Gần 4 năm trôi qua, từ ngày Ủy ban ban châu Âu (EC) áp thẻ vàng cảnh cáo do chưa đáp ứng đủ quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thực thi chống khai thác IUU, đặc biệt là vấn đề xây dựng khung pháp lý.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT), có 3 lí do khiến vấn đề tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn tiếp diễn.
Một là do nguồn lợi thủy sản của Việt Nam có dấu hiệu suy giảm dẫn đến ngư dân phải khai thác ở những vùng biển khác. Lí do thứ 2 là vì lợi ích kinh tế nên nhiều chủ tàu cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Lí do thứ 3 là do các vùng biển Việt Nam với các nước trong khu vực chưa phân định rõ ràng nên trong quá trình khai thác, một số tàu vô tình vi phạm vùng biển nước ngoài.
“Về vấn đề này, Chính phủ Việt Nam cũng như các bộ ngành đã tích cực ngăn chặn tuy nhiên vừa rồi nhiều tàu cá của một số tỉnh như Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu vi phạm vùng biển của Malaysia, Indonesia để khai thác hải sản. Đây là vấn đề tiên quyết cần được giải quyết sớm để gỡ thẻ vàng của EC trong thời gian tới”, ông Nguyễn Phú Quốc nhấn mạnh.
Theo ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, đối với việc ngăn chặn vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, cả hệ thống chính trị của tỉnh Kiên Giang đã vào cuộc hết sức quyết liệt. Vừa qua, tình hình vi phạm diễn ra nhiều nên tỉnh Kiên Giang đã kiên quyết, tích cực xử lý, thậm chí tịch thu phương tiện, phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng.
Đại diện tỉnh Kiên Giang cho rằng thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước các cấp đã đầu tư nguồn lực, trang thiết bị, nhân lực để ngăn chặn hành vi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài nhưng nguồn lực vẫn còn nhiều hạn chế; lực lượng kiểm ngư, lực lượng thực thi pháp luật còn nhiều gặp nhiều khó khăn.
“Ngoài ra, hiểu biết về pháp luật của ngư dân vẫn còn hạn chế. Vì mưu sinh mà bà con tìm cách nâng cao thu nhập, kinh tế bằng việc khai thác bất hợp pháp”, ông Quảng Trọng Thao chia sẻ.
Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, địa phương có gần 4.000 tàu thuộc diện phải lắp đạt thiết bị giám sát hành trình theo luật định. Kiên Giang đã tiến hành lắp đặt hơn 99% tổng số tàu, chỉ còn 31 tàu chưa được lắp đặt và phấn đấu từ nay đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành việc lắp đặt thiết bị số tàu còn lại.
9 tháng đầu năm 2021, qua quá trình giám sát, Kiên Giang đã phát hiện trên 400 tàu vi phạm khai thác hải sản tại vùng biển nước ngoài, đồng thời phát hiện trên 10.000 tàu tắt thiết bị giám sát hành trình. Tỉnh đã mời hơn 155 chủ tàu không bật thiết bị giám sát hành trình và xử lý gần 100 phương tiện với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Để có thể ngăn chặn vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang đã thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở, tuyên truyền tới người dân. Các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội cũng đã vào cuộc quyết liệt, nắm chặt địa bàn để hiểu được tâm tư, nguyện vọng, từ đó nâng cao nhận thức của người dân.