| Hotline: 0983.970.780

Không nên vội vàng phá bỏ thanh long

Thứ Ba 29/03/2022 , 07:01 (GMT+7)

BÌNH THUẬN Nông dân cần cân nhắc kỹ, không nên vội vàng phá bỏ cây thanh long. Cần duy trì các giải pháp kỹ thuật chăm sóc nhằm tránh làm vườn thanh long bị suy kiệt.

Duy trì chăm sóc, không bỏ bê 

Bình Thuận là thủ phủ sản xuất thanh long của cả nước với diện tích trên 33.000 ha (chủ yếu là thanh long ruột trắng), sản lượng thanh long đạt 700.000 tấn.

Với tổng sản lượng trên, hiện thanh long Bình Thuận tiêu thụ thị trường nội địa khoảng 15% sản lượng, còn 85% tập trung cho xuất khẩu, trong đó lượng thanh long xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.

Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero Covid-19" khiến việc xuất khẩu thanh long sang thị trường này gặp nhiều khó khăn, giá thanh long giảm mạnh khiến nông dân thua lỗ. Một số nơi nông dân đã phá bỏ cây thanh long (chủ yếu là các vườn già cỗi, năng suất, chất lượng quả thấp). 

Ngành chuyên môn tỉnh Bình Thuận khuyến cáo nông dân duy trì việc chăm sóc, không để vườn thanh long suy kiệt. Ảnh: KS.

Ngành chuyên môn tỉnh Bình Thuận khuyến cáo nông dân duy trì việc chăm sóc, không để vườn thanh long suy kiệt. Ảnh: KS.

Trong bối cảnh này, Chi cục trồng trọt – Bảo vệ Thực vật Bình Thuận khuyến cáo nông dân cần bình tĩnh, tránh hoang mang và cân nhắc kỹ việc chặt bỏ thanh long. Bởi thanh long là cây ăn quả lâu năm, nếu phá bỏ, khi xây dựng lại vườn cây sẽ rất tốn kém chi phí đầu tư và phải nhiều năm sau mới cho thu hoạch. Trong khi đó, với thị trường Trung Quốc, việc xuất khẩu gặp khó khăn có thể chỉ diễn ra trong thời gian trước mắt.

Vì vậy, trong khi chờ việc xuất khẩu thanh long được khơi thông trở lại, trước mắt, bà con nên tạm dừng khai thác trái, duy trì vườn thanh long, tránh tình trạng cây bị suy kiệt, teo cành, tóp cành. Chờ đến khi cửa khẩu thông quan trở lại thì bắt tay vào sản xuất thanh long bình thường.

Về biện pháp đảm bảo duy trì vườn thanh long với chi phí thấp, ông Đỗ Văn Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Bình Thuận cho biết: Nông dân tối thiểu phải dọn cỏ trong vườn sạch sẽ, tưới nước cho cây thanh long và chỉ cần bón ít phân hữu cơ vẫn có thể duy trì vườn.

Theo ông Bảo, phân hữu cơ hiện vừa có hữu cơ, vừa có ít hữu cơ khoáng nên vẫn đảm bảo bổ sung và duy trì vườn thanh long khi nông dân tạm dừng thu hoạch trái. Trung bình mỗi trụ thanh long, nông dân chỉ cần bỏ vào gốc khoảng 2 kg, tức 1 ha tương ứng 1.000 trụ, tốn khoảng 2 tấn hữu cơ. Hiện trung bình mỗi bao phân hữu cơ loại 50 kg khoảng 200 ngàn đồng. Nông dân cứ áp dụng biện pháp này và lâu lâu bón phân cho cây thanh long khi thấy xuống màu thì vẫn duy trì vườn đảm bảo.

Nông dân cần duy trì chế độ chăm sóc, vệ sinh vườn để tránh mầm bệnh phát sinh. Ảnh: KS.

Nông dân cần duy trì chế độ chăm sóc, vệ sinh vườn để tránh mầm bệnh phát sinh. Ảnh: KS.

Nông dân Nguyễn Tánh, thôn 5, xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) cũng áp dụng biện pháp dừng sản xuất trái và duy trì vườn thanh long bằng cách bón phân hữu cơ giá rẻ và vẫn giúp cây xanh mướt từ Tết Nhâm Dần đến nay.

Ông Tánh cho biết, gia đình ông có hơn 1 ha thanh long khoảng 1.200 trụ. Để duy trì vườn thanh long, ông đã bấm cành (tỉa cảnh) nảy sai lệch, chỉ để lại cành hữu hiệu; đồng thời bón mỗi gốc thanh long từ 1 - 2 kg phân hữu cơ. Cứ cách khoảng 2 tháng, ông lại bón phân hữu cơ cho cây thanh long, chi phí mất hơn 4 triệu đồng nên đã tiết kiệm chí phí đầu tư rất nhiều.

“Hiện vườn thanh long gia đình tôi vẫn duy trì xanh tốt, ra nhiều cành non để dưỡng sức cho vụ năm sau”, ông Tánh bộc bạch và cho biết thêm, ông quyết giữ vườn thanh long vì cây trồng này vẫn còn nhiều cơ hội giúp nông dân nâng cao thu nhập. Hơn nữa tỉnh Bình Thuận và huyện Hàm Thuận Bắc đều xác định thanh long vẫn là cây chủ lực. Cũng vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên thanh long mới rẻ như thời gian qua.

Khi việc xuất khẩu được thông thương trở lại, Tánh tin rằng giá thanh long sẽ nhích lên. Một dấu hiệu lạc quan là hiện giá thanh long đã lên được 5 ngàn đồng/kg. Nhiều vườn gần nhà ông Tánh đã bán được với giá này.

Vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản giao Sở Công thương phối hợp với Sở NN-PTNT, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, tổng hợp khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản, nông sản của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối nông sản trên địa bàn để sẵn sàng sử dụng hoặc huy động hỗ trợ bảo quản nông sản chờ thời điểm thuận lợi để xuất khẩu, tiêu thụ khi cần thiết.

Chuẩn hóa chất lượng thanh long theo GAP, hữu cơ

Về giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản, trong đó có thanh long, mới đây ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký văn bản giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện rà soát cụ thể quy mô, tình hình sản xuất, chế biến các loại nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh; thường xuyên nắm bắt thông tin tình hình sản lượng, giá cả các loại nông sản theo từng thời điểm để có kế hoạch hỗ trợ kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Tỉnh Bình Thuận đã có chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh canh tác thanh long theo hướng chuẩn hóa chất lượng, áp dụng quy trình sản xuất theo GAP, hữu cơ... Ảnh: KS.

Tỉnh Bình Thuận đã có chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh canh tác thanh long theo hướng chuẩn hóa chất lượng, áp dụng quy trình sản xuất theo GAP, hữu cơ... Ảnh: KS.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn giao Sở NN-PTNT thường xuyên phối hợp với Sở Công thương theo dõi, cập nhật thông tin tình hình tiêu thụ nông sản (đặc biệt đối với thanh long), tình trạng ùn ứ, tồn đọng tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc để cung cấp kịp thời cho người dân, doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp. Đồng thời đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định của thị trường nhập khẩu (nhất là đối với thanh long).

Song song đó, phát triển các vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa, tập trung, bền vững đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu, tiêu thụ và chế biến; tăng cường công tác quản lý về chất lượng, an toàn thực phẩm; đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tình hình sử dụng hóa chất, chất kích thích, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản.

Đồng thời, triển khai việc cấp và quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; tăng cường hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện chuẩn hóa chất lượng theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định của thị trường nhập khẩu…

Nông dân không nên vội vàng chặt bỏ cây thanh long, bởi tình hình khó khăn trong xuất khẩu chỉ là sự cố thị trường ngắn hạn. Ảnh: KS.

Nông dân không nên vội vàng chặt bỏ cây thanh long, bởi tình hình khó khăn trong xuất khẩu chỉ là sự cố thị trường ngắn hạn. Ảnh: KS.

Đối với Sở Công thương, UBND tỉnh giao tiếp tục phối hợp với các tỉnh biên giới phía Bắc nắm bắt, cập nhật kịp thời thông tin về cơ chế, chính sách, hoạt động buôn bán biên mậu tại các cửa khẩu, lối mở với Trung Quốc để cung cấp cho các doanh nghiệp có phương án sản xuất hiệu quả; điều tiết lượng hàng lên cửa khẩu, lối mở phù hợp với năng lực và tiến độ thông quan tại các cửa khẩu, lối mở.

Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch nông sản bằng đường biển nhằm giảm tải cho các cửa khẩu đường bộ. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản giữa tỉnh Bình Thuận với các tỉnh, thành. Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại (trực tiếp, trực tuyến) một cách đồng bộ, có trọng điểm và đạt hiệu quả, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, nhanh chóng đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đã vào vụ hoặc sắp vào vụ thu hoạch.

Đa dạng hóa sản phẩm chế biến

UBND tỉnh Bình Thuận đã có chỉ đạo giao Sở Công thương phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương, các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước… hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu, nắm bắt thông tin thị trường, khai thác cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường xuất khẩu thanh long.

Tăng cường các sản phẩm thanh long chế biến sẽ giúp giảm áp lực trong tiêu thụ quả tươi. Ảnh: NNVN.

Tăng cường các sản phẩm thanh long chế biến sẽ giúp giảm áp lực trong tiêu thụ quả tươi. Ảnh: NNVN.

Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm như thanh long sấy, kẹo thanh long, snack thanh long, nước ép thanh long… cùng với các tài liệu giới thiệu, quảng bá về địa phương, doanh nghiệp trong gian hàng Việt Nam tham gia các hội chợ thương mại quốc tế.

Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng nông sản phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh tham gia giao dịch tại các sàn thương mại điện tử. Đề xuất quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics trong phương án phát triển kết cấu hạ tầng thương mại tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở tích hợp quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch liên quan khác để kêu gọi nhà đầu tư thành lập Trung tâm logistics phục vụ nhu cầu lưu thông và phân phối hàng hóa; triển khai các chính sách hỗ trợ để thu hút đầu tư nhà máy chế biến nông sản, nhất là thanh long.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm