởi Hà Nội có tổng đàn gia cầm trên địa bàn lớn, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều. Mặt khác, thời tiết thay đổi, diễn biến phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của gia cầm.

Ngoài ra, việc gia tăng vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm giữa các địa phương tăng cao để phục vụ các dịp lễ hội đầu năm, trong khi giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số.

Nhiều đàn gia cầm đã hết thời gian miễn dịch nhưng chưa được tiêm phòng nhắc lại. Bên cạnh đó, giá gia cầm và trứng gia cầm xuống thấp, đồng thời, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong thời điểm hiện nay đã ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi, người chăn nuôi bán chạy và thiếu quan tâm chăm sóc, phòng, chống dịch cũng là nguyên nhân có thể gây lây lan dịch bệnh cúm gia cầm.

Theo đó, nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn thành phố, UBND TP. Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm theo quy định.

Cụ thể, chỉ đạo tổ chức tiêm vacxin cúm gia cầm phòng bệnh cho đàn gia cầm trên địa bàn bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm và thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh, chưa được tiêm phòng theo quy định.

TP. Hà Nội yêu cầu tổ chức tiêm vacxin cúm gia cầm bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm. Ảnh: Phạm Hiếu.

TP. Hà Nội yêu cầu tổ chức tiêm vacxin cúm gia cầm bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bên cạnh đó, TP. Hà Nội yêu cầu tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, không để gia cầm và sản phẩm gia cầm mang mầm bệnh vào địa phương làm lây lan dịch bệnh. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ và phòng, chống dịch bệnh cũng như kiên quyết ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

UBND các quận, huyện, thị xã cũng cần tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh, chú trọng các địa phương có tổng đàn gia cầm lớn, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm ngay khi dịch bệnh được phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp giấu dịch, không chủ động khai báo.

UBND TP. Hà Nội yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 thành phố, Sở Công Thương, Công an thành phố; Cục Quản lý thị trường thành phố; Cục Hải quan thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm từ gia cầm trên địa bàn thành phố.

Ngăn ngừa nhập lậu gia cầm, sản phẩm từ gia cầm, không để hiện tượng buôn bán gia cầm, sản phẩm từ gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm...

Duy trì hoạt động các Chốt kiểm dịch động vật liên ngành

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, Hà Nội là địa phương có tổng đàn gia cầm lớn với khoảng 38,5 triệu con.

Hiện, dịch bệnh cúm gia cầm cơ bản được kiểm soát nhưng nguy cơ bùng phát rất lớn do chăn nuôi của Hà Nội còn nhỏ lẻ.

Việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội tiêu thụ rất lớn. Một số nơi, chính quyền địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh...

Sở NN-PTNT TP. Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ phối hợp các đơn vị, ban, ngành có liên quan trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội.

Cùng với đó, duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật liên ngành, trạm kiểm dịch đúng theo quy định, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, đánh giá tình hình dịch bệnh, giám sát lưu hành virus, giám sát sau tiêm phòng vacxin.

Mặt khác, tuyên truyền các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trên các phương tiện truyền thông để người chăn nuôi biết và có biện pháp phòng, chống theo quy định.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ, kịp thời vacxin cúm gia cầm để bảo vệ đàn vật nuôi, đồng thời, thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng và thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định của Luật Thú y khi có hiện tượng gia cầm ốm chết bất thường tại cơ sở chăn nuôi.

TP. Hà Nội cho biết tại một số nơi, chính quyền địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Phạm Hiếu.

TP. Hà Nội cho biết tại một số nơi, chính quyền địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Phạm Hiếu.

Sở NN-PTNT TP. Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định, chỉ đạo các phòng chức năng, cơ quan chuyên môn cấp huyện phân công cán bộ, nhân viên thú y giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở, bảo đảm phát hiện và báo cáo kịp thời.

Đồng thời, phối hợp chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc tổ chức, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định...

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), hiện đàn gia cầm cả nước khoảng 523,6 triệu con, trong đó, đàn gà có trên 420 triệu con (chiếm 80%), đàn thủy cầm có trên 103 triệu con (chiếm 20%). Thời điểm hiện tại, diễn biến của dịch cúm gia cầm rất phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao do chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đa số, chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin. Bên cạnh đó, vi rút cúm gia cầm (các chủng vi rút A/H5 bao gồm: H5N1, H5N6, H5N8,...) lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ khá cao (khoảng 6%).

Việc giao thương buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm trong nước cũng tăng mạnh vào các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, giết mổ nhỏ lẻ còn rất phổ biến. Hiện nay, cả nước còn trên 22.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ. Tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm còn xảy ra tại các tỉnh biên giới, thời tiết diễn biến cực đoan, mưa lũ, chuyển lạnh làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội tăng hơn 13 lần trong 19 năm

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội đã tăng một mạch từ 610ha năm 2005 lên khoảng 8.000ha trong thời điểm hiện tại.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.