Sau một tuần xảy ra vụ hành hung hai cậu bé 14 tuổi NPHT và NDTA tại phòng giám thị Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10, TP.HCM thì dư luận vẫn chưa hết xôn xao. Ngoài việc tạm đình chỉ công tác đối với 4 dân phòng có mặt tại hiện trường, thì cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra biện pháp xử lý đối tượng Trần Quốc Hùng trực tiếp ra tay tàn độc với trẻ em.
Mặc dù NPHT và TDTA thừa nhận nhiều lần đột nhập vào Trường THCS Nguyễn Văn Tố để lấy trộm tài sản, cũng không ai được quyền sử dụng bạo lực khi hai cậu bé đã bị bắt giữ. Hành vi đánh đập dã man của đối tượng Trần Quốc Hùng đã có clip sắc nét ghi lại đầy đủ bằng chứng về tội danh cố ý gây thương tích đối với người dưới 16 tuổi.
Về mặt nguyên tắc, dân phòng là lực lượng hỗ trợ công tác bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương, chứ không phải đại diện cho đội ngũ nhân viên công vụ để điều tra hay tra khảo người vi phạm pháp luật. Dân phòng lạm quyền dùng bạo lực khi công dân không có biểu hiện phản kháng hoặc chống đối, đã là sai trái. Dân phòng lạm quyền dùng bạo lực với trẻ em trong hoàn cảnh không có người giám hộ, thực sự không thể chấp nhận.
Sử dụng bạo lực với trẻ em, ở mọi quốc gia, đều được xếp vào loại hành vi dã man. Loại bỏ những kẻ hung tợn kia ra khỏi công tác dân phòng là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, vì sao khi đối tượng Trần Quốc Hùng tấn công hai trẻ em, mà những người chứng kiến vẫn không có biểu hiện can thiệp tích cực gì?
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Tôi cảm nhận những người xung quanh rất bàng quan trước sự việc diễn ra trước mắt họ. Tôi nghĩ, những người xung quanh cũng phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sự việc. Để cho tình trạng vi phạm pháp luật trắng trợn như vậy thì đó chính là bao che, đồng lõa, thiếu tinh thần trách nhiệm. Để xảy ra trong khu vực trường học, thì hiệu trưởng cũng không thể vô can”.
Bạo hành trẻ em, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng, mà còn tác động đến sự phát triển tâm lý bình thường của những công dân tương lai. Tỷ lệ thương tật đến mức nào, không quan trọng bằng thương tổn tinh thần của trẻ em. Những đứa trẻ hứng chịu bạo hành, sẽ bị bủa vây bởi sự sợ hãi và sự thù hận. Những đứa trẻ hứng chịu bạo hành khi lớn lên rất dễ hình thành ý thức giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm và áp bức người khác để đạt mục đích.
Vài năm gần đây, Việt Nam đã dựa vào Luật Trẻ em để ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em. Nhiều đối tượng có hành vi quấy rối các bé gái, đã bị trừng trị nghiêm khắc. Thế nhưng, hành vi bạo lực với trẻ em thì vẫn diễn biến phức tạp, qua nhiều sự việc và nhiều hoàn cảnh khác nhau. Từ vụ hành hung hai cậu bé ở Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10, TP.HCM có lẽ đã đến lúc không thể nương nhẹ hành vi bạo lực với trẻ em.