Sau 4 năm triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA), tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai bên luôn giữ ở mức cao, kể cả năm 2023 khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, các thị trường nhập khẩu nhiều hàng Việt Nam sụt giảm.
Là một FTA thế hệ mới, UKVFTA đưa ra rất nhiều cam kết liên quan đến phát triển bền vững, thậm chí dành hẳn 1 chương để nói về quy định này. Hai bên thống nhất cùng đẩy mạnh hành động liên quan tới biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học hay quản lý rừng bền vững, nuôi trồng thủy sản bền vững.
"Thương mại và phát triển bền vững đã trở thành nội dung không thể thiếu trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới", ông Nguyễn Cảnh Cường, nguyên Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh chia sẻ. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho doanh nghiệp.
Theo ông Cường, những doanh nghiệp có khả năng tăng tỷ lệ sản phẩm xanh và chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, ít phát thải hơn sẽ được hoan nghênh. Sản phẩm bán ra có giá trị cao hơn. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sản xuất và mô hình phát triển có thể tăng thêm chi phí và tạo thêm áp lực cạnh tranh, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Với thâm niên công tác lâu năm tại Anh, ông Cường thừa nhận, có một bộ phận lớn người tiêu dùng thu nhập cao và sẵn sàng trả thêm tiền cho những sản phẩm xanh hơn, sạch hơn. Những hàng hóa loại này trong lĩnh vực nông sản, hàng tiêu dùng, dệt may hay thủy sản đều rất có tiềm năng thâm nhập thị trường này.
Chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Xuất khẩu Quế hồi Việt Nam (Vinasamex) nhìn nhận, Anh là thị trường tiềm năng nhưng không dễ dàng đưa hàng hóa vào.
Năm 2013, khi xác định châu Âu là thị trường mục tiêu, doanh nghiệp đã xây dựng chuỗi giá trị và hợp tác theo hướng hữu cơ, phát triển xanh với khoảng 1.000 hộ nông dân tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Lạng Sơn. Vào thời điểm đó, khái niệm này còn rất mới ở Việt Nam. Quá trình thực hiện gặp không ít thách thức.
"Khi làm được và đạt những chứng nhận quốc tế, thương hiệu của chúng tôi đi lên. Hàng hóa như có một giấy thông hành để vào thị trường châu Âu", bà Huyền nhớ lại.
Đầu 2021, khi hiệp định có hiệu lực, khách hàng của Vinasamex được miễn thuế (khoảng 5-10%), giúp sản phẩm tăng thêm sức cạnh tranh. Đến thời điểm ổn định, giá bán của công ty cao hơn khoảng 20% so với giá thông thường trước đây.
Một nửa phần giá trị tăng thêm này được Vinasamex tái đầu tư cho công tác đào tạo cho khoảng 3.000 hộ dân tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn và Bắc Kạn để họ hiểu hơn về các tiêu chuẩn phát triển bền vững và tiêu chuẩn cao của thị trường Anh. Cùng với đó, doanh nghiệp có thêm nguồn vốn đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại hơn để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao hơn.
Mô hình chuỗi giá trị của công ty tiếp tục mở rộng, lên tới 4.200ha đạt tiêu chuẩn quốc tế về hữu cơ. "Chúng tôi kỳ vọng, trong 3 năm nữa, Vinasamex sẽ hợp tác và hỗ trợ cho 10.000 hộ dân, trên diện tích 10.000ha, giúp họ tiếp tục tăng sinh kế", bà Huyền bày tỏ.
Tương tự Việt Nam, Vương quốc Anh đặt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Bà Nguyễn Sơn Trà, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, Chính phủ Anh vừa ban hành một số biện pháp thúc đẩy hơn nữa thương mại và phát triển bền vững áp dụng với hàng hóa được sản xuất tại Anh cũng như hàng hóa được nhập khẩu vào thị trường Anh.
Chẳng hạn, chính sách áp thuế đối với bao bì nhựa. Theo đó, doanh nghiệp phải đóng thuế nếu sản xuất hoặc nhập khẩu thành phần đóng gói nhựa chứa ít hơn 30% nhựa tái chế. Hay gần đây, Vương quốc Anh tiếp tục cấm nhập khẩu hàng hóa mà trong quá trình sản xuất có thể gây hại đối với tài nguyên rừng hoặc dẫn tới phá rừng.
"Vương quốc Anh nhập khẩu rất nhiều thủy sản. Họ giờ không chỉ quan tâm đến chất lượng, dư lượng thuốc kháng sinh, mà còn chú trọng đến truy xuất nguồn gốc hàng hóa, thủy sản ấy có được đánh bắt từ nguồn bất hợp pháp hay không", bà Trà ví dụ.
Từ thực tế này, đại diện Bộ Công thương cam kết hỗ trợ tối đa giúp doanh nghiệp nắm bắt được một cách cụ thể, đầy đủ và chính xác những cam kết đã có từ các FTA thời gian vừa qua. Từ đó, doanh nghiệp có thể tận dụng tốt hơn những cam kết ấy và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường nước ngoài.
Hiện Bộ Công thương bắt tay xây dựng mô hình hệ sinh thái theo từng ngành. Ví dụ với ngành quế hồi, Bộ sẽ xây dựng mối liên kết giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, HTX, người dân với hệ thống thương vụ tại nước ngoài. Bắt đầu từ thông tin thị trường, Bộ sẽ chuyển tải một cách nhanh nhất tới người sản xuất, để kịp thời đáp ứng với những thay đổi theo hướng xanh, bền vững.