UBND huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) vừa ban hành quyết định công bố hết dịch tả lợn Châu Phi đối với 6 xóm của xã Dân Tiến và xã Tràng Xá.
Các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên dù không ghi nhận trường hợp lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi nhưng vẫn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên đàn vật nuôi.
Huyện Phú Lương (Thái Nguyên) giáp ranh và có trục đường Quốc lộ 3 cũ và mới liên thông với huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây lan vào địa bàn trong thời gian tới rất cao.
Thực hiện công điện của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương yêu cầu thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị thuộc huyện, chủ tịch UBND các xã, thị trấn không được lơ là, chủ quan, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật. Ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn.
Anh Lộc Văn Tịnh, hiện đang nuôi 170 con lợn (150 lợn thịt và 20 lợn nái) tại xã Yên Trạch, huyện Phú Lương, Thái Nguyên. Dù trang trại có quy mô không quá lớn, nhưng anh Tịnh nhận thức rất rõ vai trò quan trọng của công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi.
Ngoài việc định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, chuồng nuôi hàng tuần, trang trại của anh Lộc Văn Tịnh luôn hạn chế tối đa người ngoài vào khu vực chăn nuôi, bố trí hố khử trùng, thay bảo hộ lao động cho người ra, vào.
Vừa qua, huyện Phú Lương đã triển khai công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường chăn nuôi bằng vôi bột, hóa chất nhằm tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường. 550 lít hóa chất được phân bổ cho các xã, thị trấn.
Bà Nịnh Thị Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Lương khuyến cáo người dân tăng cường theo dõi, giám sát lâm sàng đối với các đàn lợn, kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn bị bệnh, nghi bị bệnh.
Ông Nguyễn Văn Khiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Bình (Thái Nguyên) cho biết, để chủ động phòng ngừa và khống chế dịch tả lợn Châu Phi khi xảy ra, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật huyện Phú Bình đã triển khai kế hoạch vệ sinh, khử trùng, tiêu độc trên đàn vật nuôi năm 2024.
Theo đó, huyện Phú Bình yêu cầu tất cả các hộ chăn nuôi trên địa bàn phải thực hiện dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, thu gom phân, rác thải đem chôn, đốt, ủ vôi bột. Nghiêm cấm mang phân chưa qua xử lý ra ngoài hộ gia đình để sử dụng.
Ngoài ra, thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tất cả các phương tiện dùng vận chuyển gia súc, lồng nhốt gia súc, giày, ủng… tại khu vực chăn nuôi.
“Chúng tôi xác định phòng bệnh hơn chữa bệnh. Với kinh nghiệm và bài học từ đợt bùng phát dịch tả lợn Châu Phi vào năm 2019, huyện Phú Bình luôn dành nguồn lực lớn cho công tác phòng, chống dịch trên đàn vật nuôi. Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình đã tổ chức cấp phát 1.200 lít hóa chất để vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng chống dịch bệnh đợt 1 năm 2024”, ông Nguyễn Văn Khiêm thông tin.
Trả lời Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Dương Văn Hào, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Nguyên cho biết: “Thời gian vừa qua, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh. Ngành nông nghiệp đã triển khai các giải pháp, lực lượng thường xuyên nắm bắt diễn biến dịch tả lợn Châu Phi tại các địa phương lân cận để tăng cường kiểm soát hoạt động vận chuyển động vật. Sở NN-PTNT cũng đề xuất thành lập tổ lưu động, khử khuẩn, tiêu hủy lợn mắc bệnh cũng như cử cán bộ có chuyên môn thuộc Sở hỗ trợ các địa phương xử lý dịch”.
Hiện nay, tổng đàn trâu, bò đạt 95 nghìn con; đàn lợn 600.000 con; đàn gia cầm 16 triệu con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 120.000 tấn, tăng 7,8% so với cùng kỳ.
UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô trang trại, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ về giống năng suất cao, chuồng lạnh, tự động hóa vận hành thức ăn, nước uống, xử lý môi trường và xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong chăn nuôi.