| Hotline: 0983.970.780

Kiên trì với ngô đông

Thứ Tư 24/11/2021 , 10:00 (GMT+7)

QUẢNG NINH Bên cạnh phát triển thêm ngô sinh khối, nhiều năm qua, Quảng Ninh vẫn kiên trì xác định ngô lấy hạt phục vụ chăn nuôi vẫn là cây trồng chủ lực, nhất là vụ đông.

Cây ngô có khả năng chịu hạn tốt, thích nghi rộng, năng suất cao, ít sâu bệnh và thị trường tiêu thụ ổn định. Đây cũng là loại sản phẩm thị trường có nhu cầu cao để chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm. 

Nhận thấy điều đó, từ năm 2015, 6 địa phương khu vực miền đông của tỉnh Quảng Ninh (TP Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu) đã tập trung triển khai Đề án “Chuyển đổi diện tích lúa, màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ninh”.

Với sự đồng hành, hỗ trợ của Sở NN-PTNT và Hội Nông dân tỉnh, các địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân về kiến thức, kỹ năng lựa chọn sản xuất các giống ngô năng suất cao, chất lượng tốt.

Nông dân Quảng Ninh vẫn kiên trì với cây ngô phục vụ lấy hạt, nhất là dư địa trong vụ đông. Ảnh: Tiến Thành.

Nông dân Quảng Ninh vẫn kiên trì với cây ngô phục vụ lấy hạt, nhất là dư địa trong vụ đông. Ảnh: Tiến Thành.

Từ Đề án này, các hộ nông dân đăng ký tham gia được hướng dẫn kỹ thuật canh tác tiên tiến, hỗ trợ các thiết bị máy móc (máy làm đất, máy tẽ ngô, máy sấy hạt...) nhằm khuyến khích đẩy mạnh cơ giới hóa, giúp nông dân chủ động hơn trong tổ chức sản xuất, giảm áp lực về lao động.

Chỉ 3 năm sau khi triển khai, các địa phương đã chuyển đổi được gần 1.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, năng suất đạt từ 50 - 70 tạ/ha/vụ, doanh thu cao hơn hẳn so với trồng lúa (lợi nhuận cao hơn từ 7 - 10 triệu đồng/ha/vụ so với trồng lúa).

Những chính sách hỗ trợ về khoa học kỹ thuật đã giúp nông dân yên tâm trồng ngô có hiệu quả, với giá thành ổn định. Chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong tiêu thụ, chế biến ngô được hình thành, duy trì. Qua đó, cây ngô luôn góp phần không nhỏ trong phát triển sản xuất nông nghiệp, vừa đáp ứng nhu cầu lương thực, vừa phục vụ cho chăn nuôi của các địa phương.

Hiện diện tích trồng ngô trên toàn tỉnh duy trì gần 6.100 ha, canh tác 3 vụ/năm, chủ yếu sản xuất ngô hạt. Hàng năm, ngành nông nghiệp Quảng Ninh bám sát các chỉ đạo, định hướng của UBND tỉnh về mục tiêu, kịch bản tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp cả năm để xác định kế hoạch sản xuất; bố trí cơ cấu cây trồng, thời vụ hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Gia đình ông Vũ Xuân Vào (xã Đại Bình, huyện Đầm Hà) là một trong những hộ dân thực hiện việc chuyển đổi diện tích trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng ngô nguyên liệu theo chủ trương của huyện với diện tích 1.000 m2. Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, gia đình ông được Công ty TNHH Phú Lâm cung ứng trước giống, phân bón và được hướng dẫn kỹ thuật để trồng ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi bò thịt của công ty. Công ty cũng như bao tiêu đầu ra nên gia đình ông yên tâm sản xuất.

Hiện nay, giá ngô hạt nhập khẩu đang tăng cao, vì vậy ngô lấy hạt vẫn khẳng định vai trò quan trọng nhằm phục vụ chăn nuôi. Ảnh: Tiến Thành.

Hiện nay, giá ngô hạt nhập khẩu đang tăng cao, vì vậy ngô lấy hạt vẫn khẳng định vai trò quan trọng nhằm phục vụ chăn nuôi. Ảnh: Tiến Thành.

Vụ đông năm 2021, Quảng Ninh phấn đấu mục tiêu đạt sản lượng gần 4.000 tấn ngô (tương ứng khoảng 38 tạ/ha). Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân gieo trồng đúng cơ cấu giống, thời vụ; sử dụng các giống chất lượng tốt, thích nghi với điều kiện sinh thái, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Để hỗ trợ người dân, các công ty vật tư nông nghiệp chủ động cung ứng đủ số lượng giống cây trồng với chất lượng và giá cả đảm bảo. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ninh cũng dự báo nhu cầu thị trường, tham mưu các địa phương về cơ cấu gieo trồng ngô và các cây lương thực nói chung, hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Đồng thời, bám sát tình hình sinh trưởng của cây ngô, điều kiện thời tiết khí hậu, tình hình sinh vật gây hại... để cập nhật theo tuần nhằm kịp thời thông tin tới người dân.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Ninh, đầu tháng 11/2021, cây ngô vụ đông đang trong giai đoạn sinh trưởng 4 - 9 lá. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết sẽ chịu ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, trời nhiều mây, có lúc có mưa, đêm và sáng sớm trời rét..., ngành chức năng khuyến cáo các địa phương tăng cường hướng dẫn các hộ có biện pháp chống rét, sương và chăm sóc cây ngô phù hợp với tình hình thực tế tại cơ sở.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng cũng quan tâm đến những nguy cơ gây hại như sâu keo mùa thu, sâu xám, sâu cắn lá, bệnh đốm lá... có khả năng gia tăng; theo dõi chặt diễn biến xuất hiện sâu, bệnh hại để khi đặc biệt cần thiết thì tiến hành phun thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” nhằm ngăn chặn dịch xuất hiện.

Giai đoạn cuối năm cũng là khoảng thời gian thị trường tiêu thụ "khát" sản phẩm, việc kết nối thúc đẩy sản xuất vụ đông và đông xuân đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng, tăng thu nhập cho nông dân.

Có thể nói, việc chuyển đổi diện tích đất lúa, màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản là hướng đi đúng đắn, kịp thời không chỉ giúp nông dân tiếp cận, ứng dụng các giống ngô có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, tiếp cận với phương thức sản xuất mới mà còn là giải pháp tăng giá trị cho các diện tích đất lúa 1 vụ, đất không chủ động nguồn nước tưới. 

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.