| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 29/12/2017 , 07:27 (GMT+7)

07:27 - 29/12/2017

Không thể để lợi ích nhóm “sờ” đến hàng tỷ “đô” bán vốn!

Báo chí mới đây dồn dập đưa tin, thương vụ bán 53,59% cổ phần Sabeco do Bộ Công Thương nắm giữ đã kết thúc thành công với việc Nhà nước thu về 5 tỷ USD (gần 110.000 tỷ đồng). Một con số được đánh giá là kỷ lục trong lịch sử đấu giá cổ phần Nhà nước ở Việt Nam xưa nay.

Vậy là ngay trước Tết, ngân sách có thêm một khoản “tiền tươi”. Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, khoản tiền nói trên trở nên vô cùng ý nghĩa.

Thế nhưng, vì dường như chúng ta có quá nhiều nhiệm vụ, quá nhiều thứ cần phải tiêu tiền, nên thật dễ hiểu khi dư luận liên tục đặt câu hỏi cho nhà chức trách, rằng gần 5 tỷ USD nói trên rồi sẽ được sử dụng ra sao, như thế nào?

“Việc chi tiêu như thế nào đã có hạch toán rõ ràng và hàng năm được kiểm toán đầy đủ”, ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã nói như vậy trước báo chí và khẳng định thêm số tiền này không dùng để trả nợ.

Cụ thể, khi tiền về thì 110.000 tỷ đồng này sẽ được đưa vào Quỹ cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước tại tài khoản mở ở Kho bạc, để tạo nguồn cho việc chi đầu tư các dự án theo Nghị quyết của Quốc hội.

\Có lý do để đại diện Bộ Tài chính trả lời như vậy bởi theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cung cấp mới đây, trong năm 2017, ước tính chi thường xuyên từ nguồn ngân sách lên tới 862.600 tỷ đồng, chiếm gần 71% tổng chi còn chi đầu tư phát triển chỉ chiếm hơn 21% tổng chi.

Trong khi đó, tổng thu ngân sách ước 1,1 triệu tỷ đồng. Nghĩa là (nói một cách nôm na), cứ kiếm được 10 đồng thì “ăn tiêu” thôi cũng đã hết gần 8 đồng, đầu tư phát triển chẳng còn được bao nhiêu.

Thế nên, ngay từ khi Chính phủ có chủ trương bán vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp có quy mô lớn (như Vinamilk, Sabeco, Habeco…) thì trên nghị trường, các đại biểu Quốc hội đã lo ngại việc hòa chung khoản này vào ngân sách đễ mà dùng cho chi tiêu thường xuyên.

Chi thường xuyên không phải là khoản chi “không chính đáng”, phần lớn khoản này là chi lương cho bộ máy hành chính, nhưng nếu cứ để dồn cho chi thường xuyên thì đúng là “miệng ăn núi lở”.

Hiện tại, Chính phủ xác định rõ vấn đề này và đã có những chỉ đạo yêu cầu phải giảm chi thường xuyên, thông qua tinh giản biên chế, giảm tối đa chi cho hội nghị, tiếp khách, đi công tác nước ngoài… Nhưng có vẻ như thực tế, những nỗ lực này chỉ “hạn chế tăng” chứ chưa đảm bảo sẽ giảm.

Trong khi đó, chi đầu tư phát triển đã ít lại còn để xảy ra thất thoát, lãng phí nhiều, mà 12 đại dự án yếu kém là ví dụ. Chính vì vậy, nói 5 tỷ USD tiền bán vốn Sabeco được dùng đầu tư phát triển cũng không đồng nghĩa với “an toàn” và hiệu quả.

Sau Sabeco, trong quý I/2018 sẽ tiếp tục cổ phần hoá một số doanh nghiệp quy mô lớn như Tập đoàn Dầu khí, Lọc hoá dầu Bình Sơn, PV Power, PVOil… với quy mô tổng cộng có thể lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Mừng cho ngân sách sẽ có thêm khoản thu lớn, mừng cho tư duy quản lý kinh tế đã thay đổi… Song có lẽ cần nhận thức một cách rõ ràng về hoạt động cổ phần hoá, thoái vốn: Không phải là bằng mọi cách để có tiền theo kiểu “bán dần tài sản trong nhà để tiêu”, mà nhằm giúp nền kinh tế vận hành tốt hơn, để thị trường trở nên minh bạch hơn.

Chứ nếu cứ bán vốn, cổ phần hoá theo kiểu phong trào nếu mà không minh bạch, đồng tiền thu về đầu tư không hiệu quả… thì rốt cuộc, một chủ trương tốt có thể sẽ lại trở thành mồi ngon béo bở cho các nhóm lợi ích vun vén, thu lợi mà thôi!