| Hotline: 0983.970.780

Kiến nghị Chính phủ ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp

Thứ Ba 12/10/2021 , 17:20 (GMT+7)

TP.HCM kiến nghị Chính phủ ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thiệt hại nặng do tác động của dịch Covid-19.

Chiều 12/10, đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các giải pháp để kiểm soát dịch Covid-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM trong thời gian tới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì buổi làm việc.

Tại buổi giám sát, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã báo cáo tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các giải pháp để kiểm soát dịch, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, công tác phòng, chống dịch của TP.HCM trong thời gian qua là chưa có tiền lệ, tuy nhiên Thành phố đã cố gắng vượt bậc, nỗ lực hết sức có thể, trong hoàn cảnh thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vacxin giai đoạn đầu, đã tập trung, huy động mọi nguồn lực. 

Đến nay, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM đã đi đúng hướng, tạo tiền đề cho việc kiểm soát được dịch bệnh, sớm đưa Thành phố trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Hiện nay, TP.HCM đang thực hiện Chỉ thị số 18, đã góp phần tạo sự phấn khởi cho người dân, các doanh nghiệp. Các chốt kiểm soát nội thành đã được tháo gỡ, từng bước chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Số doanh nghiệp, hộ kinh doanh mở cửa trở lại có xu hướng tăng dần, tình hình kinh tế dần được cải thiện, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố.

Qua hơn 10 ngày thực hiện Chỉ thị 18, đến nay, các chỉ tiêu theo dõi tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến tích cực, số ca mắc mới trung bình ngày giảm 5 lần so với lúc đỉnh dịch. TP Thủ Đức và các quận huyện đã kiểm soát được dịch bệnh và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: TTBC.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: TTBC.

Tuy nhiên, ông Đức cho rằng, đặc thù TP.HCM dân số đông, mật độ dân cư dày đặc, nhiều nơi sống chen chúc trong khi biến chủng Delta của vi rút SARS-CoV-2 là biến chủng nguy hiểm, không triệu chứng, lây lan nhanh, người bị nhiễm có khả năng chuyển biến nguy kịch rất nhanh trong khi khoa học chưa có nghiên cứu nhiều về biến chủng này và cách phòng trị.

Chính vì vậy, tác động mạnh mẽ đến đời sống, kinh tế, xã hội của người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống và nhà máy phải dừng hoạt động để chống dịch. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn chưa có dấu hiệu hồi phục, một số ít doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” hoặc “4 xanh”, còn lại đa số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, tạm thời cho công nhân nghỉ việc; chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy do khó khăn về lưu thông, doanh nghiệp không nhận được đơn hàng mới hoặc bị mất khách hàng.

Ngoài ra, nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ, đứt gãy, công nhân phải nghỉ việc, các ngành dịch vụ du lịch, vận tải, hàng không chịu ảnh hưởng lớn. Nhiều đơn vị kinh doanh như khách sạn - nhà hàng buộc phải đóng cửa. Dịch Covid-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

Hàng triệu người lao động của Thành phố bị mất việc, không có việc làm hoặc bị cắt giảm việc làm nên ảnh hưởng đến thu nhập, đến sinh kế và đảm bảo cuộc sống hàng ngày.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống y tế, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng với các yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn tiến phức tạp trong giai đoạn sắp tới, TP.HCM kiến nghị bổ sung các chính sách, quy định tạo điều kiện cho phát triển nguồn nhân lực tại y tế cơ sở.

Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó sớm bổ sung thêm nhiều loại hình nhân viên y tế cần thiết cho hoạt động y tế cơ sở, điều chỉnh mức lương cơ bản phù hợp, động viên và thu hút cho nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở; mở rộng loại hình khám chữa bệnh tại nhà và cho phép xã hội hóa các hoạt động khám chữa bệnh tại các Trạm Y tế; cơ chế chính sách cho y tế tư nhân tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19.

TP.HCM kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ điều tiết cho ngân sách Thành phố giai đoạn 2022 - 2025, nhằm góp phần tạo nguồn lực để TP.HCM phát triển nhanh và bền vững theo định hướng của Đảng, Nhà nước, chủ động giải quyết được những khó khăn, thách thức hiện nay và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự phát triển của Thành phố và còn tạo động lực phát triển cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, để kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng do tác động của đại dịch Covid-19, nhất là các địa phương tăng cường thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa bất chợt 'giải nhiệt' ở Bình Dương

Sau nhiều ngày nắng nóng liên tục, cơn mưa bất chợt xuất hiện đã làm dịu đi cái nóng gay gắt cho người dân ở Bình Dương.