| Hotline: 0983.970.780

Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An: Bảo tồn& phát triển

Thứ Tư 29/11/2017 , 14:49 (GMT+7)

Ngày 18/9/2007, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) chính thức công nhận 9 huyện miền núi phía tây Nghệ An là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là niềm vinh dự, tự hào lớn của tỉnh Nghệ An.

Sau 10 năm được công nhận, thực tế đã chỉ ra việc gìn giữ và phát huy danh hiệu vừa đảm bảo duy trì bền vững sự đa dạng sinh học trước yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương là khó khăn của cả thời gian qua và cũng là thách thức không hề nhỏ cho giai đoạn 10 năm tới.
 

Xung đột giữa phát triển và bảo tồn bền vững

Khu DTSQ miền tây Nghệ An có diện tích 1.299.795ha, với 3 khu rừng đặc dụng: Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu BTTN Pù Huống, Khu BTTN Pù Hoạt, là nơi hội tụ của nhiều hệ động, thực vật, với tính đa dạng sinh học, đa dạng các loài dược liệu.

Khách du lịch tại thác Khe Kèm, vùng lõi Khu DTSQ miền tây Nghệ An

Đây còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn mang đậm nét văn hoá đặc sắc của cộng đồng 6 dân tộc: Thái, Thổ, Kinh, Khơ Mú, Ơ Đu và H’ Mông.

Qua 10 năm xây dựng và phát triển, Khu DTSQ miền tây Nghệ An đã thực hiện tốt 3 chức năng: Bảo tồn, Phát triển và Hỗ trợ, nhờ đó mang lại hiệu quả rất lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng trên địa bàn 9 huyện miền núi phía tây.

Khu DTSQ miền tây Nghệ An sau 10 năm được công nhận đã đạt được nhiều thành tựu là: Công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức đã thu hút được sự tham gia của cộng đồng bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện tốt công tác quản lý BVR và bảo tồn đa dạng sinh học. Độ che phủ rừng đạt 66,3%, góp phần tăng độ che phủ rừng của tỉnh lên 57,2%. Nâng cao hiệu quả quản lý BVR, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen động, thực vật quý hiếm và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bảo tồn tốt các giá trị văn hóa, bản sắc truyền thống của cộng đồng các dân tộc miền tây xứ Nghệ, thúc đẩy phát triển lợi thế du lịch trong vùng nhất là phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Tăng trưởng kinh tế của khu vực trong các năm 2014-2016 đạt 8,04%. Thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo và giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng xuống còn 26,78%. Khôi phục làng nghề, lễ hội được thực hiện qua việc xã hội hóa...

Danh hiệu Khu DTSQ miền tây Nghệ An dần trở thành một "thương hiệu", một biểu tượng sinh động không chỉ ở sự đa dạng sinh học mà còn bao hàm cả tính đa dạng về bản sắc văn hóa các dân tộc.

Tuy nhiên, việc bảo tồn bền vững tính đa dạng sinh học trên diện tích hơn 800.000ha rừng và sinh kế bền vững cho hơn 900.000 người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn khó và rất nặng nề.

Để thực hiện tốt mục tiêu đang đặt ra: Phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong khu DTSQ nhưng phải gắn liền với việc phải bảo tồn bền vững tính đa dạng sinh học cả trước mắt và lâu dài là không hề đơn giản.

Theo ông Nguyễn Tiến Lâm, PGĐ Sở NN-PTNT Nghệ An, tại Khu DTSQ miền tây Nghệ An, hiện hai vấn đề trên đang có sự sự xung đột. Chẳng hạn: Nhu cầu sử dụng đất cho phát triển kinh tế (thủy điện, thương mại, công nghiệp) ngày càng tăng, trong nhiều trường hợp, sự thay đổi diễn ra quá nhanh khiến người dân không kịp thích nghi với hoàn cảnh mới.

Việc phát triển rừng sản xuất, cây công nghiệp diễn ra nhanh trong những năm gần đây làm ảnh hưởng tới tính đa dạng sinh học và hành lang đa dạng sinh học của khu DTSQ.

Mặc dù mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong khu DTSQ là chủ trương đúng và có tính tất yếu, nhưng nếu không được giải quyết thỏa đáng thì sẽ xung đột với yêu cầu bảo tồn bền vững sự đa dạng sinh học.

Theo đó, việc phát triển kinh tế - xã hội ra sao còn phải đảm bảo tốt nguyên tắc phải bảo vệ được môi trường cho Khu DTSQ; cũng như việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên để không bị cạn kiệt. Khi giải quyết được những xung đột kể trên, thì mới có thể đảm bảo tốt sự bền vững trong việc bảo tồn đa dạng sinh học...
 

Làm gì để bảo tồn bền vững gắn với phát triển

Miền tây Nghệ An với 80% diện tích và 1/3 dân số của tỉnh, là địa bàn trọng điểm, chiến lược với 419km đường biên đặc biệt nhạy cảm với an ninh quốc phòng, nhiều huyện nghèo, xã nghèo, trình độ dân trí thấp, phương thức canh tác phụ thuộc thiên nhiên…

Trong bối cảnh đó, có thể khẳng định “Nghệ An sẽ còn nghèo khi miền tây của tỉnh đang nghèo” là không sai. Bởi vậy, để giúp đồng bào thoát nghèo, nhất là làm gì để gần 1 triệu cư dân đang sinh sống trong Khu DTSQ vươn lên thoát nghèo ngay trong địa bàn cư trú của họ là câu hỏi khó tìm lời giải.

12-31-14_lng_det_tho_cm_ti_mon_son
Làng nghề dệt thổ cẩm ở xã Môn Sơn, Con Cuông

Vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta sẽ đưa ra cơ chế, chính sách gì để người dân ở đây vừa khai thác được tài nguyên thiên nhiên để phát triển theo hướng bền vững vừa có ý thức tự bảo vệ môi trường và tự giác tác động tích cực để nguồn tài nguyên thiên nhiên không bị cạn kiệt mà ngược lại còn phát triển ngày một bền vững hơn.

Để góp phần giải quyết vấn đề này, theo ông Nguyễn Tiến Lâm, với 861.117ha (chiếm 66,3% diện tích Khu DTSQ) là rừng thì giải pháp phải bắt đầu từ rừng. Qua đó, chính quyền các cấp cần xác định: Mục tiêu để giảm nghèo bền vững cần đảm bảo sinh kế cho cộng đồng, tận dụng nguồn lực hiện có với các giải pháp đồng bộ về chính sách đối với đồng bào đang sống gần rừng, tạo điều kiện để họ có thể sống ổn định nhờ rừng... bằng việc “lồng ghép” để giải quyết các xung đột hiện có...

Đề nghị Chính phủ xem xét lại các vấn đề sau: Thứ nhất là nên mạnh dạn thực hiện chuyển đổi những diện tích rừng nghèo kiệt trong Khu DTSQ sang rừng sản xuất để giao cho người dân trong Khu DTSQ. Thứ hai là tiếp tục cho thực hiện Nghị định 167/2008/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở cho những hộ chưa có nhà để họ an cư lạc nghiệp, phát triển sản xuất...

Điều quan trọng thứ ba, để Khu DTSQ làm tốt công tác bảo tồn bền vững tính đa dạng sinh học, bắt buộc chính quyền phải tạo được sinh kế cho người dân đang sinh sống trong Khu DTSQ. Tạo được sinh kế cho người dân thì mới giúp họ giảm nghèo nhanh và bền vững. Đây là điều kiện tiên quyết để bà con không tác động tiêu cực vào tính đa dạng sinh học trong Khu DTSQ.

Yếu tố thứ tư, là phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, phát triển du lịch, trong đó đặc biệt quan tâm phát triển hình thức du lịch cộng đồng gắn với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để thu hút du khách trong và ngoài nước về Khu DTSQ. Một khi lượng du khách về Khu DTSQ tăng thì các loại hình dịch vụ tại chỗ mới có điều kiện phát triển thì mới giúp người dân tăng thêm thu nhập...

Nghệ An đã có một số làng nghề mây tre đan, dệt thổ cẩm, làm hương trầm trong Khu DTSQ... nhưng chưa nhiều, sản phẩm lại chưa mang đậm dấu ấn bản địa và nhất là không có đầu ra và chưa đem lại thu nhập cao cho họ nên không thu hút được họ khi nhân mô hình ra diện rộng.

Thực hiện quy định của UNESCO, năm 2016 và 2017 UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu DTSQ, Sở NN-PTNT phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan cộng với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế tiến hành đánh giá định kỳ 10 năm, rà soát toàn dịên quá trình vận hành Khu DTSQ.

Quá trình đánh giá đã xem xét toàn diện mục tiêu, tầm nhìn, chính sách, chức năng, quy mô và sự tham gia của cộng đồng trong quản lý Khu DTSQ. Đồng thời thảo luận về những hạn chế, thách thức, cơ hội và giải pháp để phát huy tốt 3 chức năng: Bảo tồn, Phát triển, Hỗ trợ của Khu DTSQ trong tương lai.

Trong luân kỳ tiếp theo Khu DTSQ miền tây Nghệ An đã xác định tầm nhìn: “Tiếp tục duy trì và phát triển giá trị đa dạng sinh học phong phú của khu vực, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo và đa dạng của 5 nhóm dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn, thiết lập và duy trì hành lang đa dạng sinh học kết nối 3 vùng lõi, xây dựng Khu DTSQ thành mô hình phát triển bền vững góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh, của quốc gia và góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc” – (Báo cáo đánh giá định kỳ 10 năm Khu DTSQ miền tây Nghệ An 2007-2017).

 

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Xuất khẩu nuôi biển đạt 2 tỷ USD năm 2030 đối điện thách thức nào?

Trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt, ngành thủy sản định hướng phát triển theo hướng giảm đánh bắt, tăng nuôi trồng, đặc biệt là nuôi biển.

Bí quyết trồng cây cau ta cho ngắn lóng, quả sai và ngon

Trồng cau theo cách làm dưới đây, các đốt lóng thân cây sẽ ngắn lại, quả sai, ngon, dễ thu hái và chống gãy đổ rất tốt.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.