| Hotline: 0983.970.780

Không nên mở rộng diện tích sắn chạy theo giá thị trường

Thứ Hai 13/12/2021 , 09:00 (GMT+7)

Năm nay, sắn được giá, lãi cao khiến nông dân nhiều nơi hừng hực khí thế dự tính sẽ mở rộng diện tích trong năm 2022. Tuy nhiên, đây là điều cần cân nhắc kỹ.

Người trồng sắn hừng hực khí thế

Vụ sắn năm nay, toàn tỉnh Nghệ An trồng gần 14.000 ha sắn và đang vào mùa thu hoạch. Vụ sắn năm 2021 thời tiết thuận lợi, nắng hạn ít, mưa nhiều và mưa đều ở các tháng nên sắn được mùa. Tại huyện Anh Sơn trồng gần 1.200 ha sắn, năng suất dự kiến đạt bình quân trên 25 tấn củ/ha.

Các xã Thành Sơn, Bình Sơn, Thọ Sơn, Hoa Sơn, Tường Sơn, Cẩm Sơn… (huyện Anh Sơn) đều đạt năng suất sắn từ 25 – 30 tấn củ/ha, có nhiều hộ gia đình ở xã Hoa Sơn trồng sắn trên đất mới, vụ đầu tiên đạt được năng suất lên tới gần 40 tấn/ha.

Nông dân Nghệ An từng gặp những vụ sắn trúng về giá, nhưng cũng không ít lần đã 'ngậm trái đắng' vì cây sắn. Ảnh: BNA.

Nông dân Nghệ An từng gặp những vụ sắn trúng về giá, nhưng cũng không ít lần đã "ngậm trái đắng" vì cây sắn. Ảnh: BNA.

Năm nay, Thanh Chương là huyện có diện tích sắn lên đến 2.200 ha. Ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thanh Chương cho biết, sắn năm nay được mùa, năng suất đạt gần 30 tấn củ/ha, bà con nông dân rất phấn khởi, do được mùa, được giá và chưa bao giờ sắn bán vừa được giá, vừa được tiêu thụ nhanh như bây giờ.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An, vụ sắn năm 2021, riêng diện tích sắn cao sản toàn tỉnh có 7.400 ha, số diện tích này hầu hết nằm trong vùng sắn nguyên liệu của các nhà máy chế biến tinh bột sắn, do được đầu tư thâm canh khá, thời tiết thuận lợi, nên năng suất đạt bình quân từ 30 – 35 tấn củ/ha, cao nhất từ trước lại nay.

Từ chỗ thấy sắn vừa được mùa, được giá, thu nhập có lãi, nên bà con nông dân nhiều địa phương ở các huyện tại Nghệ An hiện nay đều đang rất phấn khởi và có ý định thu hoạch xong vụ sắn này, không những sẽ trồng tiếp, mà còn mở rộng thêm diện tích trồng mới với hi vọng sẽ cho thu nhập cao như năm nay.

Bài học từ những vụ "sắn đắng"

Sắn là cây trồng truyền thống của nông dân Nghệ An từ xưa đến nay. Ngày xưa, do nguồn cung lương thực không đủ, nên nông dân trồng sắn để tăng thêm nhu cầu lương thực và một phần cho chăn nuôi. Từ những năm 2000 trở lại đây, nhu cầu về lương thực cơ bản được giải quyết. Vì vậy, nông dân trồng sắn chủ yếu phục vụ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn để xuất khẩu.

Sắn là cây khá dài ngày, làm đất nhanh bạc màu, rửa trôi... Ảnh: ST.

Sắn là cây khá dài ngày, làm đất nhanh bạc màu, rửa trôi... Ảnh: ST.

Nhu cầu về vùng nguyên liệu sắn cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Nghệ An cũng không vượt quá 10.000 ha sắn mỗi năm. Nhưng hai năm gần đây, do thị trường xuất khẩu tinh bột sắn tăng, đã đẩy giá sắn củ tươi từ 800 – 900 đồng/kg vào thời kỳ từ năm 2012 về trước, sau đó tăng dần lên 1.100 – 1.200 đ/kg và năm 2021 này tăng lên 2.000 đ/kg sắn củ tươi.

Giá sắn tăng cao có nhiều nguyên nhân, do nhu cầu xuất khẩu tinh bột sắn tăng vọt, nhất là thị trường nhập khẩu của Trung Quốc quá lớn. Bên cạnh đó, do sắn là cây trồng có thời gian cho thu hoạch dài, tới 1 năm, hiệu quả sản xuất so với các cây trồng khác không cao hơn nên diện tích sắn ngày càng bị thu hẹp, nhất là vùng sắn trọng điểm ở Tây Nguyên giảm mạnh dẫn đến nguồn cung không đáp ứng cầu, từ đó bắt buộc phía nhập khẩu tinh bột sắn phải tăng giá thu mua, kéo theo giá sắn củ tươi tăng theo thời gian gần đây. 

Bài học nông dân ở Nghệ An mở rộng diện tích trồng sắn do chạy theo giá cả thị trường đã từng gặp phải nhiều lần, đó là vụ sắn năm 2009 và nhất là năm 2016. Diện tích trồng sắn của Nghệ An từ 11.000 – 12.000 ha năm 2012 tăng vọt lên gần 20.000 ha vào năm 2013 do giá sắn từ 800 – 900 đ/kg, sau đó tăng lên 1.100 – 1.200 đ/kg khiến nông dân đua nhau mở rộng diện tích trồng sắn. Kết cục tới vụ sắn năm 2016, khi nguồn cung sắn tăng vọt, giá bán sắn nguyên liệu lại hạ xuống chỉ còn 800 – 900 đ/kg mà nông dân vẫn không tiêu thụ hết do phía Trung Quốc hạn chế nhập khẩu.

Nghệ An khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích sắn, chỉ duy trì tại các vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Ảnh: NNVN.

Nghệ An khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích sắn, chỉ duy trì tại các vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Ảnh: NNVN.

Câu chuyện về thị trường tiêu thụ sắn suốt những năm qua luôn trồi sụt, khó tránh khỏi tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Từ đó, vấn đề có nên hay không mở rộng diện tích trồng sắn cần phải tính toán kỹ, không những vì giá cả không ổn định mà còn đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững.

Sắn là cây trồng chiếm giữ thời gian ở trên đất mất một năm mới cho thu hoạch, trong khi quỹ đất có hạn. Nhưng cái mà nông nghiệp ngày nay nhiều địa phương không muốn trồng sắn, chính là do sắn là cây trồng có tổng diện tích tán lá trên cây nhỏ, độ che phủ đất ít và hầu hết đất trồng sắn là đất đồi vệ, khả năng bị xói mòn mạnh, mất màu nhiều.

Mặt khác, sắn lại là cây lấy dinh dưỡng và hút ẩm của đất rất mạnh. Vì vậy đất trồng sắn sau 1-2 năm mà không được luân canh hay trồng xen cây họ đậu thì kiệt màu, khô cằn, trồng lại cây gì trên đất đó cũng cằn cỗi khó phát triển.

Không khuyến khích mở rộng

Về vấn đề có nên hay không mở rộng diện tích trồng sắn sau khi thu hoạch xong vụ sắn năm 2021, bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An cho biết: Sở NN- PTNT không chủ trương mở rộng diện tích trồng sắn ngoài diện tích vùng sắn nguyên liệu đã được quy hoạch 10.000 ha để phục vụ cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn trong tỉnh.

Trên diện tích này, đã có quy trình hướng dẫn trồng và thâm canh sắn, luân canh sắn, trồng xen cây họ đậu với cây sắn để bảo vệ đất, không làm nghèo đất để phát triển nông nghiệp bền vững. Sở NN-PTNT yêu cầu các địa phương chỉ đạo các cơ sở sản xuất và bà con nông dân không nên mở rộng diện tích trồng sắn chạy theo giá cả thị trường, dễ gặp lại tình trạng được mùa mất giá, rủi ro này khó tránh khỏi.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.