| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông Quảng Ninh trong xu thế chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Thứ Sáu 24/12/2021 , 12:07 (GMT+7)

Chuyển đổi số đang được coi là giải pháp đột phá, tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm.

Chuyển từ sản xuất truyền thống sang hiện đại

Ngành nông nghiệp đang chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang hiện đại khi ứng dụng internet để thu thập và xử lý các dữ liệu; sử dụng phần mềm quản trị, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…).

Đặc biệt, trong hoạt động tiêu thụ sản phẩm, chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp sẽ đảm bảo cho người nông dân được số hóa thông tin sản phẩm của mình; các vùng sản xuất tập trung các lĩnh vực từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản phẩm phải có truy xuất nguồn gốc, có mã vùng... được sử dụng các ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quản lý các quy trình sản xuất, kinh doanh, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Sản phẩm OCOP na dai Đông Triều được đóng gói, dán tem truy xuất QR-code và kết nối với sàn thương mại điện tử. Ảnh: Nguyễn Thành

Sản phẩm OCOP na dai Đông Triều được đóng gói, dán tem truy xuất QR-code và kết nối với sàn thương mại điện tử. Ảnh: Nguyễn Thành

Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong nông nghiệp là công cụ hỗ trợ đắc lực cho nhà nước quản lý sản xuất; các doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử kiểm soát trong khai thác và phát triển nguồn hàng hóa ổn định, có chất lượng ra thị trường.

Nắm bắt xu thế chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh cũng đã từng bước có những tiếp cận phù hợp. Đặc biệt trong tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, khi mà các hoạt động di chuyển đình trệ do các biện pháp hạn chế, giãn cách xã hội đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động như kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn, hội thảo. Việc chuyển đổi số giúp cho các nội dung trên vẫn được thực hiện đúng tiến độ và hiệu quả trên các nền tảng mạng xã hội, phần mềm như Zalo, Zoom, Google Meet…

Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh đã xây dựng nhiều nhóm Zalo theo lĩnh vực, nhiệm vụ như các nhóm: “Khuyến nông Quảng Ninh”, “Khuyến ngư”, “Câu lạc bộ nuôi tôm an toàn”, “CLB Na QND1” …nhằm kết nối, trao đổi nhanh nhất giữa các thành viên trong các nhóm, gửi hình ảnh, video-clip làm cơ sở phân tích và xử lý công việc kịp thời.

Trung tâm đã thử nghiệm lập kênh “Thú vị nghề nông” để chia sẻ các clip ngắn hướng dẫn kỹ thuật trên Youtube. Đây chính là nền tảng ban đầu lưu trữ dữ liệu trên internet để người dân khai thác, tìm hiểu, học tập và tương tác trên không gian mạng. Từ đó, từng bước hoàn thiện để có thể chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đến với người dân tốt nhất.

Xây dựng kế hoạch chuyển đổi số bền vững

Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh đã xây dựng và triển khai đề án thí điểm Tổng đài tư vấn khuyến nông trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhằm giải đáp các vướng mắc của người dân liên quan đến chính sách, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng cũng đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía người dân.

Trong giai đoạn tiếp theo, Trung tâm tiếp tục hoàn thiện để Tổng đài hoạt động ổn định, hiệu quả. Cũng trong năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh đã tham mưu cho Sở NN-PTNT và xây dựng kế hoạch thông tin truyền thông ngành nông nghiệp giai đoạn 2022 – 2025. Khi kế hoạch được phê duyệt, thực hiện sẽ đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả, toàn diện trong công tác thông tin tuyên truyền và sẽ là những dữ liệu căn bản trong công cuộc số hóa ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh.

Trong giai đoạn tới, Trung tâm Khuyến nông sẽ nghiên cứu, đề xuất mô hình “Chuyển đổi số trong nông nghiệp gắn với thương mại điện tử tỉnh Quảng Ninh” với những mục tiêu cơ bản như lựa chọn phần mềm, xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, đa dạng, phù hợp với sản xuất phục vụ quản lý ngành các cấp. Hệ thống phần mềm hoạt động trên các thiết bị phổ thông như máy tính (thông qua giao diện website), máy tính bảng và điện thoại thông minh (hoạt động trên 2 hệ điều hành là Android và iOS).

Hội thảo 'Chuyển đổi số ngành Thủy sản' do Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh và Công TNHH Tép Bạc đồng tổ chức ngày 22/12/2021. Ảnh: TTKN Quảng Ninh.

Hội thảo “Chuyển đổi số ngành Thủy sản” do Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh và Công TNHH Tép Bạc đồng tổ chức ngày 22/12/2021. Ảnh: TTKN Quảng Ninh.

Phần mềm có giao diện thân thiện, dễ sử dụng với mọi đối tượng người dùng; có đủ công cụ quản lý, thống kê, hỗ trợ cấp chứng nhận/chứng chỉ, các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp; Quản lý và minh bạch hóa quy trình sản xuất sản phẩm theo các phân hệ: trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, quản lý chất lượng, chế biến, kiểm dịch động vật và các sản phẩm OCOP; mã hóa và dán tem truy xuất QR-code; kết nối với sàn thương mại điện tử.

Bước đầu lựa chọn từ 30 - 50 đơn vị sản xuất đã có sản phẩm hàng hóa trong các lĩnh vực (các trang trại chăn nuôi quy mô lớn và vừa, trang trại trồng trọt có mã số vùng trồng hoặc sản phẩm hàng hóa, cơ sở nuôi cá quy mô lớn, cơ sở chế biến quy mô lớn,..) và các sản phẩm OCOP cấp tỉnh; Số hóa và quản lý toàn bộ dữ liệu đầu vào, đầu ra, quy trình sản xuất, các tiêu chuẩn chất lượng,…minh bạch hóa toàn bộ thông tin, thúc đẩy kết nối thương mại.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số nông nghiệp giúp nâng cao năng lực, đem đến cơ hội học tập cộng đồng thông qua công nghệ bằng cách xây dựng phòng đào tạo, truyền thông trên internet; triển khai các khóa đào tạo nâng cao năng lực các cấp bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Nội dung đào tạo tập trung vào các vấn đề chính như sử dụng phần mềm chuyển đổi số, hội thảo, tập huấn trực tuyến, mở gian hàng ảo, bán hàng online,…

Đặc biệt, kế hoạch tuyên truyền, kết nối thương mại giúp nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp qua việc nâng cao hình thức, mẫu mã sản phẩm, hỗ trợ bao bì, nhãn mác, tem truy xuất QR, kết nối thương mại. Trung tâm khuyến nông phối hợp mở 70-80 gian hàng ảo trên sàn thương mại điện tử Voso.vn (Dịch vụ của Viettel Post), Shopee, Lazada,… thúc đẩy bán hàng online.

Tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện Đề án và Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã và đang được triển khai xây dựng với ba trụ cột: chính quyền số - kinh tế số - xã hội số.

Trong đó, kinh tế số được xác định là đột phá, cần được tập trung lãnh đạo chỉ đạo hoàn thành với mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số phải đạt 30% GRDP của tỉnh, là một trong những chỉ tiêu quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”.

Những hoạt động trong thời gian qua của Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh đã thể hiện rõ ràng nhất về tính chủ động, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong xu thế chuyển đổi số với ngành nông nghiệp của tỉnh.

Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.