| Hotline: 0983.970.780

Kiên quyết xử lý dự án chậm triển khai, chủ đầu tư kém năng lực

Thứ Sáu 30/12/2022 , 19:53 (GMT+7)

Hà Nội UBND TP. Hà Nội đã thu hồi 44 dự án chậm triển khai, với tổng diện tích hơn 2.600 ha, trong năm 2022 và tiếp tục xử lý các chủ đầu tư chây ì.

Các dự án chậm triển khai được UBND TP. Hà Nội rà soát một cách chặt chẽ.

Các dự án chậm triển khai được UBND TP. Hà Nội rà soát một cách chặt chẽ.

Công khai, minh bạch thông tin

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, UBND TP. Hà Nội đã tích cực giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án chậm triển khai, đồng thời xử lý kiên quyết với những trường hợp chây ì, chủ đầu tư không có năng lực.

Năm đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm liên ngành và kết luận được thành lập để sát sao từng dự án. Trong quá trình công tác, cơ quan quản lý của Hà Nội đã chủ động với chủ đầu tư trong việc: hướng dẫn thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; yêu cầu chủ động báo cáo, đánh giá giám sát dự án; làm rõ nguyên nhân, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; tạo điều kiện khả thi về thời gian để khắc phục.

Cùng với cơ quan thường trực là Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã đã tập trung kiểm tra các dự án chưa được giao đất, cho thuê đất, chậm triển khai và đề xuất xử lý. Những dự án đã được giao đất nhưng chậm triển khai cũng được kiểm tra và đề xuất xử lý.

Những dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, thuế, xây dựng; những dự án vi phạm bị cưỡng chế, thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án đều được công khai, minh bạch thông tin trên các phương tiện truyền thông như loa, đài phát thanh và tại địa điểm đất.

Cách làm này của UBND các cấp và phòng, ban, đơn vị liên quan đã tạo ra sự đồng thuận, nhất trí cao trong xã hội.

Rà soát hàng trăm dự án 

Theo UBND TP. Hà Nội, đến hết năm 2022, với 135 dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, 11 dự án đang triển khai theo tiến độ đã được phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh; 12 dự án bị loại khỏi danh sách do trùng lặp, nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu khi chưa có ý kiến của UBND thành phố.

59 dự án bị chấm dứt hoạt động, dừng triển khai hoặc chấm dứt việc giao chủ đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch; 3 dự án đang được Tòa án nhân dân, cơ quan điều tra, thanh tra thụ lý, xử lý; 31 dự án đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra và đề xuất xử lý tiếp; 19 dự án đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thanh tra để thiết lập hồ sơ làm cơ sở xem xét chấm dứt theo quy định.

Với 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, 109 dự án có tổng diện tích 326 ha đã được chủ đầu tư chủ động khắc phục vi phạm, đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai.

44 dự án, với tổng diện tích 2.607 ha, bị xem xét thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động. Hiện UBND thành phố đã ban hành văn bản với 23 dự án và đang hoàn thiện hồ sơ với 21 dự án còn lại.

85 dự án, với tổng diện tích 132 ha, chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng: UBND thành phố đã gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp thêm khoản phí tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất sau khi gia hạn. Tổng số tiền này là 498 tỷ đồng.

152 dự án, với tổng diện tích 3476,93 ha, tiếp tục được đề xuất biện pháp xử lý theo từng kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm. 14 dự án, với tổng diện tích 296,4 ha, hiện dừng thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm do trùng các đoàn thanh tra, kiểm tra khác.

UBND các quận, huyện, thị xã cũng đề xuất và kiến nghị xử lý thêm gần 250 dự án. Số này hiện được UBND thành phố nghiên cứu chỉ đạo cụ thể thời gian tới.

Một số dự án bị Hà Nội thu hồi, chấm dứt hoạt động trong năm 2022.

Một số dự án bị Hà Nội thu hồi, chấm dứt hoạt động trong năm 2022.

Đẩy mạnh công tác trong năm 2023

Với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý từng bước, dứt điểm các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, ban hành kế hoạch, khung tiêu chí xử lý các dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trong tháng 12/2022, thực hiện dứt điểm trước ngày 31/5/2023 và định kỳ báo cáo hàng tháng.

Sở Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp các đơn vị theo dõi, đôn đốc các dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng vừa được gia hạn sử dụng đất 24 tháng, đồng thời tham mưu, báo cáo UBND thành phố xử lý từng trường hợp cụ thể.

Bên cạnh đó, Sở tiếp tục giám sát, đôn đốc việc thanh tra, kiểm tra và có kết luận với từng dự án để làm rõ nguyên nhân, đề xuất các giải pháp; xử lý dứt điểm, triệt để các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai;  cập nhật thường xuyên kết quả thực hiện theo hướng rõ người, rõ việc, rõ đầu mối, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ; từ đó tham mưu UBND thành phố chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã.

Sở tiếp tục rà soát, tham mưu UBND thành phố báo cáo đề nghị HĐND thành phố bổ sung Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND trong Quý I/2023; đồng thời nghiên cứu ban hành quy định về việc gia hạn sử dụng đất với các dự án vốn ngoài ngân sách nhưng hết thời gian gia hạn 24 tháng, hoặc chưa đưa đất vào sử dụng do nguyên nhân bất khả kháng (dịch Covid-19).

Ngoài việc hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các chủ đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường được yêu cầu: Với các dự án chậm triển khai đã thanh tra, kiểm tra kết luận, UBND thành phố đã chỉ đạo xử lý, khắc phục nhưng chủ đầu tư không khắc phục, chưa đưa đất vào sử dụng hoặc các tổ chức, cá nhân chây ì, không chấp hành thì kiên quyết xử lý, lập hồ sơ chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thu hồi đất theo quy định.

Với UBND các quận, huyện, thị xã, UBND thành phố yêu cầu chủ động công tác quản lý nhà nước tại địa phương, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc quản lý, sử dụng đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng,…; giám sát chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án, thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kịp thời đề xuất biện pháp xử lý với từng trường hợp cụ thể.

UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm thường xuyên báo cáo Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy để chỉ đạo hệ thống chính trị trên địa bàn thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm quản lý, sử dụng đất đúng quy định pháp luật; tập trung thực hiện hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các dự án; giám sát việc xử lý vi phạm với chủ đầu tư.

Với các chủ đầu tư, UBND TP. Hà Nội yêu cầu phối hợp với các cấp, các ngành để khắc phục giải quyết các khó khăn, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo quy hoạch, sử dụng đất đúng mục đích, hiệu quả; đồng thời nghiêm túc thực hiện các quyết định xử lý vi phạm, thu hồi của cơ quan có thẩm quyền.

Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở, ngành khác sẵn sàng phối hợp, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất nhưng chậm triển khai trên địa bàn Hà Nội.

>> Danh sách chi tiết 44 dự án tại Hà Nội bị thu hồi đất

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.