| Hotline: 0983.970.780

Kiểm lâm trẻ tâm huyết nghề

Thứ Hai 09/12/2019 , 08:50 (GMT+7)

Cách đây 10 năm, khi mới nhận công tác tại Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), anh Trần Ngọc Toản (34 tuổi) tỏ ra bỡ ngỡ trước công việc mới.

08-31-58_tienyen3
Anh Toản (trái) cùng đồng nghiệp tuần tra rừng.

Áp dụng sách vở trong nhà trường vào công việc, anh nhận ra nhiều khó khăn khi mới tiếp cận. Lần đầu tiên nhận nhiệm vụ phụ trách địa bàn tại các xã Hà Lâu, Đồng Rui, anh phải ăn tranh thủ những bữa ăn trưa trên rừng để kịp thời nắm bắt địa bàn. Mặc dù được đồng nghiệp tận tình giúp đỡ, nhưng anh vẫn tỏ ra khó khăn khi tự mình ghi nhớ chính xác vị trí các khu vực rừng, núi trên địa bàn.

Về phụ trách xã Đông Hải, địa bàn có diện tích rừng và đất lâm nghiệp rộng lớn với gần 5.000ha rừng. Áp lực quản lý số diện tích rừng trên luôn đặt lên cán bộ kiểm lâm trẻ. Vốn là một địa phương phức tạp, trình độ dân trí chưa cao, tình trạng chặt phá rừng đốt rẫy còn xảy ra, anh luôn trăn trở để tìm ra biện pháp hữu hiệu khắc phục.

Ngoài phối hợp với anh em trong đơn vị tăng cường tuần tra, canh gác rừng, Toản còn áp dụng khoa học công nghệ trong theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, theo dõi cảnh báo sớm cháy rừng. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi hay những buổi lên nương, lên rẫy cùng bà con, những buổi sinh hoạt ở các thôn, bản, anh lại trò chuyện, tâm sự cùng người dân, giúp bà con hiểu rõ vai trò, giá trị của rừng để từ đó không phá rừng, lấn chiếm đất rừng, cùng nhau chung tay bảo vệ rừng.

Xác định phải luôn làm tốt nhiệm vụ được giao, anh Toản nhanh chóng làm quen với chính quyền, người dân khu vực địa bàn được giao, nắm bắt thông tin và tham mưu cho lãnh đạo Hạt về công tác bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ bám sát địa bàn, thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên việc bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn anh phụ trách đạt kết quả tốt, được cấp trên ghi nhận.

“Tôi đưa ra giải pháp bằng cách tận dụng nguồn tài nguyên rừng có sẵn như dược liệu, vừa có thể bảo vệ, giữ độ che phủ của rừng, vừa có thêm thu nhập. Lúc đó, bà con gật đầu xin cán bộ chia sẻ thêm”, anh Toản tâm sự.

08-31-58_tienyen2
Anh Toản sử dụng máy GPS định vị cánh rừng.

Bằng kiến thức, kinh nghiệm, hiểu biết của mình, anh Toản đã thuyết phục được bà con thay đổi tư duy, cách làm. Từ chỗ phá rừng để đổi lấy miếng ăn, bà con đã biết cách trồng rừng để cải thiện cuộc sống, tích cực tham gia vào các dự án trồng rừng sản xuất, thâm canh cây gỗ lớn, trồng tre nứa lớn, quế, hồi, ươm giống trà hoa vàng.

Một trong những giải pháp anh Toản đề xuất và thực hiện là hộ nào có điều kiện kinh tế khá so với mặt bằng chung sẽ được đề xuất quản lý diện tích rừng tự nhiên. Bà con sẽ chăm chút cho diện tích rừng này mà không có quá nhiều tác động đến rừng. Còn hộ nào thuộc diện nghèo, anh đề xuất cấp phần rừng sản xuất. Cách làm khéo léo, linh hoạt của anh góp phần tô điểm các cánh rừng xã Đông Hạc ngày càng phát triển, tỷ lệ che phủ ngày càng cao.

Ông Nguyễn Tuấn Bằng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Yên cho biết: Anh Toản là một cán bộ trẻ, nhiệt huyết, có trình độ năng lực, chuyên môn cao. Trong quá trình công tác tại địa bàn các xã phụ trách, Toản chưa để xảy ra bất cứ vụ phá rừng nào. Anh luôn được đồng nghiệp quý mến, là tấm gương để anh, em trong Hạt noi theo.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.