| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát giống nuôi thủy sản tới tận cấp xã

Thứ Hai 13/11/2023 , 14:01 (GMT+7)

Nam Định tăng cường công tác quản lý giống thủy sản, giám sát dịch bệnh trên giống vật nuôi, thành lập tổ kiểm soát giống thủy sản tới tận cấp xã...

Công nhân kiểm tra tôm giống tại cơ sở nuôi tôm nhà màng ở Nghĩa Hưng, Nam Định. Ảnh: K.Trung.

Công nhân kiểm tra tôm giống tại cơ sở nuôi tôm nhà màng ở Nghĩa Hưng, Nam Định. Ảnh: K.Trung.

Tăng cường quản lý giống thủy sản

Trong kế hoạch phát triển ngành thủy sản, Nam Định chủ trương tăng nuôi trồng, giảm đánh bắt. Kết quả 9 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản của Nam Định đạt trên hơn 18.700 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó chủ yếu là nuôi trồng (hơn 99.000 tấn). Do đó, công tác quản lý chất lượng nguồn giống được đặc biệt quan tâm.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Nam Định, việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống thả nuôi nhằm nâng cao hiệu quả trong nuôi trồng. Hiện Nam Định có trên 110 cơ sở sản xuất giống thủy sản, trong đó có 101 cơ sở sản xuất con giống mặn, lợ; 9 cơ sở sản xuất con giống nước ngọt. Phần lớn các cơ sở sản xuất giống thủy sản đã xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý chất lượng nhằm đáp ứng các điều kiện sản xuất theo quy định.

Sở NN-PTNT mới đây có văn bản yêu cầu Chi cục Thủy sản tập trung nắm bắt tình hình sản xuất thủy sản, nhất là điều kiện thời tiết có biến động đột ngột; hướng dẫn người nuôi các biện pháp quản lý, chăm sóc đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện thực tế, tăng cường công tác quan trắc môi trường các vùng nuôi; triển khai quan trắc đột xuất khi có hiện tượng bất thường trên đối tượng vật nuôi; thực hiện đăng ký, đăng kiểm tàu cá theo quy định và kiếm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản và tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên; cấp giấy chứng nhận cơ sở có đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; cấp mã số cơ sở nuôi đối tượng thủy sản chủ lực. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chống khai thác IUU.

Trung tâm giống thủy sản tiếp tục triển khai sản xuất, ương dưỡng cung ứng giống thủy sản đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu nuôi thả của người dân; tăng cường giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ để có những khuyến cáo kịp thời cho người nuôi.

Thành lập tổ kiểm soát giống tới tận cấp xã

Vùng nuôi trồng thủy sản của Nam Định tập trung tại 2 huyện ven biển là Giao Thủy và Nghĩa Hưng. Hiện Giao Thủy có trên 5.000ha nuôi thủy sản (trên 3.900ha nước lợ, trên 1.100ha nước ngọt). Các đối tượng nuôi chủ yếu là ngao, tôm sú, tôm thẻ chân trắng và các loại cá nước ngọt truyền thống. Địa phương thành lập Tổ công tác quản lý giống thủy sản phối hợp với cơ quan chuyên môn của Sở và đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát tôm giống nhập từ ngoại tỉnh về địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; tổ chức tiêu hủy những lô tôm giống không có hồ sơ kiểm dịch, có kết quả xét nghiệm bị nhiễm các bệnh nguy hiểm theo quy định.

Túc trực 24/24 để kiểm soát khai thác IUU tại Nam Định. Ảnh: K.Trung.

Túc trực 24/24 để kiểm soát khai thác IUU tại Nam Định. Ảnh: K.Trung.

Các xã vùng ven biển cũng thành lập tổ kiểm soát giống nhập vào địa phương, phối hợp với cơ quan chuyên môn của Sở tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Thủy sản, hướng dẫn quy trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh…

Huyện Nghĩa Hưng có hơn 10 cơ sở sản xuất giống thủy sản. Với sự hỗ trợ của Chi cục Thủy sản và các cơ quan chức năng, hằng năm, các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về sản xuất con giống thủy sản. Nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đã tự sản xuất được giống cua biển, ngao, vạng… đạt hiệu quả cao.

Để công tác quản lý giống thủy sản đạt hiệu quả và thực hiện việc quản lý giống theo đúng quy định, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố chỉ đạo phòng chuyên môn và các xã, phường, thị trấn thường xuyên tổ chức rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, ương dưỡng, kinh doanh giống thủy sản; kịp thời nắm bắt, phản ánh, phối hợp xử lý và xử lý những sai phạm về sản xuất, cung ứng giống thủy sản trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan chuyên môn và đơn vị có liên quan để tổ chức kiểm tra, kiểm soát vận chuyển thủy sản giống nhập từ ngoài tỉnh; đồng thời thực hiện thanh tra, kiểm tra, quản lý hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, ương dưỡng giống thủy sản và các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Các địa phương cũng tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, góp phần tạo ra con giống chất lượng, sạch bệnh. UBND các huyện cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Sở NN-PTNT trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, ương dưỡng, kinh doanh giống thủy sản, người nuôi trồng thủy sản chấp hành các quy định về kiểm dịch, chất lượng giống thủy sản, điều kiện sản xuất, kinh doanh, phòng chống dịch bệnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng con giống sản xuất toàn tỉnh đạt 1.717 triệu con (đạt 10,7% kế hoạch, bằng 95% so với cùng kỳ 2022); nhập về 180 triệu tôm thẻ chân trắng, 210 triệu tôm sú đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu chăn nuôi của các hộ nuôi trồng thủy sản.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.