| Hotline: 0983.970.780

Mùa xuân thăm những vườn cây kiểu mẫu

Khu vườn kiểu mẫu ở xóm Gò

Thứ Hai 07/03/2022 , 11:43 (GMT+7)

Chúng tôi đến xóm Gò (Xã Tiên Hội, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) để tham quan khu vườn kiểu mẫu của gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn My.

Mạnh dạn chuyển đổi

Là một xã thuần nông của huyện Đại Từ (Thái Nguyên), với địa hình nhiều đồi núi, người dân xã Tiên Hội chủ yếu sống bằng nghề trồng chè và cấy lúa. Việc  thay thế lúa và chè bằng cây ăn quả thực sự có ý nghĩa như một “cuộc cách mạng xanh” ở vùng đất này. Giờ đây Tiên Hội đã trở thành một trong những vùng cây ăn quả tập trung nổi tiếng của huyện và của tỉnh.

Mạnh dạn chuyển đổi mang đến thành công cho CCB Nguyễn Văn My. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Mạnh dạn chuyển đổi mang đến thành công cho CCB Nguyễn Văn My. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Từ cuối những năm 1990, cây ăn quả bắt đầu được người dân các xóm của Tiên Hội đưa về trồng xen lẫn với chè. Đặc biệt, cây bưởi diễn với diện tích hơn 60ha, đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Bưởi Tiên Hội”, trung bình mỗi hécta cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm, hiện được coi như cây ăn quả chủ lực của xã. Ngoài ra, các hộ gia đình còn trồng nhiều loại như nhãn, chuối, thanh long, ổi…

Bên ấm chè xuân ngát hương, chúng tôi nghe ông My tâm sự chuyện đời gắn bó với mảnh đất tự tay khai phá, vun đắp.

Để có được cơ ngơi như hôm nay, ông My đã đánh đổi bởi cả đoạn đời thanh xuân vất vả của vợ chồng ông. Từ năm 1972, mới 14 tuổi, ông My đã theo cha mẹ vào rừng  khai phá đất bãi hoang. Hồi ấy khu này còn hoang vu lắm, còn những cây to vài người ôm, đốt cháy âm ỉ nhiều ngày mới đổ.

Năm 1980, ông đi bộ đội về, xây dựng gia đình rồi được cha mẹ chia cho chính mảnh đất đã góp công khai phá. Ông My tâm sự: “Diện tích vườn đồi của gia đình vốn không bằng phẳng, nằm bám theo bờ đầm Du Kích. Trước đây tôi trồng 130 gốc vải, sau vài năm thu hoạch thấy không hiệu quả bèn phá đi để trồng chè.

Ngày ấy nhà nào cũng như nhà nào, chỉ có cấy lúa lấy gạo ăn và làm chè, cứ 40 ngày tôi được 1 lứa 2 tạ chè khô, bán cho người buôn giá 7 nghìn đồng/kg. Nông thôn có đất cát, trồng cây gì có hiệu quả thì làm. Mấy năm trước đây, tôi trồng bưởi da xanh lấy giống bên Vĩnh Yên. Vườn bưởi của tôi tổng số là 170 cây, được 2 năm thì bói quả.
Lúc ấy có cơ sở làm du lịch họ thấy đẹp quá, muốn mua toàn bộ với giá 400 nghìn đồng 1 cây để về trồng ở khu du lịch của họ, tôi đồng ý bán luôn. Rồi thấy cây bười trồng nhiều quá, đâu đâu cũng thấy bưởi tôi mới đổi sang trồng mít Thái xen với chè”.

Nỗ lực

Nhìn dáng vẻ mảnh dẻ nho nhã, cách nói chuyện nhẹ nhàng, hóm hỉnh, song ông My luôn được bà con làng xóm nể phục vì sức lao động, một mình ông làm bằng dăm bảy người khác cộng lại. Ngoài hơn mẫu chè còn thầu 20 mẫu đầm để chăn gần nghìn con vịt, thả hàng chục tấn cả mỗi năm. Người ta thì trồng cỏ voi để chăn nuôi trâu bò còn ông My thì phóng cỏ voi xuống đầm nuôi cá.

Nói về trồng cây mít Thái, ông My đã đổ xuống vườn cả trăm triệu đồng. Đây nhé, mít giống 60 ngàn đồng/cây, riêng tiền cây giống gần 100 triệu đồng. Năm bón phân 2 lần, mỗi lần 20 triệu.

Khu vườn kiểu mẫu và cơ ngơi bề thế của gia đình ông My là thành quả của nỗ lực đặc biệt từ các thành viên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Khu vườn kiểu mẫu và cơ ngơi bề thế của gia đình ông My là thành quả của nỗ lực đặc biệt từ các thành viên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Do chọn giống chuẩn cùng quá trình trồng, chăm bón đúng kỹ thuật, sau 18 tháng, hơn 1.000 cây mít giống Thái Lan của ông đã bói lứa đầu. Thẳng thắn mà nói, mít Thái không ngon được bằng mít bản địa của ta, nhưng nó trái vụ, ngọt, ít xơ và ít nhựa, mỗi quả đạt từ 15-17 kg, giá bán tại nhà là 10-13 nghìn đồng/kg.

Khác với nhiều hộ khác trong xã phá bỏ chè để trồng cây ăn quả, ông My vẫn giữ diện tích chè cũ và trồng thêm một số loại chè giống mới. Ông cho biết quan trọng nhất là khâu chọn giống, vì không thể cứ trồng bừa, nếu không thích là phá bỏ thay cây khác, mà phải thật chắc chắn, đã làm là phải thành công, phải có tính bền vững. Như các giống chè nhà ông, chủ yếu là các giống chè quý như Long Vân, Phúc Thọ, VN20, giá bán thường cao gấp đôi các loại chè khác.

Sở dĩ ông My trồng mít xen với chè bởi sau nhiều năm trồng thử nghiệm nhièu loại cây ăn quả khác nhau ông thấy rằng chỉ riêng cây mít không làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng chè và ngược lại. Qua các phương tiện thông tin, ông thấy bà con trong nam trồng mít trên ruộng lúa. Trên các ruộng lúa xanh mướt, bà con đắp ụ nổi để trồng mít, đó là mô hình trên mô trồng mít, dưới chân cấy lúa, sau khi mít lớn dần thì chuyển từ ruộng thành vườn chuyên canh mít, rất hiệu quả. Từ đó ông đã quyết định trồng mít trên đồi xen với chè.

Có thể nói, hiệu quả kinh tế mà mít Thái đem lại so với nhiều loại cây nông nghiệp khác là vô cùng cao, có thể mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, tại Tiên Hội nói riêng và Đại Từ nói chung, chè vẫn là thu nhập ổn định nhất.

Là một người gắn bó và yêu tha thiết mảnh đất quê hương do chính tay mình tạo dựng, ông My ấp ủ khát vọng mô hình vườn chè xen canh với các loại cây ăn quả không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế bền vững mà còn tạo cảnh quan vừa đặc sắc vừa đặc trưng của đất chè.

Đây cũng là định hướng của huyện Đại Từ về khai thác cảnh quan độc đáo cùng những đồi chè  để triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp trải nghiệm văn hoá trà.

Dưới vòm mít xanh mát, chúng tôi hái trên tay búp chè non, cảm nhận hương thơm của chè và sự mát lành tươi mới của vùng đất giáp ranh dãy Tam Đảo. Khu vườn của ông My xứng đáng là một vườn mẫu của NTM hôm nay.

Ông Triệu Hồ Quang (Trưởng phòng NN và PTNT huyện Đại Từ) cho biết, để khai thác hiệu quả những tiềm năng này, Đại Từ đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đi lại, tham quan. Huyện cũng huy động nguồn lực để trùng tu, tôn tạo, sửa chữa và nâng cấp một số di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Đồng thời, Đại Từkhuyến khích các cá nhân, hộ gia đình đầu tư phát triển vào các loại hình dịch vụ du lịch tại một số điểm du lịch sinh thái trên địa bàn.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

60 gian hàng OCOP tham dự tuần hàng giới thiệu nông sản Hà Nội

Tại phố đi bộ thị xã Sơn Tây, Hội Nông dân thành phố Hà Nội tổ chức Tuần hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, chất lượng cao.