| Hotline: 0983.970.780

Kiên Giang: Vứt xác heo chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh

Chủ Nhật 15/09/2019 , 11:30 (GMT+7)

Một số người thiếu ý thức đã lén lút vứt xác heo chết ra kênh, rạch, gây ô nhiễm môi trường, làm phát tán, lây lan mầm bệnh dịch tả heo Châu Phi.

Xác heo chết được người dân cho vào bao vứt xuống sông ở xã Tân An, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang.

Thời gian gần đây, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Kiên Giang xảy ra tình trạng vứt xác heo bệnh, chết xuống biển, sông, rạch… gây bức xúc trong dư luận và là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, phát tán lây lan mầm bệnh dịch tả heo Châu Phi. Cụ thể, TP Rạch Giá đã vớt gần 70 xác heo chết, các huyện Giồng Riềng 80 con, Tân Hiệp 20 con, Hòn Đất 5 con… Chính quyền địa phương phải tốn kém nhân lực, vật lực để trục vớt đem đi tiêu hủy.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, nguyên nhân do công tác thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh, chính sách hỗ trợ thiệt hại chưa sâu rộng đến người dân. Người chăn nuôi không khai báo do sợ bị tiêu hủy toàn đàn, trong khi giá heo hơi ngoài thị trường đã cao hơn mức nhà nước hỗ trợ từ 10.000-15.000 đồng/kg hoặc không có qũy đất để chôn lấp. Việc chi trả hỗ trợ thiệt hại cho người dân còn chậm, thậm chí có nơi còn vận động chủ hộ nuôi tự bỏ tiền ra để tiêu hủy heo bệnh, chết. Thương lái mua heo bệnh, chết với giá rẻ nhưng trên đường vận chuyển đã vứt bỏ, do không dám mang vào lò, điểm giết mổ có kiểm soát của lực lượng thú y.

Vứt xác heo bệnh, chết xuống biển, sông, rạch… gây bức xúc trong dư luận và là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, phát tán lây lan mầm bệnh dịch tả heo Châu Phi.

UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền tác hại của dịch tả heo Châu Phi, kịp thời phát hiện, chủ động huy động các lực lượng tổ chức thu gom xác heo chết bị vứt ra ngoài môi trường để đem đi tiêu hủy đúng quy định. Không để xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các địa bàn giáp ranh, chỉ đạo tăng cường vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, dụng cụ, phương tiện vận chuyển xác heo, hạn chế thấp nhất tình trạng rơi vãi chất thải, nước trên đường vận chuyển đi tiêu hủy.

Giao lực lượng công an của các địa phương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền cấp xã, người dân theo dõi, điều tra và xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác heo chết, heo bệnh và động vật khác ra môi trường, làm ô nhiễm và lây lan bệnh. Hành vi vận chuyển hoặc vứt xác gia súc, gia cầm mắc bệnh chết và sản phẩm của chúng ra môi trường sẽ bị xử phạt hành chính từ 5-6 triệu đồng, theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Dịch tả heo Châu Phi tại Kiên Giang vẫn chưa có dấu hiệu giảm, diễn biến còn phức tạp, khả năng kéo dài và lây lan trên toàn tỉnh là rất lớn.

Theo báo cáo của Chi cục Thú y Kiên Giang, đến giữa tháng 9, dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra tại 2.724 hộ ở địa bàn 119 xã, thuộc 14/15 huyện, thành phố của tỉnh, buộc phải tiêu hủy trên 38.000 con heo, chiếm 17% tổng đàn, gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi và ngân sách để ứng phó. Hiện nay, dịch tả heo Châu Phi vẫn chưa có dấu hiệu giảm, diễn biến còn phức tạp, khả năng kéo dài và lây lan trên toàn tỉnh là rất lớn.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.