Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng. |
Chậm khắc phục tình trạng "báo hóa tạp chí"
Tại phiên chất vấn của Quốc hội về lĩnh vực thông tin và truyền thông vào sáng 8/11, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Hưng Yên) băn khoăn: Tình trạng "báo hoá tạp chí điện tử", làm gia tăng một số lượng lớn phóng viên, cộng tác viên, gia tăng hiện tượng gây sách nhiễu đối với các cá nhân, tổ chức và chính quyền địa phương và nhiều biểu hiện tiêu cực khác.
Trước tình trạng đó, Bộ TT-TT đã ban hành văn bản chấn chỉnh. Bộ cũng đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành không ít nghị định, quyết định về quản lý báo chí.
“Mặc dù đã tiến hành thanh tra, kiểm tra nhưng tình trạng này vẫn chậm được khắc phục”.
Bộ trưởng Bộ TT-TT cho biết, “báo hoá tạp chí điện tử” là hoạt động sai pháp luật về báo chí. Muốn làm được điều đó thì phải quản lý báo chí thông qua tôn chỉ mục đích. Vì báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản, mỗi cơ quan chủ quản đều có lĩnh vực hoạt động của mình.
Ảnh mang tính minh họa. |
Vừa qua có tình trạng một số tạp chí có nhiều phóng sự điều tra, có nhiều thông tin thời sự, như vậy là vượt quá tôn chỉ, mục đích cũng như quy định về tạp chí.
“Bộ TT-TT có nhìn thấy không? Bộ có nhìn thấy”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Ông cũng chia sẻ, hiện nay đang quy hoạch lại các cơ quan báo chí. Khi quy hoạch lại thì sẽ cấp lại giấy phép để mục đích làm rõ tôn chỉ mục đích của từng cơ quan báo chí. Qua đó khắc phục tình trạng... "rất nhiều báo giống nhau".
Đang báo cáo Chính phủ có cơ chế đặt hàng cơ quan báo chí
Người đứng đầu Bộ TT-TT cũng nói đến trách nhiệm cơ quan chủ quản báo chí: “Vừa qua nhiều cơ quan chủ quản báo chí là người quản trực tiếp các tờ báo, tạp chí cũng có sự buông lỏng quản lý”.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Chúng ta phải nghĩ đến đời sống của những người làm báo. Tôi thực sự trăn trở về vấn đề này". Bây giờ có 41.000 người sống bằng nghề báo chí. Trước đây tổng nguồn thu từ quảng cáo khoảng 26.000 tỷ, nhưng bây giờ chỉ còn khoảng 13.000 tỷ đồng vì rơi vào các mạng xã hội nước ngoài.
Ông cũng cho biết, pháp luật hiện hành đã quy định “cơ quan chủ quản phải đảm bảo điều kiện hoạt động cho cơ quan báo chí”, nhưng nhiều cơ quan chủ quản cũng buông lỏng cho anh em tự bơi, thực sự rất khó khăn. Chúng ta phải nhìn dưới khía cạnh rất con người, tức là để cho người làm báo sống được.
Do đó, trách nhiệm của cơ quan chủ quản phải đảm bảo điều kiện hoạt động cho người làm báo sống bằng nghề.
Bộ TT-TT đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đặt hàng các cơ quan báo chí. Tức là Nhà nước phải đặt hàng cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị.
“Hiện nay cơ chế chưa làm được. Tôi nhận trách nhiệm này. Do đó, đề nghị Nhà nước phải có nguồn thường xuyên hàng năm để đặt hàng báo chí”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.