| Hotline: 0983.970.780

Lồng bằng nhựa HPDE: Lợi đủ đường

Thứ Ba 07/11/2023 , 14:08 (GMT+7)

Nhiều hộ nuôi thủy sản ở Phú Quốc đang chuyển hướng từ lồng thủ công bằng gỗ sang lồng lắp ghép bằng nhựa HDPE để tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

Lồng nuôi thủy sản bằng nhựa lắp ghép của người dân tại Vịnh Đầm (TP. Phú Quốc). Ảnh: Kiên Trung.

Lồng nuôi thủy sản bằng nhựa lắp ghép của người dân tại Vịnh Đầm (TP. Phú Quốc). Ảnh: Kiên Trung.

Mấy năm gần đây, bà con nuôi trồng thủy sản tại khu vực biển An Thới (thành phố Phú Quốc, Kiên Giang) đang chuyển hướng từ việc sử dụng bè cá truyền thống làm bằng gỗ lắp ghép sang lồng nuôi bằng nhựa HDPE để tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

Trước đó, người nuôi cá lồng tại vùng biển Phú Quốc vẫn sử dụng lồng nuôi thủ công được lắp ghép bằng gỗ kết nối với nhau bằng đinh, ốc, phi nhựa… Với vật liệu truyền thống này, độ bền của lồng thủ công chỉ đạt tuổi thọ dưới 3 năm, chịu sóng gió yếu. Ngoài ra, lồng truyền thống ghép bằng gỗ có tính vật lý cứng, dễ gãy do va đập thường xuyên với sóng biển và độ mặn. Lồng nuôi thủ công diện tích nhỏ do bị giới hạn bởi độ dài của cây gỗ, lại nặng nề, khó di dời khi có thiên tai, dông bão.

Ngoài ra, càng ngày nguyên liệu gỗ càng khan hiếm khiến chi phí cho việc làm lồng nuôi truyền thống thêm đắt đỏ, tăng thêm chi phí.

Từ tháng 5/2022, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản tại Phú Quốc đã chuyển sang lồng nuôi công nghiệp bằng nhựa HDPE lắp ghép.

Ông Trần Nam Chung bên khu lồng nuôi lắp ghép bằng nhựa HDPE. Ảnh: Kiên Trung.

Ông Trần Nam Chung bên khu lồng nuôi lắp ghép bằng nhựa HDPE. Ảnh: Kiên Trung.

Ông Trần Nam Chung (Cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT) nhận định: "Vật liệu làm lồng nuôi công nghiệp, nguyên liệu chính là nhựa HDPE 100% mối nối, gắn kết bằng công nghệ hàn nhiệt có độ bền trên 20 năm, chịu sóng gió tốt, có tính đàn hồi cao, chịu lực uốn. Điều quan trọng nhất, lồng nuôi công nghiệp được xây dựng theo kích cỡ, lắp ghép dạng lego sẽ cho phép điều chỉnh kích cỡ lồng nuôi tùy theo nhu cầu sử dụng của người nuôi.

Chi phí làm lồng nuôi công nghiệp ban đầu cao hơn so với lồng bè gỗ thủ công nhưng tuổi thọ sử dụng gấp 7 lần cho phép thời gian nuôi lồng kéo dài. Ngoài ra, lồng nuôi công nghiệp cho phép người nuôi có thể di chuyển, kéo từ chỗ này sang chỗ khác để tránh bão. Quan trọng nhất, lồng nuôi công nghiệp lắp ghép bằng nhựa còn có hiệu quả về mỹ quan, bảo vệ môi trường biển".

Từ tháng 5/2022, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Trường thí điểm chuyển sang 9 lồng nuôi công nghiệp thay thế cho lồng gỗ thủ công tại khu vực Vịnh Đầm (vùng biển An Thới). Mỗi lồng nuôi có diện tích 25m2, chiều dài mỗi cạnh 5m. Các lồng nuôi được thiết kế cạnh nhau thành một khối. Ống nhựa để làm thân lồng là các ống dài phi 250 đặt sát nhau tạo thành đường đi, dễ dàng cho người nuôi di chuyển trong quá trình chăm sóc cá.

Lồng nuôi thủy sản lắp ghép bằng gỗ so sánh với lồng nuôi công nghiệp hiệu quả kém hơn, tuổi thọ thấp hơn và không di chuyển được để tránh bão. Ảnh: Kiên Trung.

Lồng nuôi thủy sản lắp ghép bằng gỗ so sánh với lồng nuôi công nghiệp hiệu quả kém hơn, tuổi thọ thấp hơn và không di chuyển được để tránh bão. Ảnh: Kiên Trung.

"Lồng nhựa lắp ghép HDPE đẹp hơn, an toàn hơn. Theo thiết kế, chúng tôi để chừa các đầu ống để có thể nâng mặt lưới lên cao, đảm bảo an toàn cho lồng nuôi. Ngoài ra, có thể dựng khung, cột nhựa để thiết kế mái che nếu như có nhu cầu", ông Trường chia sẻ.

Ông Trường đang có kế hoạch xây dựng dự án đầu tư hình thành khu vực nuôi trồng thủy hải sản trên biển với công nghệ hiện đại, đảm bảo môi trường sinh thái, góp phần tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển, tạo ra sản phẩm có giá trị cao kết hợp với du lịch.

Để thực hiện dự án này, ông Trường cho biết sẽ chuyển đổi lồng bằng vật liệu gỗ, lắp đặt và đưa vào vận hành 25 lồng nuôi các loài cá biển bằng sử dụng vật liệu HDPE (mỗi cạnh 10m).

Trong khu vực này, ông Trường sẽ chia ra thành các khu nuôi thủy sản nước mặn theo loài: vùng nuôi hàu bằng giàn treo, phao nổi bằng nhựa HDPE với diện tích nuôi hàu khoảng 5.000 m2; vùng trồng rong sụn xen kẽ ở các khu vực đặt lồng nuôi cá, tổng quy mô 2.500m2.

“Với mô hình lồng nuôi công nghiệp, chúng tôi dự tính sản lượng cá biển đạt từ 50 tấn đến 100 tấn (từ năm 2024 đến năm 2030), sản lượng hàu từ 50 đến 100 tấn; rong sụn từ 10-20 tấn”, ông Trường chia sẻ.

Phú Quốc đang định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sinh thái và phát triển du lịch. Việc sử dụng lồng nuôi bằng vật liệu nhựa HDPE thay thế cho lồng nuôi truyền thống góp phần bảo vệ môi trường biển, tăng hiệu quả cho người nuôi trồng.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.