Khoanh vùng dập cúm gia cầm
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện hơn 3 triệu con, giảm so với giai đoạn cuối năm 2023 (khoảng 3,44 triệu con) vì nhiều hộ chăn nuôi đã xuất bán trong dịp Tết Nguyên đán.
Ngày 14/2 vừa qua, tại thôn Xuân Phú 1, xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh phát hiện bệnh cúm gia cầm H5N1 tại 2 hộ chăn nuôi với 961 con gà 40 ngày tuổi. Sau đó, UBND xã Suối Tiên đã nhanh chóng tiến hành tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn gà của 2 hộ chăn nuôi trên. Cơ quan thú y cũng đã vào cuộc quyết liệt triển khai các giải pháp dập dịch cúm gia cầm.
Bà Nguyễn Thị Hiếu, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Diên Khánh cho biết, sau khi tiêu hủy, Trạm phối hợp với địa phương tiến hành phun thuốc sát trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và đặt biển báo.
“Đối với hộ có dịch, chúng tôi phun sát trùng mỗi ngày/lần, thôn có dịch phun tuần/lần liên tục trong 3 tuần, còn các thôn lân cận phun tuần/lần trong vòng 2 tuần”, bà Nguyễn Thị Hiếu nói.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, ký cam kết với tất cả hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn xã có dịch không được vận chuyển, bán chạy, giết mổ gia cầm nghi mắc bệnh và báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y khi phát hiện gia cầm bệnh, chết nghi mắc bệnh truyền nhiễm.
Cùng với đó, thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trên địa bàn, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ gia cầm nghi mắc bệnh, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm tại địa phương.
Ngoài ra, cơ quan thú ý còn tổ chức giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các trường hợp dương tính với virus cúm gia cầm, không để lây lan diện rộng và thông báo kịp thời cho ngành y tế khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm.
Đặc biệt, thống kê lại toàn bộ đàn gia cầm trên địa bàn để chuẩn bị tiêm phòng vacxin phòng bệnh cúm gia cầm, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm… Với các biện pháp trên nên từ ngày phát hiện ổ dịch cúm gia cầm đến nay đã qua 21 ngày trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không phát sinh ổ dịch mới.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa, qua điều tra, nguyên nhân có thể dẫn đến xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm tại 2 hộ trên là do chưa tiêm phòng vacxin cúm gia cầm hoặc việc vận chuyển thức ăn và mua bán gia cầm mang mầm bệnh vào trại.
Đảm bảo tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm phòng vacxin
Ông Lê Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa nhận định, thời gian tới nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm là rất cao. Bởi thời tiết diễn biến cực đoan thay đổi bất lợi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, lây lân và gây bệnh.
Trong khi đó, điều kiện chăn nuôi của các nông hộ còn hạn chế, tình hình chăn, thả trâu, bò trên các cánh đồng, bãi chăn thả chung còn phổ biến. Các loại mầm bệnh lưu hành với tỷ lệ cao như các chủng virus cúm gia cầm A/H5 (H5N1, H5N6…) và virus gây bệnh viêm da nổi cục có khả năng lây lan nhanh và rộng do các véc tơ truyền bệnh, đặc biệt virus gây bệnh cúm gia cầm đã xuất hiện trên địa bàn huyện Diên Khánh.
Ngoài ra, nhu cầu giao thương buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật gia tăng mạnh trong Tết Nguyên đán có nguy cơ phát tán mầm bệnh. Trước tình hình trên, để ngăn chặn dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa khuyến cáo chính quyền địa phương và người chăn nuôi giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện và xử lý ngay các đàn gia súc, gia cầm ốm, chết và lấy mẫu các trường hợp bất thường, nghi ngờ gửi về Cơ quan Thú y để xét nghiệm tìm virus gây bệnh.
Các địa phương thống kê lại toàn bộ đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn để tổ chức tiêm phòng vacxin định kỳ đợt I năm 2024, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm. Tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm.
Xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập không rõ nguồn gốc. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường chăm sóc gia cầm, vệ sinh chuồng trại, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học khác, tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin đặc biệt là các bệnh nguy hiểm cho đàn gia cầm.
Về phía Chi cục Chăn nuôi và Thú y, ông Lê Thắng cho biết đơn vị đang triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Cụ thể như tổ chức tiêm phòng bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng trâu, bò định kỳ đợt I năm 2024 từ ngày 15/3/2024.
Trong đó, kinh phí ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ công tác tiêm phòng lở mồm long móng trâu, bò đối với cơ sở chăn nuôi trâu bò dưới 10 con và cúm gia cầm. Riêng các cơ sở chăn nuôi không được ngân sách hỗ trợ phải chủ động tiêm phòng bằng kinh phí tự có theo hướng dẫn của cơ quan thú y, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt 80% tổng đàn.
Đồng thời, tổ chức tiêm phòng vacxin dại bằng kinh phí của người chăn nuôi chó, mèo chưa được tiêm hoặc đã tiêm vacxin nhưng hết thời gian miễn dịch bảo hộ trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng khoảng 75% tổng đàn.
Cơ quan thú y cũng đang triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi đợt I bắt đầu từ ngày 5/3/2024 theo kế hoạch số 977 ngày 1/3/2024 của Sở NN-PTNT.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, hộ chăn nuôi gà ở thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh cho biết, hiện nay mỗi tháng gia đình thả nuôi 1.000 con gà giống Dabaco và xuất ra 1.000 con gà thịt. Với giá bán từ 65-70 ngàn đồng/kg (tùy thời điểm), sau khi trừ chi phí gia đình lãi từ 25-30 triệu/lứa.
Để đảm bảo phòng chống dịch bệnh, gia đình chú trọng công tác vệ sinh chuồng trại thường xuyên, cho gà uống nước sạch sẽ, bổ sung vitamin C trong thức ăn, đặc biệt chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ, nhất là cúm gia cầm.