Ông Thân Văn Hùng, Phó Chủ tịch VIDA, Trưởng ban Xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế của Hiệp hội cho biết, sau 1 năm Covid-19 xuất hiện, các doanh nghiệp nông nghiệp gặp khó khăn với các thị trường quốc tế đã quay lại với thị trường nội địa.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đang gặp phải khó khăn trong giao thương, vận chuyển hàng hóa. Với đợt dịch bùng phát lần thứ 3, các biện pháp hạn chế đi lại và các biện pháp cách ly của địa phương lân cận vùng dịch thắt chặt khiến việc giao thương hàng hóa, vận chuyển trong chuỗi giá trị bị trì trệ, ảnh hưởng và gây thiệt hại tới các doanh nghiệp nông nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp tỉnh Hải Dương.
Bên cạnh đó, sau một năm chống chọi với dịch bệnh khả năng tài chính với mỗi doanh nghiệp gần như đến cạn kiệt. Một số biện pháp như cắt giảm quy mô sản xuất song vẫn phải đối mặt với các chi phí: thuê mặt bằng, phân xưởng, kho bãi, trả lương nhân công, chi phí sản xuất... và những chi phí này quả thật quá lớn trong khi phải tìm kiếm thêm thị trường mới, đối tác mới…
Doanh nghiệp dù tiềm lực kinh tế lớn nhưng tình hình dịch bệnh kéo dài thì vẫn là bài toán khó khăn cần được tháo gỡ.
Trong bối cảnh đó, thời gian qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về tài chính và tiền tệ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động từ đại dịch Covid-19.
Nhìn chung các doanh nghiệp của VIDA, dưới sự hỗ trợ đã giảm được chi phí sản xuất nhờ việc giảm chi phí vay vốn tín dụng, giảm bớt áp lực trả nợ vay nhờ việc cơ cấu lại nợ.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp hiện nay vẫn bị coi là chưa hấp dẫn với các đơn vị tín dụng, thủ tục cho vay còn phức tạp khiến đa phần các doanh nghiệp nông nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi này.
Giải pháp
Đối với các doanh nghiệp nông nghiệp, ông Thân Văn Hùng cho rằng, Chính phủ cần đẩy mạnh các giải pháp phi tài chính như công khai quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu sản xuất và chế biến từ đó doanh nghiệp có thể chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ đào tạo cho cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ các kiến thức và giải pháp về chuyển đổi số bên cạnh các chính sách hỗ trợ hiện tại.
Khi được trang bị các kiến thức kết hợp với sự chủ động thì chắc chắn dù là dịch Covid-19 hoặc bất cứ tác nhân nào khác thì các doanh nghiệp cũng sẽ tự chủ động thay vì chờ cứu trợ từ các cơ quan Bộ, ngành.
Ông Thân Văn Hùng cũng kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét miễn giảm thuế thuê đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp.
Về vấn đề lưu thông hàng hóa nông sản, Phó Chủ tịch VIDA đưa ra một số kiến nghị. Đầu tiên là tạo luồng xanh cho các hoạt động lưu thông hàng hóa nông sản.
Thứ hai, cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp công nghệ xây dựng nền tảng phục vụ và hỗ trợ giao thương nông sản trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19.
Cuối cùng, ông Thân Văn Hùng kiến nghị Chính phủ quy hoạch các vùng nguyên liệu và có cơ chế ưu đãi đặc biệt, thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư tập trung và chuẩn bị đón đầu thị trường hồi phục sau Covid-19.