| Hotline: 0983.970.780

Bắc Giang phấn đấu tiêm vacxin cho 80% gia cầm

Thứ Sáu 01/03/2024 , 08:54 (GMT+7)

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm; bảo đảm triển khai kịp thời, khống chế hiệu quả khi dịch bệnh xảy ra.

Để ngăn chặn bệnh cúm gia cầm hiệu quả, UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh công tác tiêm phòng vacxin trên đàn vật nuôi. Ảnh: TL.

Để ngăn chặn bệnh cúm gia cầm hiệu quả, UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh công tác tiêm phòng vacxin trên đàn vật nuôi. Ảnh: TL.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Công văn số 849/UBND-NN yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm.

Trong đó, yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung nguồn lực, bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm; bảo đảm kinh phí để triển khai kịp thời, khống chế hiệu quả khi dịch bệnh xảy ra.

UBND cấp huyện có phương án chỉ đạo UBND cấp xã và các cơ quan chuyên môn phối hợp với ngành thú y quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Một trong những nội dung chính, được UBND tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm trong thời gian tới là nâng cao tỷ lệ tiêm vacxin cho đàn vật nuôi.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn người chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng dịch; rà soát, tổ chức tiêm phòng triệt để vacxin cúm gia cầm, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng.

Đồng thời, thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra nhằm rà soát, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.

Sở NN-PTNT có trách nhiệm phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm gia cầm; tổ chức tiêm phòng vacxin. Ngoài ra, tổ chức lấy mẫu giám sát dịch bệnh và sự lưu hành virus cúm, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. 

Đoàn kiểm tra liên ngành cơ động cũng được thành lập, với mục đích tăng cường kiểm tra hoạt động vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật tại Bắc Giang.

Cùng với đó, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các chợ đầu mối, các địa điểm tập kết, vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc gia cầm; xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch trên địa bàn tỉnh.

Năm 2021, UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt Đề án “Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Newcastle với gà trên địa bàn huyện Yên Thế".

Cùng với phát triển về quy mô, Bắc Giang còn dành nguồn lực bảo tồn, phục tráng một số giống bản địa như gà đầu rìu, gà lông cằm tại huyện Lục Ngạn. 

Tại Công văn số 849, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo huyện phối hợp Sở NN-PTNT thực hiện các nội dung thuộc Đề án này. Cụ thể, tập trung công tác tiêm phòng vacxin cúm cho đàn gà, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, UBND huyện Yên Thế phối hợp chặt chẽ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu giám sát bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên đàn gà phục vụ công tác giám sát, đánh giá định kỳ đối với vùng an toàn dịch bệnh.

Những năm gần đây, chăn nuôi của Bắc Giang phát triển mạnh và luôn nằm trong tốp 10 tỉnh thành có tổng đàn vật nuôi lớn nhất cả nước. Cả tỉnh hiện có khoảng 20 triệu gia cầm, trong đó nổi bật có sản phẩm gà đồi Yên Thế.

Phấn đấu đến năm 2030, Bắc Giang phát triển trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung quy mô lớn, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học. Cụ thể, trong tổng đàn gia cầm dự kiến từ 22 - 25 triệu con, địa phương đặt mục tiêu 50% đàn gà và 30% đàn thủy cầm được nuôi theo phương thức công nghiệp.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.