| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận: Cả hệ thống chính trị vào cuộc chống khai thác hải sản trái phép

Thứ Tư 24/02/2021 , 09:58 (GMT+7)

Để gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC), cả hệ thống chính trị tỉnh Bình Thuận đã vào cuộc quyết liệt triển khai các giải pháp chống khai thác hải sản trái phép.

Quyết liệt chống khai thác trái phép

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, từ cuối năm 2017 đến nay, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc triển khai các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), ngăn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận vào cuộc quyết liệt chống khai bất hợp pháp IUU. Ảnh: KH.

Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận vào cuộc quyết liệt chống khai bất hợp pháp IUU. Ảnh: KH.

Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu Thường trực Ban chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh (Sở NN-PTNT) phối hợp các Sở, ngành, địa phương theo dõi, khẩn trương tổ chức khắc phục những hạn chế, thiếu sót theo ý kiến của Đoàn công tác Bộ NN-PTNT qua 2 đợt kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Bình Thuận năm 2019.

Trong đó có việc thực hiện nghiêm túc việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá, thực hiện các quy trình xử lý thông tin giám sát hành trình tàu cá và hoàn thiện số liệu tàu cá trên Vnfishbase...

Kết quả, tỉnh Bình Thuận đã từng bước ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài. Đặc biệt, từ tháng 7/2019 đến nay, tàu cá Bình Thuận không bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.

Hiện nay hàng ngàn tàu cá Bình Thuận đã láp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: KS.

Hiện nay hàng ngàn tàu cá Bình Thuận đã láp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: KS.

Về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá được các chủ tàu quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh có 1.790/1.927 tàu cá (đạt 93%) có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên đã lắp đặt VMS. Trong đó 35/35 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên đang hoạt động đã thực hiện lắp đặt thiết bị này.

Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá tỉnh đã được đầu tư trang bị cơ bản đặt tại Chi cục Thủy sản. Cũng như đã hình thành 3 Trạm dữ liệu tại 3 Văn phòng Đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng cá và bước đầu đã vận hành phục vụ có hiệu quả đa mục tiêu quản lý tàu cá. Các lực lượng chức năng thông qua Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá đã phát hiện, cảnh báo và gọi quay về hàng chục trường hợp tàu cá có nguy cơ vượt ranh giới vùng biển Việt Nam.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, cho biết, từ khi triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá 15 m trở lên đã giúp cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động trên biển. Theo đó, không chỉ cảnh báo kịp thời tàu cá có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước ngoài, mà còn cảnh báo các tàu hoạt động trái tuyến. Thực tế, năm 2020, cơ quan chức năng đã ngăn chặn kịp thời 14 tàu mải mê đuổi theo đàn cá có nguy cơ ra khỏi đường ranh, để bà con quay vào. Bên cạnh đó lợi ích cho đối với tàu thuyền lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là khi bị sự cố trên biển, cơ quan chức năng rất nhanh chóng xác định vị trí những tàu hoạt động xung quay để kịp thời thông báo cứu hộ.

Ngoài ra trong năm 2020, tỉnh cũng đã xử lý 438 vụ vi phạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó có 161 trường hợp tàu cá ngoài tỉnh; tước quyền10 giấy phép sử dụng khai thác thủy sản có thời hạn; tước quyền sử dụng 15 chứng chỉ thuyền trưởng có thời hạn và tịch thu 162 kích điện, 9 đụt lưới, 9 ngư cụ cấm…

Kiên quyết không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Bên cạnh những kết quả tích cực như trên, song ông Chiến nhìn nhận công tác phòng, chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn.

Cụ thể, mặc dù tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bước đầu được ngăn chặn, song vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ, nếu không có các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Trong đó, đáng chú ý là nhóm tàu cá khai thác xa bờ thường xuyên lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh và các tàu cá hoạt động trên vùng ranh giới biển Việt Nam bị mất kết nối thiết bị VMS với Trung tâm giám sát tàu cá.

Bên cạnh đó, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá trong tỉnh tuy triển khai rất quyết liệt, đã đạt 93% tổng số tàu cá cần lắp đặt nhưng vẫn chưa hoàn thành 100% theo lộ trình Chính phủ quy định, trong đó nhiều chủ tàu thực sự khó khăn về tài chính.

Các hành vi vi phạm khai thác IUU theo Luật Thủy sản 2017 trên địa bàn tỉnh còn khá phổ biến, đặc biệt là tình trạng ngư dân không ghi, không nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, không khai báo khi ra vào cảng cá…

Công tác thực thi pháp luật về quản lý tàu cá, kiểm soát tàu cá xuất bến, nhập bến, khai báo sản lượng, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác còn hạn chế. Cũng như xử lý vi phạm khai thác bất hợp pháp tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự quyết liệt, có trường hợp còn nương nhẹ, thiếu tính răn đe, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả chống khai thác trái phép trên địa bàn.

Ngoài ra, hạ tầng một số cảng cá xuống cấp; bộ máy, nhân lực quản lý tại một số cảng cá chưa đáp ứng yêu cầu; kinh phí còn hạn hẹp đã ảnh hưởng làm hạn chế hiệu quả phòng, chống khai thác trái phép.

Các tàu đánh bắt xa bờ ở Bình Thuận hiện cũng quyết tâm không xâm phạm vùng biển nước ngoài để gỡ thẻ vàng của EC. Ảnh: MH.

Các tàu đánh bắt xa bờ ở Bình Thuận hiện cũng quyết tâm không xâm phạm vùng biển nước ngoài để gỡ thẻ vàng của EC. Ảnh: MH.

Do đó, theo ông Chiến, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, nỗ lực tối đa và kiên quyết không để xảy ra bất kỳ tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài. Đối với các tàu cá từng vi phạm vùng biển nước, tàu cá thường xuyên hoạt động, xuất bến ngoài tỉnh, tàu cá mất kết nối VMS khi hoạt động trên vùng biển xa thì đưa vào diện giám sát đặc biệt để kiểm soát chặt chẽ 100% từng chuyến biển. Đồng thời yêu cầu các chủ tàu ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó các lực lượng chức năng của tỉnh thực hiện tốt Quy chế phối hợp với các tỉnh, với lực lượng Cảnh sát biển, Hải quân trong kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, không để vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài.

Đồng thời thực hiện khẩn trương, kiên quyết, hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Chỉ đạo lực lượng kiểm ngư, biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát kiên quyết không cho xuất bến hành nghề khi chưa lắp đặt thiết bị VMS hoặc đã lắp đặt nhưng không có tín hiệu trên hệ thống giám sát tàu cá; cảnh cáo và xử lý nghiêm theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP đối với chủ tàu cá vi phạm. 

Cũng như tiếp tục thực hiện nghiêm túc hoạt động tại cảng cá; khắc phục triệt để các hạn chế, thiếu sót, sai lỗi, đảm bảo chặt chẽ về quy trình, minh bạch về số liệu. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá trong việc tuân thủ khai báo khi ra vào cảng cá, ghi, nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác theo quy định; giám sát chặt chẽ sản lượng thủy sản qua cảng; thực hiện nghiêm túc quy trình xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác…

Theo ông Chiến, trong thời gian tới tỉnh sẽ cơ cấu lại ngành khai thác hải sản theo hướng giảm số lượng tàu cá, cấm phát triển nghề lưới kéo dưới mọi hình thức; đẩy mạnh liên kết sản xuất trên vùng biển xa bờ theo hình thức tổ, đội và ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản sản phẩm, giảm thất thoát sau đánh bắt. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo khẩn trương thành lập lực lượng Kiểm ngư tỉnh, tổ chức lại các Ban quản lý các cảng cá và kiện toàn, bố trí nhân lực đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ, trang bị phương tiện và khắc phục, chống xuống cấp hạ tầng tại các cảng cá phục vụ yêu cầu phòng, chống khai thác trái phép; đồng thời tỉnh kiến nghị Trung ương quan tâm, hỗ trợ địa phương sớm triển khai đầu tư các khu tránh trú bão kết hợp cảng cá tại các khu vực trọng điểm nghề cá: Mũi Né, Chí Công, Ba Đăng.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Bình luận mới nhất