| Hotline: 0983.970.780

Không vì bão Rai là bão trái vụ mà chủ quan

Thứ Sáu 17/12/2021 , 16:53 (GMT+7)

Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các đơn vị, các địa phương tuyệt đối không được vì bão Rai là cơn bão trái vụ mà chủ quan.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp để ứng phó với siêu bão Rai. Ảnh: Phạm Hiếu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp để ứng phó với siêu bão Rai. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cơn bão trái mùa, cường độ mạnh, diễn biến phức tạp

Chiều 17/12, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, chủ trì cuộc họp để ứng phó với siêu bão Rai.

Báo cáo về diễn biến của bão Rai tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, nhận định đây là cơn bão muộn, diễn biến nhanh và có cường độ rất mạnh diễn ra vào thời điểm cuối năm và lại có hướng di chuyển lên phía Bắc là hết sức bất thường, rất hiếm gặp.

Cơn bão sẽ chịu tương tác của khối không khí lạnh từ phía Bắc nên diễn biến lại càng phức tạp, khó lường và không loại trừ khả năng đi gần bờ hoặc đổ bộ vào đất liền.

Đến 13 giờ ngày 17/12, bão Rai có vị trí ngay trên vùng biển Đông Bắc đảo Pa-la-oan (Phi-líp-pin), cường độ mạnh cấp 14 - 15, giật trên cấp 17. Dự báo bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 25-30km/h.

Như vậy, chiều nay (17/12), bão Rai sẽ vượt qua phía Bắc đảo Pa-la-oan, đi vào khu vực giữa Biển Đông, trở thành cơn bão số 9 năm 2021. Sau khi vào Biển Đông, cường độ bão giảm xuống cấp 13 - 14, giật cấp 17. Đây vẫn là cấp bão rất mạnh.

Ông Trần Quang Hoài báo cáo về diễn biến của bão Rai tại cuộc họp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Trần Quang Hoài báo cáo về diễn biến của bão Rai tại cuộc họp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Sáng 19/12, dự báo khi bão số 9, cường độ bão duy trì ở cấp 12 - 13, giật trên cấp 15, cách đất liền từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 280km, với bán kính gió mạnh cấp 6 khoảng 300km thì vùng ben biển sẽ bắt đầu cảm nhận được gió, mưa tăng dần.

Từ ngày 19/12, dự báo bão có nhiều dấu hiệu đổi hướng và di chuyển theo hướng Bắc, đi dọc vùng biển các tỉnh Trung Bộ (từ Khánh Hòa đến Quảng Trị) cường độ suy yếu dần còn cấp 11 - 12, giật cấp 15.

Đến sáng 20/12, khi cách bờ biển Đà Nẵng - Bình Định khoảng 150km về phía Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão còn mạnh cấp 12 (120-135km/giờ).

Với sai số dự báo 72 giờ là khoảng 200-220km, hoàn toàn có khả năng tâm bão Rai sẽ vào sát đất liền nước ta. Với khoảng cách và khả năng ảnh hưởng rất cao như vậy nên 2 ngày 19-20/12 sẽ là thời điểm gió mạnh nhất ở vùng ven biển và đất liền nước ta.

“Đối tượng sẽ có nguy cơ cao bị tác động bởi bão gồm người và các phương tiện tàu cá, tàu vận tải hoạt động trên biển, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi trồng thủy sản; các dàn khoan, công trình dầu khí, hệ thống công trình đê, kè nhất công trình đang thi công dở dang; các hồ chứa nước… Theo đó đòi hỏi công tác chỉ đạo và ứng phó phải quyết liệt cả trên biển, ven biển và sẵn sàng trên đất liền”, ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh.

Tuyệt đối không vì bão trái vụ mà chủ quan

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên, cho biết, hiện nay vấn đề đáng lo nhất trước khi bão Rai tác động vào nước ta là việc người dân còn chủ quan. Đây là cơn bão cuối mùa, có cường độ rất lớn, trong khi hướng đi của bão vẫn chưa thể dự báo một cách chính xác.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: 'Vấn đề đáng lo nhất trước khi bão Rai tác động vào nước ta là việc người dân còn chủ quan'. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: "Vấn đề đáng lo nhất trước khi bão Rai tác động vào nước ta là việc người dân còn chủ quan". Ảnh: Phạm Hiếu.

“Hiện đang đúng mùa đi biển đánh bắt Cá Bắc của người dân. Vì gặp bão cuối mùa nên bà con sẽ có tâm lý chủ quan, chỉ tránh trú tạm. Nếu như vậy chỉ cần bão đổ bộ hoặc có tác động lớn hơn dự báo sẽ rất nguy hiểm. Thế nên, việc đầu tiên, các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt việc kêu gọi các tàu thuyền trên biển về khu tránh trú an toàn”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phân tích.

Thứ hai, có một số vùng bị ảnh hưởng trực tiếp như đảo Lý Sơn, đảo Cồn Cỏ, đảo Cù Lao Chàm. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, những khu vực đã được xác định chắc chắn bị ảnh hưởng bởi bão số 9 cần lên phương án ứng phó một cách cụ thể.

Thứ ba, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công tại vùng ven sông, ven biển.

Thứ tư, các lực lượng cần chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực để chủ động công tác cứu hộ cứu nạn trên biển.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao việc chủ động triển khai công tác ứng phó khi có dự báo về thiên tai của các bộ ban ngành cũng như các địa phương.

“Đây là cơn bão muộn dự báo cường độ mạnh, đặc biệt với thời tiết mùa đông nên hướng di chuyển rất khó dự báo, diễn biến phức tạp. Những năm trước chúng ta đã phải trả giá đắt khi đưa ra dự báo bão sẽ vào Thanh Hóa nhưng bão lại vào Quảng Ninh”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các đơn vị, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan. Ảnh: Phạm Hiếu.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các đơn vị, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo Phó Thủ tướng, hiện nay mới chỉ có thể dự báo được diễn biến của bão trên Biển Đông trong khi những trận bão muộn vào mùa đông rất dễ gây tâm lý chủ quan cho bà con nông dân.

“Chính vì thế Ban Chỉ đạo đề nghị các đơn vị, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan. Vừa qua công tác tuyên truyền, công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai vẫn chưa tốt, vẫn còn chủ quan nên đã gây ra thiệt hại đáng tiếc với 19 người chết. Các địa phương cần quyết tâm giữ kết quả đã đạt được về công tác phòng, chống thiên tai trong năm 2021, không được để xảy ra thiệt hại đáng tiếc”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Theo đó, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đưa ra 5 vấn đề quan trọng để ứng phó trước cơn bão Rai.

Thứ nhất, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đưa ra những dự báo chính xác, bám sát tình hình, kịp thời thông tin thông suốt tới các cơ quan cho đến người dân.

Thứ hai, các bộ ban ngành, lực lượng công an, quân đội cần phối hợp, triển khai đồng bộ, kịp thời để sẵn sàng ứng phó, hỗ trợ người dân ngoài biển, trong bờ cũng như trên đảo.

Thứ ba, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đặc biệt là bộ đội biên phòng để kêu gọi tàu thuyền về khu an toàn. Phó Thủ tướng nhận định đây là nhiệm vụ quan trọng nhất trong trận bão này, các tỉnh, thành phố cần đặc biệt quan tâm.

Thứ tư, các đơn vị cần triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân khi cần thiết, sắp xếp chỗ ăn, nghỉ cho bà con trên các đảo.

Thứ năm, cần phải có các phương án đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều, cần tập trung cho các nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghề cói Kim Sơn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 1150/QĐ-BVHTTDL đưa nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.