| Hotline: 0983.970.780

Lão nông xứ Tuyên sở hữu 2.000 gốc sưa

Thứ Tư 09/12/2020 , 09:35 (GMT+7)

5.000 cây giống ế chỏng, ế chơ, túng quẫn, nghèo đói kéo đến, anh em họ hàng dần dần xa lánh… vì cây sưa ông Nông Văn Thắng có những ngày tủi lòng như thế.

Cây sưa có giá trị lên đến cả trăm triệu đồng của gia đình ông Thắng. Ảnh: Đào Thanh.

Cây sưa có giá trị lên đến cả trăm triệu đồng của gia đình ông Thắng. Ảnh: Đào Thanh.

Giàu, nghèo từ một mẩu báo

Ở tuổi gần 70, nhưng máu làm ăn trong ông Nông Văn Thắng ở thôn Đồng Danh, xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) vẫn sôi sục như thời trai trẻ. Ngoài trồng sưa, ông Thắng còn trồng bưởi, thả cá, nuôi ruồi lính đen, nuôi chim trĩ dưới tán cây… Chính cái máu làm giàu ấy đã khiến cuộc đời ông không ít lần chìm nổi lận đận. Cũng chính cái sự liều ấy, đã cho ông sở hữu vườn sưa tiền tỷ và trở thành người giàu nhất, nhì trong xã.

Ông Thắng kể rằng, cây sưa gắn bó với cuộc đời ông bắt đầu từ một mẩu báo. Đó là vào năm 2000, trên đường lên Hà Giang để tìm hướng làm ăn, tham quan mô hình hay, ông vô tình đọc được trên báo có mẩu tin nói về việc trồng cây sưa ở Tam Đảo cho hiệu quả kinh tế. Vậy là ông quyết định dừng chuyến hành trình lên Hà Giang trở về nhà. Sáng sớm hôm sau, ông phi xe máy tìm đường về đến vườn sưa ở Tam Đảo để tìm mua cây giống.

Đến đấy, thấy ông chủ nói rất hay về loài cây này, lại còn ví nó như là "vàng xanh", ông bấm bụng thầm nghĩ: Có lẽ mình lại bị lừa. Ông phân vân như vậy bởi chỉ vì máu làm ăn mà cuộc đời ông không biết bao lần bị người ta cho ăn “bánh vẽ” từ cây giống.

Đó là chuyện đầu tư vài chục triệu để trồng vải thiều, nhưng đến mùa vải chín thì chẳng ngọt như mong đợi, cây đã cho quả bé lại còn chua không thể bán nổi, ông đành phải chặt bỏ. Rồi tiếp đến ông nghe người ta mua giống cam sành về trồng. Không có tiền, ông chấp nhận đổi mía, đổi ngô, đổi thóc để lấy cây giống về trồng trên 3 ha vườn đồi. Nhưng cũng không hiệu quả phần vì giống cây không chất lượng, phần vì cây cam không hợp đất, quả chất lượng thấp lại nhiều sâu bệnh.

Sau 2 năm suy đi, tính lại đến năm 2002, ông quyết định “chơi lớn” bằng việc mua 8.000 cây sưa giống về vừa trồng vừa để bán. Ngày ấy, ở Tuyên Quang rộ lên phong trào trồng mía, trồng rừng, trồng chè, việc ông bán sưa không rõ nguồn gốc xuất xứ, ông cũng chẳng phải là người học qua trường lớp gì hay thành đạt từ cây giống nên việc tiếp thị bán cây giống vô cùng khó khăn. Cố đi khắp nơi chào mời, rồi bán rẻ như cho ông cũng chỉ bán được khoảng 3.000 cây giống. Số còn lại chẳng ai mua, cứ chất đống ở góc đồi ngày này qua ngày khác.

Tiếc của, ông mang sưa đi trồng khắp các khu đồi quanh nhà. Cả vạt thung lũng trước trồng chè với cỏ lau, bụi nứa hoang dại bắt đầu lú nhú màu xanh của sưa. Nhưng chẳng thế trồng hết tới 5.000 cây sưa giống nên chỗ còn lại ông nửa trồng, nửa bỏ gần khu vườn cạnh nhà. Bởi thế đến nay, có những bụi sưa hơn 20 năm tuổi được trồng cách nhau chưa đến 1m.

Ông Thắng cho biết, nghĩ những năm tháng ấy thấy cuộc đời thật buồn tủi. Buồn vì túng thiếu tiền cũng một phần nhưng càng buồn hơn khi người thân, bạn bè dần xa lánh. Họ sợ ông khó khăn đến vay mượn nhờ vả. Bởi thế, có khi găp giáp mặt ở đường làng họ còn không muốn chào. Vợ con cũng vì thế mà phản đối cách làm của ông ngày thêm quyết liệt hơn.

Vì trồng sưa, ông Thắng đã phải trải qua những ngày tháng khó khăn, túng thiếu. Ảnh: Đào Thanh.

Vì trồng sưa, ông Thắng đã phải trải qua những ngày tháng khó khăn, túng thiếu. Ảnh: Đào Thanh.

3 cây sưa giá bằng đồi keo 3 ha

Sau gần 20 năm trồng, giờ đây cả thung lũng ở Đồng Danh được phủ xanh bởi gần 2.000 cây sưa cao vút. Nhiều cây có đường vanh lên đến cả trăm cm, giá trị hàng trăm triệu đồng. Để tham quan hết đồi sưa thì phải đi mất nửa ngày.

Cuộc đời ông Thắng như được sang trang mới khi bán được 3 cây sưa với giá  giá 320 triệu đồng. Ông Thắng bảo rằng tưởng đó là chuyện chỉ có trong mơ. Bởi chẳng lẽ có chuyện 3 cây sưa mà có giá trị bằng cả đồi keo rộng 3 ha? Bởi nỗi ám ảnh về 5.000 cây sưa khiến gia đình nhiều năm ăn uống tằn tiệm để trả nợ; nhiều ngày ròng rã trong bữa cơm của gia đình chẳng có nổi tiếng cười nói vui vẻ.

Ông Thắng vẫn nhớ đó là vào một chiều cuối năm 2012, một người đàn ông lạ mặt lái ô tô đến nhà ông hỏi mua sưa. Sau khi ra thăm vườn, ông ta chọn 3 cây to nhất vườn có đường vanh là 93 cm, 84 cm và 76 cm, độ cao khoảng 4m. Khoan thăm dò lõi cẩn thận ông ta hỏi: 3 cây sưa này 320 triệu đồng ông có bán không? Lúc ấy ông Thắng vẫn chưa thể tin đó là sự thật. Chẳng thế mà đến khi vị khách mua sưa ấy trả cho ông số tiền 320 triệu đồng, sợ đó là tiền giả ông phải đến tận ngân hàng xác nhận. Khi nhân viên ngân hàng xác thực đó là tiền thật ông mới tin mình không phải đang mơ.

Chuyện 3 cây sưa có giá bằng cả đồi keo 3 ha của ông Thắng được khắp làng trên xóm dưới ở Đức Ninh truyền tai nhau. Rồi người ta lại xuýt xoa tiếc nuối bảo giá như ngày xưa nghe theo ông thì giờ cũng đã thành triệu phú. Tiếp sau đó, ông Thắng trúng liên tiếp các vụ giao dịch sưa từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Trong đó, năm 2018, ông bán 25 cây sưa được 1,5 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2019 ông bán 1 cây sưa có trị giá lên đến 500 triệu đồng.

Vườn sưa của gia đình ông Thắng hiện có hơn 2.000 cây với nhiều lứa tuổi khác nhau. Ảnh: Đào Thanh.

Vườn sưa của gia đình ông Thắng hiện có hơn 2.000 cây với nhiều lứa tuổi khác nhau. Ảnh: Đào Thanh.

Thấy ông Thắng trồng sưa có thể làm giàu, phong trào trồng sưa từ xã đến huyện, rồi lan ra cả tỉnh bắt đầu nở rộ. Mọi người ở khắp nơi đến nhà ông Thắng hỏi mua cây giống và kỹ thuật trồng. Trong đó có những người như gia đình ông Thực ở khu chợ Bợ, huyện Hàm Yên mua tới 500 cây sưa giống; ông Anh người dân cùng xã Đức Ninh mua 300 cây giống. Còn số người mua từ 10 đến vài chục cây thì nhiều vô kể. Bởi thế không chỉ giàu lên nhờ bán cây sưa cổ thụ, ông Thắng còn giàu thêm nhờ có khoản thu từ cây giống.

Ông Thắng bảo rằng, sưa là loài cây khá dễ trồng, nhưng tốt nhất nên trồng vào dịp tháng 11, tháng 12. Khi trồng không nên đào hố quá sâu mà nên để dễ cây ăn nổi trên mặt đất như vậy chúng sẽ phát triển thân nhanh hơn. Cây từ 7 năm trở ra bắt đầu cho vân đẹp. Cây cứ 15 đến 20 năm thì mặt gỗ sưa đẹp vô cùng, tứ bề đều có vân hoa.

Giúp các hộ khó khăn cũng có thể trồng sưa, ông bầy cho họ cách lấy ngắn nuôi dài. Nghĩa là làm vườn cây thành 4 tầng, gồm tầng sưa, tầng trồng cây ăn quả, tầng trồng lạc dại để giữ dinh dưỡng độ ẩm cho gốc, dưới tán vườn thì để chăn nuôi. Như vậy, trong khi chờ đến 10 năm mới được bán sưa, người trồng có thể có khoản thu từ chăn nuôi và cây ăn quả.

Để tích lũy thêm kinh nghiệm, kiến thức làm nông nghiệp và hiểu sâu hơn về cây sưa, ông Thắng tham gia vào Ban chấp hành hội làm vườn của tỉnh Tuyên Quang; Hội Làm vườn Việt Nam; các nhóm hội chuyên trồng và kinh doanh gỗ sưa. “Tham gia các tổ chức này tiền thì không có, nhưng quý hơn là mình được trang bị kiến thức, kinh nghiệm trồng trọt, tiếp cận thị trường… mà những thứ ấy nhiều khi có tiền cũng chẳng thể mua được”, ông Thắng chia sẻ.

Ông có 2 cô con gái, các cô con của ông đều đã yên bề gia thất, có cuộc sống riêng và ổn định. Tiền của ông kiếm được, ngoài việc tích lũy cho gia đình, ông còn làm từ thiện, giúp cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Ông bảo rằng, mình từng nghèo khổ nên thấu hiểu được cái khổ của mọi người. Biết đâu đấy, những đồng tiền nhỏ bé của mình, đến lúc nào đó giúp những người khó khăn ở ngoài kia có tài sản tiền tỷ như mình. Rồi ông nở nụ cười đầy hi vọng.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.