Đó là thông tin được Sở NN-PTNT Kiên Giang báo cáo tại hội nghị triển khai kế hoạch hành động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2019, do UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức chiều 8/4 tại TP Rạch Giá.
Bơm chích tạp chất vào tôm thường xảy ra tại các cơ sở thu mua nhỏ lẻ, người nuôi ít ai thực hiện |
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, so với thời điểm năm 2015-2016, tình hình vi phạm về bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giảm cả về số vụ vi phạm, tang vật bị xử lý, lẫn số tiền xử phạt vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, do địa bàn rộng, hệ thống kênh rạch chằng chịt, một số cơ sở thu gom, sơ chế tôm vì lợi ích kinh tế trước mắt, đã bằng nhiều hình thức tinh vi, như: tiến hành bơm chích ngay trên phương tiện vận chuyển xuồng máy, ô tô…. Có khi chia nhỏ số lượng tôm để đối phó, nếu bị phát hiện thì bỏ tang vật không nhận. Gắn camera xung quanh nhà, xưởng sơ chế nhằm đề phòng cảnh giác hoặc tập trung hàng hóa ở những địa bàn xa xôi để trốn tránh.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Ông Lê Thanh Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương, cho biết: Hiện tượng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu trên địa bàn vẫn còn xảy ra và xã Hòa Điền chính là điểm nóng. Để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng bơm chích thường thực hiện ngay trên phương tiện vận chuyển hoặc thời gian ban đêm từ khoảng 20 giờ tối hôm trước đến 2-3 giờ sáng hôm sau. Tôm nguyên liệu sau khi chích thường được vận chuyển sang Campuchia bán theo theo yêu cầu đặt hàng của thương lái.
Được biết, hiện nay lực lượng chức năng phía Campuchia đang xử lý mạnh tay với tôm tạp chất, đối tượng vi phạm có thể xử lý hình sự. Nếu chúng ta mạnh tay hơn nữa thì chắc chắn tình hình thời gian tới sẽ giảm.