| Hotline: 0983.970.780

Không nên nhìn nhận cực đoan trong sử dụng phân bón

Thứ Sáu 06/05/2022 , 20:10 (GMT+7)

Cần sử dụng cân đối giữ phân bón hữu cơ và vô cơ, bởi ưu thế của hai loại đều rất khác biệt, không nên cực đoan hóa sử dụng một trong hai loại.

Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Linh Linh.

Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Linh Linh.

Ngày 6/5, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) phối hợp với Hội Làm vườn Việt Nam tổ chức hội thảo sử dụng phân bón hiệu quả cho nghề làm vườn ở Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp nói chung và nghề làm vườn nói riêng theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hội thảo cũng nhằm hưởng ứng thực hiện Chỉ thị số 653, ngày 25/1/2022 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả trong bối cảnh giá phân bón tăng cao nhất trong 50 năm qua do ảnh hưởng của Covid-19 và chiến sự Ukraine.

Sử dụng phân bón hiệu quả là vấn đề cấp thiết

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nước và phân bón đóng góp trên 60% vào việc tăng năng suất cây trồng. Việc sử dụng phân bón hiệu quả là một giải pháp có yếu tố quyết định trong việc tăng năng suất, chất lượng cây trồng, hiệu quả sản xuất và bảo vệ sức khỏe đất… Dù vậy, thực tiễn sản xuất nước ta cho thấy việc sử dụng, lạm dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học vẫn còn phổ biến, cần có những giải pháp nhằm cải thiện tình hình.

Hiện nay, còn có sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa phân bón hữu cơ và vô cơ trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: NNVN.

Hiện nay, còn có sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa phân bón hữu cơ và vô cơ trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: NNVN.

Tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương cho biết,  trước tình hình giá vật tư nông nghiệp, trong đó có giá phân bón tăng cao, việc sử dụng phân bón vô cơ tại nhiều vùng cao hơn mặt bằng cả nước và một số nước trong khu vực cũng như nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ ngày càng tăng, Cục đã tổ chức nhiều hội nghị và tham mưu Bộ NN-PTNT ban hành các văn bản, chỉ thị về sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả, trong đó có Chỉ thị số 653.

“Nghề làm vườn hiện nay chủ yếu liên quan đến trồng cây ăn quả. Trái cây là mặt hàng tăng nhanh nhất về kim ngạch xuất khẩu. Trong 5 năm gần đây, giá trị gia tăng của xuất khẩu trái cây tăng hơn 30%, riêng năm 2021, xuất khẩu trái cây đạt trên 4 tỷ USD. Với tiềm năng xuất khẩu như vậy, việc sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả, cân bằng giữa phân bón vô cơ và hữu cơ trong tình hình hiện nay là vô cùng quan trọng”, ông Nguyễn Quý Dương nhấn mạnh.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón là vấn đề cấp thiết hiện nay. Chi phí phân bón chiếm 40 - 60% trong giá thành sản xuất và đang tăng dần kể từ năm 2020. Hiệu quả sử dụng phân bón chưa cao gây thất thoát về kinh tế, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng chất lượng nông sản và gia tăng phát thải khí nhà kính.

GS.TS Nguyễn Văn Bộ đánh giá: Hiện đang có sự mất cân bằng trong sử dụng phân vô cơ và hữu cơ khi hàng năm Việt Nam sử dụng từ 7,5 - 8 triệu tấn phân bón vô cơ, 2,5 - 2,6 triệu tấn phân bón hữu cơ chế biến công nghiệp và hàng chục triệu tấn phân bón hữu cơ do nông dân tự sản xuất. Sự chênh lệch này cũng gây phí phạm các nguồn hữu cơ, thiếu cân đối giữa các yếu tố dinh dưỡng (đa lượng, vi lượng, đa trung vi lượng…).

Cần sử dụng cân đối giữa phân vô cơ và hữu cơ

Theo GS.TS Nguyễn Văn Bộ, để phân bón phát huy hiệu quả trên cây trồng, cần cân đối giữ hữu cơ và vô cơ. Trong khi ưu thế của hai loại phân bón đều rất khác biệt, việc cực đoan hóa sử dụng một trong hai loại đều sẽ mang hiệu quả tiêu cực cả về mặt kinh tế và môi trường.

Phân bón hữu cơ và vô cơ đều có những vai trò quan trọng, vấn đề là cần sử dụng hợp lý, cân đối để phát huy hiệu quả tốt nhất. Ảnh: NNVN.

Phân bón hữu cơ và vô cơ đều có những vai trò quan trọng, vấn đề là cần sử dụng hợp lý, cân đối để phát huy hiệu quả tốt nhất. Ảnh: NNVN.

Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ dinh dưỡng 30% từ nguồn phân hữu cơ và 70% từ nguồn phân vô cơ là tối ưu cho phần lớn cây trồng để đảm bảo tăng năng suất, chất lượng, vừa góp phần ổn định độ phì nhiêu của đất. Do vậy, cung ứng phân hữu cơ chất lượng tốt cũng như phân vô cơ thế hệ mới với hiệu quả sử dụng cao là rất cần thiết.

Thứ hai, cần thông qua phát triển nông nghiệp tuần hoàn để cân đối nguồn chất dinh dưỡng từ phân bón hữu cơ và vô cơ. Đây là điều kiện vô cùng quan trọng khi sự thiên lệch về hóa học nông nghiệp đang làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường và giảm chất lượng nông sản. Một trong những mô hình của canh tác tuần hoàn là sử dụng phế thải làm phân ủ nhờ các công nghệ chuyển hóa chất thải chăn nuôi như khí sinh học, đệm lót sinh học, nuôi trùn quế… và công nghệ sản xử lý phụ phẩm trồng trọt như thanh nhiên liệu, than sinh học….

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy phát triển phân bón thế hệ mới và thông qua thống canh tác tuần hoàn như luân canh và xen canh cũng hai là biện pháp được GS.TS Nguyễn Văn Bộ đề cập nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón.

Tăng cường sản xuất và sử dụng phân hữu cơ tại chỗ

Hiện nay, nguồn phụ phẩm nông nghiệp hàng năm rất lớn, riêng ngành trồng trọt, chăn nuôi tạo ra khoảng trên 200 triệu tấn phế, phụ phẩm. Vì vậy, chương trình phân bón hữu cơ của Hội Làm vườn Việt Nam thúc đẩy vào sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ do nông hộ tự sản xuất, sẽ giúp giải quyết vấn đề rác thải môi trường cho nôn thôn cũng như tăng nguồn phân bón hữu cơ cho sản xuất.

Hiện nay, nhiều nhà vườn đã chú trọng chế biến phân bón hữu cơ tại chỗ nhằm giảm chi phí sản xuất. Ảnh: NNVN.

Hiện nay, nhiều nhà vườn đã chú trọng chế biến phân bón hữu cơ tại chỗ nhằm giảm chi phí sản xuất. Ảnh: NNVN.

Theo TS Phạm Đông Quảng (Hội Làm vườn Việt Nam), việc sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ tại chỗ cũng là một giải pháp để phát triển nghề làm vườn bền vững. Phân bón hữu cơ có thể được sản xuất từ các nguồn chất thải hữu cơ tại chỗ như phế phụ phẩm sản xuất nông nghiệp, chế biến vỏ hoa quả; phân gia súc, gia cầm; phế phụ phẩm chế biến thủy sản…; từ sinh hoạt hàng ngày như cà phê, vỏ trứng, bã chè và từ cây phân xanh...

Việc tận dụng các nguồn hữu cơ tại chỗ để sản xuất phân hữu cơ đem lại nhiều lợi ích. Về mặt môi trường, phân bón hữu cơ giúp làm tăng đa dạng về chủng loại và số lượng quần thể vi sinh vật có ích trong đất, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của vi sinh vật đất. Về mặt kinh tế, phân hữu cơ tại chỗ giúp giảm chi phí sử dụng phân hóa học và giảm bớt chi phí vận chuyển so với phân bón hóa học.  

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.