| Hotline: 0983.970.780

Kịch bản nào với thủy sản?

Thứ Năm 05/03/2020 , 10:10 (GMT+7)

Covid-19 lan nhanh trên toàn cầu đang gây thêm khó khăn cho ngành thủy sản. Ngoài việc cầm cự chờ cơ hội thị trường, các doanh nghiệp đang tìm hướng đi mới cho sản phẩm.

Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Dịch bệnh Covid-19 đang lan nhanh trên toàn cầu, gây ra nhiều lúng túng cho các doanh nghiệp thủy sản.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, các thị trường quan trọng nhất của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, đều đã xuất hiện dịch bệnh, qua đó ảnh hưởng ít nhiều tới xuất khẩu thủy sản vào những thị trường này cũng như xuất khẩu thủy sản nói chung.

Mặt khác, nếu như trong thời gian đầu của dịch bệnh, khi các ca nhiễm bệnh chủ yếu xuất hiện ở Trung Quốc, các doanh nghiệp có thể tính toán tới việc chuyển hướng sang các thị trường chủ lực khác. Nhưng đến thời điểm này, khi châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đều đã xuất hiện và đang căng mình đối phó với dịch bệnh, thì việc chuyển hướng thị trường hiện đã không còn ý nghĩa.

Theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 223,6 nghìn tấn, trị giá 911,6 triệu USD, giảm 15% về lượng và 18% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Việc suy giảm tới 15% về lượng, có tác động không nhỏ từ Covid-19.

Chính vì vậy, ông Hòe cho rằng, việc đưa ra những phương án, kịch bản như thế nào vào lúc này để ngành thủy sản thích ứng kịp thời với tình hình dịch bệnh, là điều rất khó, hay có thể nói là gần như không thể, bởi dịch bệnh vẫn đang diễn biến quá nhanh và rất khó lường trên phạm vi toàn cầu.

Với tình thế hiện nay, nhìn chung các doanh nghiệp thủy sản đang phải theo dõi, cân nhắc, bố trí nguồn lực tài chính, nhân sự… để cầm cự và chuẩn bị sẵn sàng để đẩy mạnh xuất khẩu khi thị trường chủ lực nào đó có dấu hiệu dịch bệnh đang dần lắng dịu, nhu cầu nhập khẩu tăng trở lại.

Tuy nhiên, khi thị trường nào đó phục hồi khi dịch bệnh lắng xuống, thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải tính tới sự cạnh tranh mạnh mẽ của sản phẩm cùng loại từ các thị trường khác. Vì khi Việt Nam bị giảm xuất khẩu thủy sản do Covid-19, các nước xuất khẩu khác cũng sẽ bị ảnh hưởng tương tự và cũng sẽ chờ đợi cơ hội thị trường giống như các doanh nghiệp Việt Nam.

Đến thời điểm này, sản phẩm quan trọng nhất của thủy sản Việt Nam là tôm, chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19. Vì thông thường trong những tháng đầu năm, sản lượng tôm của Việt Nam còn ít do chưa vào chính vụ. Hy vọng vài tháng nữa, khi sản lượng tôm tăng cao vì đã vào vụ chính, tình hình thị trường thủy sản nói chung, tôm nói riêng, đã sáng sủa hơn vì Covid-19 được khống chế ở các thị trường chủ lực.

Theo ông Trương Đình Hòe, tôm nằm trong phân khúc những mặt hàng thủy sản giá trị cao, nên chủ yếu xuất khẩu sang những thị trường có nền kinh tế phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Do đó, khi những thị trường này đều đang có dịch bệnh, tôm sẽ khó chuyển hướng thị trường hơn so với cá tra.

Dù sao, sự phục hồi của những thị trường chủ lực vẫn là điều đang được chờ đợi nhất hiện nay.

Những thông tin về số ca nhiễm bệnh mới ở Trung Quốc đang giảm, đang mang lại ít nhiều hy vọng cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bởi với tình hình này, nhiều khả năng chỉ khoảng 1-2 tháng nữa, việc xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc có cơ hội để hồi phục dần và đạt tới mức như trước khi có dịch.

Trên thực tế, đã bắt đầu có những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường Trung Quốc. Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho thấy, trong tuần cuối tháng 2 vừa rồi xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng tốc độ vẫn còn chậm.

Cũng trong tuần cuối tháng 2, giá tôm xuất khẩu của Ecuador đã tăng từ 6–10% do xuất khẩu sang Trung Quốc khôi phục trở lại và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều này, cho thấy, hoạt động nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc đã bắt đầu hồi phục.

Tuy nhiên, ngoài việc cầm cự và chờ đợi sự phục hồi từ các thị trường quan trọng, các doanh nghiệp thủy sản cũng cần quan tâm tới những thay đổi về xu hướng tiêu dùng do ảnh hưởng của Covid-19, nhất là tại những nước đang có thói quen sử dụng nhiều hàng tươi sống, để có những điều chỉnh hợp lý hơn về sản phẩm, nhất là chú trọng hơn vào chế biến nhằm bắt kịp nhu cầu mới về tiêu dùng thủy sản.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), dự báo xu hướng tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản tại những thị trường chịu tác động của dịch Covid-19 sẽ có những thay đổi.

Cụ thể, nhập khẩu thủy sản đông lạnh, tiện dụng, dễ chế biến tại nhà sẽ cao hơn thủy sản tươi sống, những sản phẩm thủy sản đóng hộp cũng sẽ được ưa chuộng.

Xu hướng tăng cường tích trữ lương thực, thực phẩm của người dân ở nhiều nước châu Âu, Mỹ… nhằm ứng phó với dịch bệnh, cũng đang thúc đẩy việc tăng nhu cầu trong ngắn hạn với các mặt hàng thủy sản đông lạnh, chế biến sâu, đồ hộp.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động thương mại qua các kênh thương mại điện tử, là vấn đề cần được tính tới, nhất là với thị trường Trung Quốc. Theo Haixin Foods (một công ty chế biến và phân phối thủy sản lớn ở Trung Quốc), nhu cầu mua hàng trực tuyến các sản phẩm viên cá và các suất ăn liền trong đợt dịch đang tăng mạnh.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.