| Hotline: 0983.970.780

Kiểm tra công tác cải cách hành chính tại các Bộ, ngành, địa phương

Thứ Hai 06/05/2019 , 10:01 (GMT+7)

Để có cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác CCHC năm 2019 của Ban Chỉ đạo này tại các Bộ, ngành và địa phương.

img-9852090133852
Các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh CCHC trong năm 2019

Theo đó, kiểm tra việc triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác CCHC, tập trung vào những nhiệm vụ đã được xác định trong Kế hoạch công tác của bộ, ngành, địa phương năm 2019 (tính đến thời điểm kiểm tra).

Cụ thể, kiểm tra công tác chỉ đạo, điều hành CCHC gắn với tình hình triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của Bộ, ngành và địa phương trên tất cả các nội dung của Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; Kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ; các quyết định, chỉ thị và các văn bản khác của Thủ tướng Chính phủ về CCHC, cải cách thủ tục hành chính; việc triển khai, kết quả thực hiện Kế hoạch  hoạt động năm 2019 của Ban Chỉ đạo.

Về công tác thể chế, kiểm tra công tác xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; công tác kiểm tra, rà soát, theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Kiểm tra việc triển khai và kết quả đạt được của các Bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tháo gỡ các cơ chế, chính sách, TTHC liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, phát triển du lịch, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công, lý lịch tư pháp, hộ tịch...; việc cắt, giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và chi phí cho doanh nghiệp; tình hình giải quyết TTHC;...

Về công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế hiện có; đánh giá tính phù hợp và hiệu quả của bộ máy. Trọng tâm chuyên đề: Kiểm tra việc triển khai các Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết của Quốc hội, Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII.

Kiểm tra tình hình triển khai đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; trách nhiệm và đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Trọng tâm về tuyển dụng; quản lý cán bộ, công chức, viên chức, luân chuyển, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.

Về công tác cải cách tài chính công, kiểm tra việc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý đối với cơ quan nhà nước về tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; việc ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ và quy chế quản lý tài sản công.

Ngoài ra, kiểm tra việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo các danh mục đã được phê duyệt; việc triển khai gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.