Ngày 22/7, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và đoàn công tác Bộ NN-PTNT đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Ngoài ra, còn có thêm những nội dung khác về thực hiện các dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, dự án phục hồi hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT đã báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác chống khai thác IUU thời gian qua.
Sau khi Bộ NN-PTNT đã có quyết định công bố 2 cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác định nguồn gốc thủy sản từ khai thác, tỉnh Quảng Bình đã hoàn thành việc công bố mở cảng cá loại II đối với cảng cá Nhật Lệ và Sông Gianh.
Trong các năm 2018, 2019, Ban quản lý Cảng cá Quảng Bình đã cấp 33 giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản với khối lượng hơn 400 tấn. Chi cục Thủy sản Quảng Bình cấp 9 giấy chứng nhận sản phẩm thủy sản với khối lượng hơn 170 tấn. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu thủy sản ra các thị trường châu Âu, châu Á được thuận tiện.
Công tác tuyên truyền về vùng biển đánh bắt được chú trọng. Qua đó, trong năm 2019, tỉnh không có tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển thông báo Quảng Bình có 35 tàu cá vi phạm vùng biển Trung Quốc. Từ hệ thống giám sát hành trình tàu cá, phát hiện 175 tàu cá Quảng Bình vượt ranh giới cho phép trên biển.
Theo ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình, cơ quan chức năng đã xác định được 51 tàu cá. “Qua xác minh cho thấy tất cả đều di chuyển hoặc thả trôi qua vùng biển Trung Quốc chứ không khai thác” - ông Lợi cho hay.
Từ năm 2018 đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình phát hiện 73 tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Quảng Bình khai thác thủy sản.
Trên lĩnh vực xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, hầu hết các dự án đều đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư như thẩm tra, thẩm định phê duyệt dự án. Trong 21 dự án, chỉ có Tiểu dự án bến cá kết hợp dịch vụ hậu cần nghề cá thôn Đông Hải, xã Quảng Phú) được thi công và hiện hoàn thành khoảng 70% khối lượng.
Về dự án Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện theo từng mốc thời gian.
Theo đó, quý III năm 2020 sẽ triển khai gói thầu tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Quý IV sẽ trình thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Qua quý I năm 2021, sẽ triển khai lựa chọn nhà thầu xây lắp và khởi công dự án.
Cũng tại buổi làm việc, một vài ý kiến của các ngành, địa phương nêu lên những khó khăn vướng mắc và đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác chống khai thác IUU và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong thời gian tới.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Quảng Bình trong thực hiện công tác chống khai thác IUU.
Thứ trưởng đề nghị tỉnh Quảng Bình sớm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án; tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác IUU.
Thứ trưởng nhấn mạnh, Quảng Bình nâng cao hiệu quả lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Thực hiện nghiêm việc thu nộp nhật ký khai thác thủy sản, xác nhận và chứng nhận thủy sản từ khai thác, khai báo tàu trước khi cập và rời cảng.
"Quảng Bình cần chủ động bố trí kinh phí phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả chống khai thác IUU” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu tỉnh Quảng Bình cần xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá cố tình vi phạm khai thác IUU.
Cũng trong chuyến công tác này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế tại cảng cá Nhật Lệ, khu neo đậu Bắc Sông Gianh (đang chuẩn bị thi công), khu neo đậu Chợ Gộ…