| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ phát sinh và lây lan nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi

Thứ Sáu 10/03/2023 , 16:40 (GMT+7)

Các dịch bệnh như dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục… đang có nguy cơ phát sinh và lây lan rộng trong thời gian tới.

Ngày 10/3 tại TP.HCM, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2023. Theo Cục Thú y, trong thời gian tới, nguy cơ phát sinh và lây lan trên diện rộng với các dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), cúm gia cầm (CGC), lở mồm long móng (LMLM), viêm da nổi cục (VDNC)… là rất cao.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới nguy cơ tái phát và lây lan diện rộng với nhiều dịch bệnh động vật nguy hiểm trong thời gian tới liên quan đến công tác tiêm phòng. Hiện nay, trên cả nước, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vacxin, việc tiêm phòng vacxin LMLM chưa triệt để, một số địa phương chưa thực hiện tốt việc tiêm phòng vacxin phòng bệnh VDNC cho trâu bò mới và tiêm phòng bổ sung cho trâu bò đã hết thời gian miễn dịch, nhiều địa phương chưa thực hiện tốt việc tiêm phòng cho đàn gia súc mới, đàn gia súc đã hết miễn dịch.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Sơn Trang.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Sơn Trang.

Tỷ lệ virus lưu hành còn khá cao (khoảng 6%) đang là nguy cơ lớn làm tái phát và lây lan dịch CGC. Tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm còn xảy ra tại các tỉnh biên giới đang dẫn tới nguy cơ xuất hiện một số chủng vi rút CGC (A/H7N9, A/H5N2...) xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc.

Tỷ lệ chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ còn phổ biến cũng đang tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh. Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết, chăn nuôi quy mô nông hộ trên địa bàn tỉnh này tuy chiếm tỷ lệ thấp nhưng với hơn 24 ngàn hộ tham gia, các hộ chăn nuôi chưa quan tâm đến công tác chăn nuôi an toàn sinh học và quản lý dịch bệnh. Một số hộ chăn nuôi chưa chủ động trong công tác tiêm phòng nên trong năm 2022 đã xảy ra một số ổ dịch CGC, ảnh hưởng đến công tác xây dựng và duy trì vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) ...

Trước nguy cơ phát sinh và lây lan trên diện rộng nhiều dịch bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi, Bộ NN-PTNT, Cục Thú y đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, tập trung khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vacxin phòng các bệnh, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như CGC, LMLM, tai xanh, VDNC, dại...

Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn đang là một trong những nguy cơ làm phát sinh và lây lan dịch bệnh động vật. Ảnh: Sơn Trang.

Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn đang là một trong những nguy cơ làm phát sinh và lây lan dịch bệnh động vật. Ảnh: Sơn Trang.

Các địa phương cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; hướng dẫn chủ vật nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng bệnh bằng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc; tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới; tập trung, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng ATDB; đặc biệt các chuỗi, các vùng cần ATDB theo tiêu chuẩn của OIE/WOAH để phục vụ xuất khẩu

Bộ NN-PTNT cũng đề nghị các địa phương khẩn trương kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực thú y các cấp và chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã. Thực tế cho thấy hoạt động của thú y cơ sở ở nhiều địa phương đang rất bất cập. Theo ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Tháp, thú y cơ sở do UBND xã trả lương nên phần lớn thời gian trong tuần phải làm các công việc khác, mức lương lại rất thấp, nên công tác phòng chống dịch bệnh ở cơ sở rất hạn chế như báo cáo không kịp thời, thống kê không chính xác, tiêm phòng không đảm bảo.

Để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh, Bộ NN-PTNT cũng đã kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng dự thảo nghị định riêng biệt về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật. Hiện nay đang được thực hiện theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP nhưng việc sửa đổi, bổ sung Nghị định này gặp nhiều khó khăn, phức tạp vì liên quan đến nhiều lĩnh vực.

Tỷ lệ tiêm phòng thấp là một trong những nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh trên vật nuôi thời gian tới. Ảnh: Sơn Trang.

Tỷ lệ tiêm phòng thấp là một trong những nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh trên vật nuôi thời gian tới. Ảnh: Sơn Trang.

"Quy mô đàn vật nuôi hiện nay rất lớn, đàn lợn trên 28,5 triệu con, đàn gia cầm 550 triệu con, đàn trâu bò hơn 9 triệu con, tốc độ tăng trưởng chăn nuôi là 5,93%, tổng sản lượng thịt là 7,06 triệu tấn, sản lượng trứng 18,3 tỷ quả, sữa 1,28 triệu tấn. Ngành thủy sản cũng lần đầu đạt mốc 9 triệu tấn. Để chăn nuôi và thủy sản phát triển và chiếm tỷ trọng trên 53% của toàn ngành nông nghiệp như hiện nay, vai trò của ngành thú y đặc biệt quan trọng trong việc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh một cách hệ thống, bài bản, từ văn bản quy phạm pháp luật đến chiến lược, kế hoạch, các giải pháp".

(Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến).

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Đưa giống sắn mới HL-RS15 vào canh tác tại Tây Nguyên

Hội thảo giới thiệu giống sắn mới HL-RS15 và quy trình, kỹ thuật canh tác vừa được tổ chức tại vựa sắn huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai).

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.