| Hotline: 0983.970.780

Không để ứ đọng nông sản sắp vào chính vụ

Thứ Sáu 14/05/2021 , 15:32 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT khẳng định sẽ dùng nhiều nhóm giải pháp để xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước cho các nông sản sắp vào chính vụ như vải, xoài, nhãn.

Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 được tổ chức theo hình thức trực tuyến và đảm bảo giãn cách. Ảnh: Tùng Đinh.

Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 được tổ chức theo hình thức trực tuyến và đảm bảo giãn cách. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngày 14/5, Bộ NN-PTNT phối hợp các Bộ, ban ngành Trung ương và các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp tổ chức "Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19".

Hội nghị do 2 Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và Trần Thanh Nam chủ trì, bàn các giải pháp trước mắt và lâu dài ứng phó kịp thời trước các tác động của dịch Covid-19, đặc biệt là việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản của một số địa phương đang vào mùa vụ thu hoạch cao điểm.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi 2 đợt bùng phát dịch Covid-19 nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt kết quả tốt về sản xuất, tăng trưởng xuất khẩu đạt khá.

Tuy nhiên, do sắp vào thời điểm thu hoạch rộ nhiều nông sản nên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi thảo luận nhằm đưa ra các giải pháp tốt nhất để bảo đảm cân đối cung cầu thị trường, thúc đẩy tiêu thụ cho các sản phẩm, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, bà con nông dân trước tác động của dịch Covid-19.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các ý kiến tập trung vào bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trogn thời gian tới. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các ý kiến tập trung vào bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trogn thời gian tới. Ảnh: Tùng Đinh.

Còn nhiều vướng mắc

Hiện nay, đang chuẩn bị vào mua thu hoạch rộ một số nông sản như vải, nhãn ở miền Bắc hay thanh long ở Nam Trung Bộ. Trong khi đó, dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến mới khiến cho hoạt động giao thương chưa thể trở lại bình thường như trước đây.

Đánh giá về các khó khăn hiện nay, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, có 6 vướng mắc cần giải quyết để nông sản có thể lưu thông thuận lợi trong bối cảnh Covid-19 hiện nay.

Cụ thể là cần hỗ trợ về tài chính, các gói hỗ trợ cần làm sao cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận dễ hơn. Thứ hai là áp lực về thuế và phí, do thương mại gián đoạn nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu, dẫn đến chi phí lưu kho, nhất là kho lạnh tăng cao tạo áp lực về tài chính.

Thứ ba, hệ thống logictics và kho lạnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu về khối lượng của các địa phương, đặc biệt là khu vực ĐBSCL. Vướng mắc tiếp theo là tìm cách điều tiết, phân luồng nông sản ở các cửa khẩu, nhất là ở các tỉnh biên giới, đặc biệt là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai.

Vướng mắc thứ 5 là thiếu hụt nguyên liệu sản xuất đầu vào và cuối cùng là cơ chế vận hành, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ cần được kết nối chặt chẽ hơn.

Về phía Bộ Công thương, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đánh giá việc tiêu thụ nông sản ở thị trường quốc tế hiện nay vẫn còn một số khó khăn.

Cụ thể là, dù có tiềm năng nhưng nông sản chưa kiểm soát được hàng rào kỹ thuật, đáp ứng được các tiêu chuẩn cho các thị trường, ví dụ như Trung Quốc. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang gặp hạn chế về kỹ thuật ngoại thương, đàm phán, do đó cần các bộ ngành cùng chung tay để giải quyết.

Ngoài ra, trong tổ chức xuất khẩu, đang gặp phải vấn đề về chi phí khi logicstic chiếm đến 15-20% tổng chi phí kinh doanh.

"Muốn thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh Covid hiện nay, chúng ta phải giải quyết được vấn đề này", ông Chinh phân tích.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.

Không để ứ đọng

Với những vướng mắc trên, đồng thời các nông sản đang sắp vào mua thu hoạch rộ, Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã đưa ra nhiều phương án, giải pháp để tránh ứ đọng nông sản trong thời gian tới.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, trước hết ngành nông nghiệp sẽ vừa tập trung sản xuất, vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Về vấn đề tiêu thụ nông sản, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công thương và các địa phương để xây dựng các phương án, kế hoạch phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho biết sẽ thành lập các tổ liên Bộ với Bộ Công thương, Bộ Tài chính để giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến sản xuất cũng như cửa khẩu. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT sẽ liên hệ với Bộ Ngoại giao để kết nối thông tin nhu cầu nông sản của mỗi nước thông qua các Đại sứ quán.

Đặc biệt, Bộ sẽ có văn bản gửi đến các địa phương của Trung Quốc có cửa khẩu với Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản trong thời gian tới.

Liên quan vấn đề xuất khẩu nông sản bằng đường bộ, ông Phan Văn Chinh cho rằng, cần xây dựng thêm các khu trung chuyển ở khu vực cửa khẩu. Điều này không chỉ giúp tăng khả năng lưu trữ mà còn là nơi phân loại, cho đối tác sang xem hàng hoặc thực hiện các thủ tục kiểm dịch.

Bắc Giang là địa phương có sản lượng vải hàng đầu cả nước, năm nay được mùa và đang bắt đầu vào thời kỳ thu hoạch. Trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, tỉnh đã đặt ra quyết tâm không có F1 tại các vùng vải thiều lớn và đưa ra một số giải pháp để đảm bảo tiêu thụ thuận lợi.

Ví dụ như, tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với các đầu cầu ở Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Australia, hợp tác tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang với các nước, ngày 26/5 làm lễ xuất vải đi Nhật Bản.

Bên cạnh đó, xây dựng 3 kịch bản tình hình Covid-19 từ thấp đến cao để có phương án tiêu thụ vải phù hợp. Ngoài ra, kiến nghị với Thủ tướng về phương án đưa thương nhân Trung Quốc sang, cách ly, kiểm tra chặt chẽ trước khi tham gia mua bán trong mùa thu hoạch.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc thường trực của Vincommerce, thuộc Tập đoàn Masan chia sẻ về các phương án của công ty với tiêu thụ nông sản trong bối cảnh Covid-19 hiện nay. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc thường trực của Vincommerce, thuộc Tập đoàn Masan chia sẻ về các phương án của công ty với tiêu thụ nông sản trong bối cảnh Covid-19 hiện nay. Ảnh: Tùng Đinh.

Đối với các doanh nghiệp, họ cũng đã có những phương án cụ thể để đối phó với tình hình Covid-19 hiện nay nói chung và vụ thu hoạch nông sản sắp tới nói riêng.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Thường trực của Vincommerce, thuộc Tập đoàn Masan cho biết với 2.500 siêu thị trên toàn quốc và 300 triệu khách hàng mỗi năm, công ty hoàn toàn có thể hỗ trợ cho các hộ nông dân và HTX nông nghiệp tiêu tụ sản phẩm.

“Đặc biệt, tại từng địa phương, cán bộ tại các chi nhánh cũng là người tiếp cận với nguồn hàng của nông dân. Từ đó, giảm được thời gian di chuyển, đánh giá sản phẩm giúp chất lượng sản phẩm đáp ứng được yêu cầu khắt khe của Vincommerce và giá thành được tối ưu”, bà Phương cho biết.

Về vụ vải thiều sắp tới, dựa trên kinh nghiệm của Vincommerce, bà Nguyễn Thị Phương cho biết, từ 2 tháng trước các cán bộ của công ty đã về làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang và dự kiến tuần tới sẽ là Hải Dương để kết nối, tiêu thụ sản phẩm này.

Bên cạnh việc tiếp cận thông tin trực tuyến, các cán bộ kiểm định chất lượng của Vincommerce cũng đến từng vùng trồng để kiểm soát trước khi nhập sản phẩm vào hệ thống.

Theo Phó Tổng Giám đốc Thường trực của Vincommerce, những giải pháp này không chỉ giúp tiêu thụ mà qua đó còn quảng bá cho thương hiệu của quả vải Việt Nam.

  • Tags:
Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.