| Hotline: 0983.970.780

Đốt thực bì làm cháy cả cánh rừng

Thứ Sáu 07/04/2023 , 21:19 (GMT+7)

THANH HÓA_ Việc đốt thực bì gây ảnh hưởng không nhỏ tới diện tích rừng sản xuất. Cá biệt có khoảnh rừng bị “cạo trọc” mất khả năng phát triển.

Bảo vệ rừng hay phá rừng?

Theo phương án làm giảm vật liệu cháy do Hạt Kiểm lâm thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa), diện tích rừng sẽ được phát dọn, làm giảm vật liệu cháy thuộc các lô từ lô 2 đến lô 13, khoảnh 3, tiểu khu 658, diện tích 35 ha, được quy hoạch rừng sản xuất, thuộc xã Thanh Sơn.

Theo phương án này, các loại thực bì, thông tái sinh sẽ được phát, dọn để đảm bảo cây sinh trưởng, giảm nguy cơ cháy nổ. Hiện nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Sơn và các hộ dân nhận khoán rừng đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật làm giảm vật liệu cháy với diện tích gần 18 ha.

Cả cánh rừng bị 'cạo trọc' vì đốt thực bì. Ảnh: Quốc Toản.

Cả cánh rừng bị "cạo trọc" vì đốt thực bì. Ảnh: Quốc Toản.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện phương án gặp sự phản đối của người dân thôn Phượng Áng do việc chặt, đốt thực bì gây hại tới nhiều cây thông gỗ lớn.

“Không hiểu sao, họ dọn dẹp thực bì mà chặt cả phần gốc cây lớn, cạo trọc cả một khoảnh rừng. Khi người dân có ý kiến thì họ mới dừng lại. Công chăm sóc của người dân bấy lâu phút chốc bị thiêu rụi”, ông Vũ Duy Ngôn, trưởng thôn Phượng Áng cho hay.

Ông Ngôn lo lắng, việc hàng chục ha rừng bị đốt cháy, đốn hạ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân quanh vùng trong thời gian tới.

“Trước đây, vị trí này được quy hoạch là rừng phòng hộ. Rồi rừng phòng hộ được chuyển đổi thành rừng sản xuất. Giờ đây, cả cánh rừng bị chặt, đốn khiến người dân sống ở dưới bìa rừng lo ngại xói lở nếu xảy ra mưa lớn kéo dài”, ông Ngôn cho biết.

Một số hộ dân nhận khoán rừng sản xuất cho hay, trước khi thực hiện việc chặt thông tái sinh, đốt các loại thực bì, lực lượng chức năng không hề thông báo cho người dân biết để tham gia phối hợp.

“Nếu họ thông báo cho người dân biết thì đã không xảy ra chuyện này. Các cây bị đốt cháy, ảnh hưởng không còn khả năng tái sinh. Cán bộ kiểm lâm nói sẽ đền bù cho chúng mà chưa thấy tiền đâu”, ông Nguyễn Duy Trực, thôn Phượng Áng cho hay.

Nhiều cây thông có đường kính lớn bị đốn hạ. Ảnh: Quốc Toản.

Nhiều cây thông có đường kính lớn bị đốn hạ. Ảnh: Quốc Toản.

Tại hiện trường, ước tính có tới hàng nghìn gốc cây thông (bao gồm thông tái sinh, thông gỗ lớn) có đường kính lớn nhỏ đủ loại bị đốt cháy và đốn hạ, nằm la liệt dưới đất. 

Đáng nói hơn, nhiều cây thông đường kính lớn không nằm trong phương án làm giảm vật liệu cháy dưới tán rừng cũng bị xâm phạm. Nhiều cây gỗ lớn có đường kính từ khoảng 30-40cm bị cưa hạ, ứa nhựa tươi rói. Các cây gỗ nằm ngổn ngang, chất thành đống chưa được kiểm đếm. Dưới các gốc cây vẫn còn dấu mùn cưa. Người dân địa phương băn khoăn, hàng trăm cây gỗ lớn đã bị đốn hạ trước đó không rõ đã được vận chuyển đi đâu?!

Hiện trường khoảnh rừng bị tàn phá. Ảnh: Quốc Toản.

Hiện trường khoảnh rừng bị tàn phá. Ảnh: Quốc Toản.

Cả cánh rừng thông bạt ngàn nằm trong tình trạng bị cháy xém. Phần lá thông chuyển thành màu vàng và nâu đỏ, khó có khả năng phục hồi. Nhiều lô rừng khác cũng đã bị “cạo trọc”, chờ đốt thực bì. Tại hiện trường, một phần diện tích rừng thông tái sinh vừa bị đốt đã được trồng thay thế bằng cây keo.

Theo ước tính của người dân xã Thanh Sơn, số lượng lâm sản bị thiệt hại có thể lên tới hàng trăm m3.

Cần kiểm tra làm rõ

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Sơn (chủ rừng), trên địa bàn xã Thanh Sơn, tổng diện tích rừng sản xuất được giao khoán từ năm 2017 là 92 ha với 12 hộ nhận khoán. Riêng thôn Phượng Áng có 35 ha rừng với 8 hộ nhận khoán. 

Ông Phan Xuân Phong, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Sơn cho biết, việc đốt thực bì là phương án làm giảm vật liệu cháy, được triển khai thực hiện từ ngày cuối tháng 2/2023. Tổng diện tích thực hiện giảm vật liệu cháy là 35 ha, được thực hiện tại thôn Phượng Áng. 

Hàng trăm cây thông khác nằm trong tình trạng bị cháy xém phần gốc, lá thông chuyển thành màu vàng và nâu đỏ khó có khả năng phục hồi. Ảnh: Quốc Toản.

Hàng trăm cây thông khác nằm trong tình trạng bị cháy xém phần gốc, lá thông chuyển thành màu vàng và nâu đỏ khó có khả năng phục hồi. Ảnh: Quốc Toản.

Theo ông Phong, trước khi thực hiện việc đốt thực bì, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Sơn đã có phương án đảm bảo an toàn theo phương án phê duyệt. Tuy nhiên, quá trình thực hiện không đảm bảo theo yêu cầu đề ra.

“Quá trình dọn dẹp thực bì chúng tôi phát hiện có 5 cây gỗ, đường kính trung bình khoảng 15cm bị chặt. Ban quản lý rừng phòng hộ đã yêu cầu tạm dừng việc triển khai phương án trên, đến khi có thông báo mới”, ông Phong chia sẻ.

Trái ngược với thông tin ông Phong cung cấp, một số hộ dân cho hay, diện tích rừng thông gỗ lớn bị chặt đốt nhiều gấp nhiều lần con số 5 cây nêu trên. Ghi nhận của phóng viên NNVN tại hiện trường cũng cho thấy, số lượng cây gỗ lớn bị chặt, đốt khác có sự chênh lệch (tăng) so với số liệu ông Phong đưa ra. 

Theo báo cáo của UBND xã Thanh Sơn, sau khi nhận được phản ánh của người dân về vụ việc, địa phương đã lập biên bản ghi nhận các ý kiến có liên quan.

Biên bản nêu rõ: “Các hộ trồng cây trên đất rừng nếu bị thiệt hại sẽ được Ban Quản lý rừng phòng hộ hỗ trợ số cây bị thiệt hại do việc đốt thực bì. Đồng thời đơn vị có trách nhiệm sẽ giám sát việc thu gom, chặt đốt, không làm ảnh hưởng đến môi trường sống, tránh làm thiệt hại tới người dân”, biên bản làm việc của xã Thanh Sơn, trích  ý kiến của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Sơn.

Tại  biên bản, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Sơn cũng thừa nhận thiếu sót khi chưa thực hiện bài bản thông báo về việc dọn dẹp thực bì tới cơ sở trước khi triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Trần Phương, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Nghi Sơn cho biết: "Việc chặt cây, dọn dẹp thực bì do Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Sơn thuê khoán nhân lực thực hiện. Tuy nhiên, quá trình chặt, đốt thực bì, các nhân công được thuê không thực hiện đúng theo phương án nên mới xảy ra tình trạng trên".

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.