Trong buổi làm việc mới đây với tỉnh Tuyên Quang, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan có nhận định, với các sản phẩm OCOP, tỉnh Tuyên Quang đã có những sản phẩm đạt sao, tuy nhiên mục tiêu cuối cùng của việc làm OCOP là thương mại hóa nông nghiệp để thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Vì vậy tỉnh cần chú trọng nâng tầm thương hiệu và giá trị của sản phẩm.
Trên thực tế, sau khi được công nhận OCOP, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Tuyên Quang sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP đã có sức vươn mạnh mẽ và được thị trường đón nhận. Tiêu biểu phải kể đến như sản phẩm sam sành Hàm Yên của Công ty cổ phần cam sành Hàm Yên; các sản phẩm chè của HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh; thịt châu khô của HTX nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành…
Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Nhật Nam, TP Tuyên Quang có 4 sản phẩm cá lăng đạt sao OCOP, trong đó có 2 sản phẩm đạt 3 sao và 2 sản phẩm đạt 4 sao. Khi sản phẩm đạt sao, đối tác và người tiêu dùng yên tâm hơn về chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm. Mới đây, công ty đạt được thỏa thuận để Công ty Công nghệ thực phẩm sạch Đoan Hùng (Phú Thọ) làm đại diện độc quyền tiêu thụ cá lăng với nhãn hiệu sản phẩm “Cá sạch Na Hang” trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, một khó khăn mà nhiều chủ thể OCOP ở Tuyên Quang đang gặp phải đó là vấn đề thị trường. Nhiều cơ sở quy mô chưa lớn, đầu tư cơ sở vật chất chưa bài bản vì thế khi thị trường có nhu cầu lớn chưa thể đáp ứng nổi. Hoặc nếu sản xuất quy mô lớn mà không có thị trường đầu ra ổn định thì nguy cơ hàng bị tồn đọng là rất cao.
Một đặc điểm khó khăn nữa là nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tính thời vụ, nhiều sản phẩm chưa chế biến sâu. Một số sản phẩm còn mang tính làng xã. Ví như lê Hồng Thái, bưởi, cam, chè còn mang tính mùa vụ, nếu không duy trì tốt thì sau đó sẽ khó khăn cho việc các chủ thể duy trì sao OCOP. Hay sản phẩm thịt châu khô thì đơn vị sản xuất mới thực hiện quy trình sản xuất làm thịt trâu khô từ nguyên liệu chính là thịt thăn, thịt nạc, trong khi đó một lượng lớn các bộ phận khác của con trâu còn thừa thì chưa có phương án xử lý hiệu quả, lâu dài.
Cùng với đó, nhiều sản phẩm của địa phương thì hạ tầng còn manh mún chưa thực sự tốt. Như bún khô Đà Vị của huyện Na Hang hay rau bò khai Lâm Bình, dù đã được công nhận sản phẩm đạt sao OCOP nhưng tính sản phẩm theo hướng hàng hóa vẫn còn dừng lại ở bước đầu. Vì vậy để tiếp cận được thị trường lớn và tạo thu nhập cho các chủ thể vẫn còn là thách thức lớn ở phía trước. Mà nếu không làm tốt, làm khéo thì rất có thể sẽ bị “chết yểu”.
Giải pháp nâng tầm sản phẩm OCOP mà ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang đưa ra hiện nay đó là việc hỗ trợ các chủ thế nâng cao chất lượng mẫu mã bao bì sản phẩm; tăng cường kết nối, tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh đảm bảo rộng rãi và mang tính bền vững; tiếp tục hướng dẫn thực hiện các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp. Tỉnh cũng đã xây dựng 2 gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh tại TP Tuyên Quang và bước đầu được người tiêu dùng đón nhận.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Tuyên Quang cho biết, tỉnh luôn xác định không để các sản phẩm dừng lại ở việc được công nhận sao OCOP. Các sản phẩm đạt sao phải thực sự mang lại giá trị kinh tế và thu nhập cho các thủ thể.
Trong giai đoạn tiếp theo tỉnh sẽ rà soát, lựa chọn hỗ trợ tiêu chuẩn hóa các sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương tham gia đánh giá phâm hạng từ 3 sao trở lên. Lựa chọn, hỗ trợ phát triển sản phẩm đạt hạng 4 sao, phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn để hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng đánh giá phân hạng cấp quốc gia đánh giá phân hạng 5 sao. Như các sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái, chè Ngọc Thúy, mật ong Hương Rừng, cam sành Hàm Yên…