Cty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ XNK Trấn Phú đang đầu tư nuôi với 6 lồng ương cá giống và 4 lồng nuôi cá thương phẩm, tại vùng biển thuộc xã Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc.
Cty Trấn Phú thử nghiệm thành công nghề nuôi biển bằng công nghệ hiện đại của Na Uy, mở ra hướng phát triển mới cho ngư dân Kiên Giang |
Ông Thái Tổ Trấn, Giám đốc Cty Trấn Phú cho biết, toàn bộ lồng nuôi được nhập khẩu từ Na Uy, trong đó lồng ương loại vuông có diện tích 5 x 5m, còn lồng nuôi cá thương phẩm loại tròn có đường kính 20m. Mỗi lồng tròn có thể nuôi được từ 25 - 30 tấn cá thương phẩm. Ưu điểm của loại lồng này là chịu được thời tiết khắc nghiệt trên biển, khung lồng bằng ống nhựa có tuổi thọ trên 35 năm, độ an toàn nuôi trên 20 năm. Lồng nuôi chịu được sóng, gió cấp 10 và có thể xả van nhận chìm để đảm bảo an toàn khi có bão lớn. Chi phí đầu tư toàn bộ khung, lưới và dây neo… khoảng 700 triệu đồng/lồng nuôi cá thương phẩm.
“Với loại lồng nhập khẩu từ Na Uy, người nuôi có thể đầu tư nuôi ngoài khơi xa, hạn chế nguồn ô nhiễm. Hiện Cty Trấn Phú đang đầu tư nuôi 2 loại cá là chim trắng vây vàng và Hồng Mỹ, với thời gian ương vèo từ 60 - 75 ngày, sau đó chuyển lồng nuôi tiếp 6 - 7 tháng là thu hoạch”, ông Trấn cho biết.
Theo ông Trấn, Cty đang có kế hoạch nhập khẩu thêm từ 20 - 25 lồng nuôi cá thương phẩm, với đường kính lớn hơn, 30 m mỗi lồng, nhằm mở rộng quy mô.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, tỉnh có diện tích vùng biển với hơn 63 ngàn km2, trên 140 hòn đảo lớn nhỏ, có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, nghề nuôi biển của Kiên Giang thời gian qua vẫn còn nhỏ lẻ, công nghệ nuôi lạc hậu, chủ yếu khung lồng vẫn là tự chế bằng cây, không đảm bảo độ an toàn khi có song to, gió lớn. Vì vậy, với việc Cty Trấn Phú thử nghiệm thành công nghề nuôi biển bằng công nghệ hiện đại của Na Uy sẽ mở ra hướng phát triển mới cho ngư dân, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo.