Thiết lập 3 đường dây nóng
Ông Trương Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Hà Nam cho biết, đơn vị thường xuyên phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương, Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố…, kiểm tra công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh trong những đợt cao điểm như Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP.
Từ 1/1 - 9/11/2018, Chi cục đã thực hiện 15 cuộc thanh tra, kiểm tra. Kiểm tra, thanh tra 114 cơ sở, trong đó có 28 cơ sở vi phạm, tập trung vào các loại hình SX, kinh doanh như: SX, kinh doanh miến dong; giết mổ lợn, chế biến giò; giết mổ gia cầm; SX giò chả… Xử phạt 28 cơ sở vi phạm với số tiền 77,75 triệu đồng.
Cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở giết mổ lợn thịt trên địa bàn tỉnh |
Cùng với đó, Chi cục đánh giá, phân loại 60 cơ sở SX, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông sản, thủy sản trên địa bàn. Theo đó, có 12 cơ sở xếp loại A, 48 cơ sở xếp loại B.
Ngoài thanh tra, kiểm tra, Chi cục cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn. Treo băng rôn, khẩu hiệu, tuyên truyền tới người dân về công tác quản lý ATTP nông lâm thủy sản, cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ cao mất ATTP tới người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thiết lập 3 đường dây nóng, công bố rộng rãi tại các xã, huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo ông Hưng, qua hoạt động thanh tra, kiểm tra hầu hết các cơ sở đã tuân thủ nghiêm túc quy định của Nhà nước về đảm bảo ATTP trong SX, kinh doanh nông, thủy sản. Nhận thức của chủ cơ sở và người lao động về ATTP đã được nâng cao.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như phần lớn cơ sở SX kinh doanh trên địa bàn đều có quy mô nhỏ, diện tích mặt bằng SX kinh doanh còn chật hẹp, trang thiết bị, dụng cụ SX còn lạc hậu. Tỷ lệ người được khám sức khỏe, xác nhận kiến thức về ATTP còn thấp, đặc biệt tại những cơ sở sử dụng lao động chuyên môn thấp, công việc không ổn định.
“Chúng tôi kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm ATTP trên địa bàn tỉnh. Đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng, nhất quyết cho dừng hoạt động và xử lý vi phạm hành chính…”, ông Hưng khẳng định. |
Hồ sơ nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu, hàng hóa đầu vào, đặc biệt là thực phẩm SX ban đầu như rau, củ, quả, thịt, thủy sản chưa đầy đủ, các cơ sở chưa xây dựng chương trình quản lý chất lượng theo quy định…
Quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các cơ sở nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, khắc phục các lỗi sai theo quy định, đồng thời báo cáo kết quả kiểm tra và thu hồi chứng nhận đủ điều kiện ATTP đối với những cơ sở không đủ điều kiện, có dấu hiệu mất ATTP.
Để đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và lễ hội Xuân 2019, Chi cục tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường rà soát các cơ sở SX, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản và nhiều mặt hàng khác.
Giữ chữ “tín” để xây dựng thương hiệu
Tại Hà Nam, vào dịp Tết, ở một số làng nghề như làng cá kho Vũ Đại (xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân), làng nghề rượu Vọc (xã Vũ Bản, huyện Bình Lục), bánh chưng làng Đầm (xã Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm)… luôn tất bật, nhộn nhịp. Vì vậy, công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP tại các làng nghề này được các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra.
Ghi nhận tại làng nghề rượu Vọc, chúng tôi được biết, người dân ở đây, ngoài công việc chính làm ruộng, hầu hết các gia đình trong làng đều tham gia ít nhiều vào nghề này như làm men, buôn bán men, nấu rượu hay mở cửa hàng bán rượu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thái Nam, Chủ tịch UBND xã Vũ Bản cho biết, hiện làng Vọc có 130 hộ tham gia SX rượu. Các hộ tham gia SX rượu đều được tập huấn về ATTP. Trung bình mỗi hộ SX được 30 lít rượu/ngày. Thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, các cơ sở SX rượu ở làng nghề đang vào vụ nên không khí làm việc trở nên tất bật hơn.
Có mặt tại cơ sở SX rượu của gia đình chị Trần Thị Hiền, theo quan sát của chúng tôi, khu vực nấu cơm, ủ cơm, nấu rượu, khu lưu giữ rượu rất sạch sẽ. Toàn bộ hệ thống từ nấu cơm, nấu rượu, lọc độc rượu được sử dụng bằng công nghệ nước ngoài. Mọi công đoạn SX rượu rất chặt chẽ, đảm bảo an toàn.
Chị Hiền bảo, nhiều năm nay, gia đình không sử dụng bếp than để nấu rượu nữa. Bởi, khí than rất độc cho người nấu và chất lượng rượu cũng không được đảm bảo. Còn về nguyên liệu để nấu rượu, gia đình kiểm tra thường xuyên, nếu có sự cố gì thì thải bỏ luôn.
Gia đình chị Hiền thường xuyên lọc độc rượu trước khi xuất bán cho khách hàng |
“Gia đình tôi luôn nâng cao nhận thức trong việc SX rượu. Không sử dụng rượu giả để nhái thương hiệu, không sử dụng men kém chất lượng, men vi sinh... để nấu rượu. Tuyệt đối đảm bảo chất lượng để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng”, chị Hiền nhấn mạnh.
Chia sẻ về những công đoạn nấu rượu, chị Hiền thổ lộ, người làng Vọc chỉ trung thành với một công thức chưng cất rượu, rượu được làm bằng gạo nếp đặc sản của địa phương ủ với men ta gồm 36 vị thuốc Bắc.
Công đoạn làm rượu rất công phu, từ lúc úp men phải trải qua 2 - 3 ngày, chờ khi men dậy mới được mở. Cơm rượu nấu chín vừa, không khô hoặc nhão quá, đánh tơi để nguội trước khi rắc men, sau đó cho vào vò sành ủ 48 tiếng, khi có mọng mới được đổ nước, sau 2 đêm thì đem nấu. Sau khi nấu xong, đổ rượu vào vò sành, bịt kín miệng.
Rượu được đựng bằng vò sành và trên miệng vò được bịt kín |
Ông Trần Xuân Thiếu, một chủ cơ sở SX rượu khác thì bảo rằng, để giữ vững thương hiệu, các cơ sở SX rượu trong làng luôn đặt chữ “tín” lên hàng đầu, không chạy theo lợi nhuận, chấp hành nghiêm ngặt các quy trình SX rượu, nguyên liệu đầu vào được quản lý tốt... |