| Hotline: 0983.970.780

Không để tranh mua, tranh bán phá vỡ liên kết vùng tre măng Trấn Yên

Thứ Ba 17/10/2023 , 09:16 (GMT+7)

YÊN BÁI Đến nay, vùng tre măng Bát Độ ở Trấn Yên đã hình thành được mối liên kết sản xuất hoàn chỉnh từ nông dân tới hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Hình thành được chuỗi liên kết hoàn chỉnh

Hiện nay, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đang thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, sản lượng của vùng nguyên liệu tre măng Bát Độ nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu. Vùng tre nguyên liệu tiếp tục được quy hoạch sản xuất tập trung, đầu tư cơ sở hạ tầng để việc tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi.

Trấn Yên cũng hỗ trợ các doanh nghiệp hiện có ổn định đầu tư sản xuất trên địa bàn, đồng thời thực hiện các chính sách thu hút các doanh nghiệp mới đầu tư vào chế biến sâu sản phẩm măng Bát Độ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Hiện nay, nhiều tỉnh đã đến học tập mô hình trồng tre Bát Độ ở huyện Trấn Yên. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, nhiều tỉnh đã đến học tập mô hình trồng tre Bát Độ ở huyện Trấn Yên. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Trần Thị Hoàn Liên – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ - Phát triển nông nghiệp, Phó Ban quản lý Chương trình tre Bát Độ huyện Trấn Yên cho biết: Cây tre măng Bát Độ có nhiều ưu điểm như vốn đầu tư ít, nhanh cho thu hoạch, thời gian thu hoạch dài, ít sâu bệnh, dễ trồng, năng suất cao, đầu ra ổn định, rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, trình độ canh tác của người dân ở các địa bàn vùng cao.

Theo bà Liên, giống tre Bát Độ được du nhập từ Trung Quốc, lúc đầu, việc trồng và chăm sóc có những khó khăn nhất định. Thời gian qua, huyện Trấn Yên đã chú trọng tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Khai thác nguồn củ giống tại chỗ để mở rộng diện tích. Về kỹ thuật, cán bộ khuyến nông được phân từng người xuống từng hộ dân để "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn kỹ thuật cho bà con.

Cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn nhân dân chuẩn bị đất, giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc tre sau trồng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng có những chính sách hỗ trợ đối với các hộ gia đình trồng tre măng Bát Độ theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô tập trung.

Để giúp bà con nhân dân thu hoạch được sản phẩm măng tươi đạt yêu cầu, cán bộ khuyến nông thường xuyên tập huấn, hướng dẫn trên nương để cho bà con nắm được kỹ thuật thu hoạch, bảo quản, vận chuyển đảm bảo chất lượng cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.  

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng vùng nguyên liệu, tăng sản lượng tre măng Bát Độ, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ - Phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động bà con nhân dân áp dụng chặt chẽ quy trình kỹ thuật, thực hiện tốt liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Hiện nay, tre Bát Độ ở Trấn Yên đã hình thành được chuỗi liên kết sản xuất hoàn chỉnh từ vùng nguyên liệu – hợp tác xã – doanh nghiệp. Trong đó, các hợp tác xã là cầu nối quan trọng giữa người dân và doanh nghiệp, tạo ra một quy trình sản xuất hoàn chỉnh và bền vững. Nhờ đó, sản phẩm măng thu hoạch đến đâu được tiêu thụ hết đến đó.

Hiện nay, các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Yên Thành, Công ty TNHH Vạn Đạt đặt hàng chục điểm thu mua măng tre Bát Độ tập trung tại các vùng nguyên liệu ở huyện Trấn Yên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn thu mua măng tre thông qua các HTX như: Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca, HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, Công ty TNHH An Dũng, Hợp tác xã măng tre Bát Độ xã Hưng Khánh...

Giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm

Để phát triển bền vững vùng tre măng Bát Độ ở huyện Trấn Yên, các doanh nghiệp cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương, các HTX và người nông dân để tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Đức Dũng – Giám đốc Công ty Cổ phần Yên Thành cho biết: Thị trường nước ngoài luôn đòi hỏi sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường. Để đáp ứng những yêu cầu này, Công ty luôn đồng hành cùng các cấp chính quyền, thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị từ nông dân đến doanh nghiệp đầu cuối.

Đến nay, các doanh nghiệp liên kết với HTX và người dân tạo nên chuỗi sản xuất - tiêu thụ măng tre Bát Độ khép kín, tiêu thụ hết măng thương phẩm. Ảnh: Thanh Tiến.

Đến nay, các doanh nghiệp liên kết với HTX và người dân tạo nên chuỗi sản xuất - tiêu thụ măng tre Bát Độ khép kín, tiêu thụ hết măng thương phẩm. Ảnh: Thanh Tiến.

Thông qua các hợp tác xã, Công ty xem đây là cánh tay nối dài của doanh nghiệp, thường xuyên cùng với doanh nghiệp giám sát, hướng dẫn và đôn đốc bà con nông dân thực hiện đúng quy trình từ khâu chăm sóc, thu hoạch sản phẩm và bảo quản, vận chuyển sản phẩm đến điểm thu mua, chế biến của Công ty.

Ông Nguyễn Kiên Định – Giám đốc Công ty TNHH Yamazaky Việt Nam cho biết thêm: Để có được sản lượng, chất lượng sản phẩm măng tre đạt tiêu chuẩn cho xuất khẩu, Công ty đã liên kết chặt chẽ với người dân. Từ khâu lựa chọn đất - kỹ thuật trồng - thu mua - chế biến - xuất khẩu sản phẩm đều được Công ty hỗ trợ, bố trí cán bộ kỹ thuật giám sát, chuẩn hóa đến từng công đoạn nhỏ nhất.

Công ty cũng phổ biến, áp dụng tới bà con các kỹ thuật sản xuất tốt nhất, phù hợp với điều kiện thực tế và trình độ canh tác của người dân. Việc triển khai thu mua sản phẩm măng tre Bát Độ được triển khai đến từng thôn, xóm và sơ chế tại chỗ cũng như đảm bảo thu mua theo giá thị trường công khai từ đầu vụ.  

"Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, giám sát, đề nghị người dân bám sát các tiêu chuẩn đã ký kết, đồng thời nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ chế biến trong nhà máy để đạt được những sản phẩm tốt nhất cung cấp ra thị trường. Từ đó giúp các sản phẩm măng tre Bát Độ của Trấn Yên ngày càng vươn xa, đặc biệt là ở các thị trường xuất khẩu có yêu cầu khắt khe", ông Nguyễn Kiên Định cho biết.

Bảo vệ thương hiệu cho vùng nguyên liệu

Theo đánh giá của các doanh nghiệp chế biến, thương mại măng tre Bát Độ trên địa bàn huyện Trấn Yên, liên kết theo chuỗi hiện nay vẫn chưa mang tính bền vững, quá trình sản xuất hàng hóa chưa đủ tính chuyên nghiệp. Do vậy, trong quá trình thực hiện ký kết hợp đồng cũng còn những khó khăn trong việc thu mua sản phẩm, duy trì chất lượng sản phẩm.

Ngành chức năng cần quản lý tốt để không xảy ra tình trạng tranh mua tranh bán, làm ảnh hưởng đến uy tín của vùng nguyên liệu. Ảnh: Thanh Tiến.

Ngành chức năng cần quản lý tốt để không xảy ra tình trạng tranh mua tranh bán, làm ảnh hưởng đến uy tín của vùng nguyên liệu. Ảnh: Thanh Tiến.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn có tư tưởng "ăn xổi" vì không tham gia đầu tư vùng nguyên liệu, không đồng hành với nông dân trong sản xuất, khi có sản phẩm thì vào tranh mua theo kiểu chộp giật. Từ đó gây xáo trộn thị trường, nông dân sẵn sàng phá bỏ hợp đồng đã ký kết, và vì lợi nhuận trước mắt sẽ bán những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn gây ảnh hưởng đến thương hiệu của vùng nguyên liệu.

Hiện nay, diện tích đồi rừng ở huyện Trấn Yên gần như đã được phủ kín bằng những cây lâm nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao, trong đó có cây tre măng Bát Độ.

Đến năm 2020, vùng tre Bát Độ của huyện Trấn Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đã có nhiều sản phẩm từ măng tre Bát Độ được công nhận sản phẩm OCOP, tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Hàng nghìn tấn sản phẩm đã được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, việc bảo vệ thương hiệu, nâng cao sản lượng, chất lượng vùng nguyên liệu là giải pháp cho sự phát triển bền vững.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.