| Hotline: 0983.970.780

Tập trung cho cây vụ đông có giá trị cao, có bao tiêu sản phẩm

Thứ Tư 08/09/2021 , 14:52 (GMT+7)

Vụ đông 2021, các tỉnh phía Bắc tập trung phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao, chú trọng liên kết sản xuất và hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Ngày 8/9, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến Đánh giá kết quả sản xuất vụ đông 2020 và triển khai kế hoạch vụ đông 2021 các tỉnh phía Bắc. 

Hội nghị triển khai sản xuất vụ đông 2021 tại đầu cầu Bộ NN-PTNT. Ảnh: Bá Thắng.

Hội nghị triển khai sản xuất vụ đông 2021 tại đầu cầu Bộ NN-PTNT. Ảnh: Bá Thắng.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), vụ đông 2020, diện tích đạt 375.000 ha, giảm 13,3 nghìn ha so với vụ đông 2019 (do ảnh hưởng của cơn bão số 7 ngày 14-16/10). Trong đó, nhóm cây trồng có diện tích giảm chủ yếu là nhóm cây ưu ấm như: Ngô (giảm hơn 6.000 ha), đậu tương (giảm hơn 1.000 ha), khoai lang (giảm hơn 3.000 ha). Riêng khoai tây là cây ưu lạnh, khó khăn về nguồn giống, chi phí đầu vào cao nên diện tích giảm hơn 2.000 ha. Cây trồng có diện tích tăng chủ yếu là nhóm rau đậu các loại (tăng hơn 8.000 ha).

Giá trị cây vụ đông 2020 đạt hơn 32.600 tỷ đồng, giá trị sản xuất đạt hơn 84 triệu đồng/ha (tăng 3,1 triệu đồng/ha so với vụ đông 2019).

Giá trị sản xuất vụ đông tăng do có sự chuyển dịch từ nhóm cây trồng sản xuất bấp bênh, chịu áp lực về thời vụ, có giá trị kinh tế thấp như đậu tương, lạc, khoai lang… sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như: Nhóm cây dược liệu, nhóm cây rau ăn củ, ăn quả, rau chất lượng cao, ngô thực phẩm, ngô sinh khối, hoa, cây cảnh giá trị cao…

Hoạt động sản xuất trong nhà màng, nhà lưới gắn với việc sơ chế, chế biến đảm bảo vệ sinh ATTP có đầu ra ổn định, trồng rải vụ đã góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Đặc biệt, sản phẩm nhóm rau các loại duy trì được giá bán cao ngay từ đầu vụ đến cuối vụ.

Vụ đông 2021, các tỉnh phía Bắc đặt mục tiêu ổn định diện tích khoảng 400.000 ha và sản lượng 4,6 triệu tấn. Tổng giá trị sản xuất dự kiến đạt khoảng 34.000-35.000 tỷ đồng. Ảnh: Trung Quân.

Vụ đông 2021, các tỉnh phía Bắc đặt mục tiêu ổn định diện tích khoảng 400.000 ha và sản lượng 4,6 triệu tấn. Tổng giá trị sản xuất dự kiến đạt khoảng 34.000-35.000 tỷ đồng. Ảnh: Trung Quân.

Về kế hoạch sản xuất vụ đông 2021, theo Cục Trồng trọt, sẽ phát triển tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững.

Xác định vụ đông là vụ sản xuất quan trọng đối với tăng trưởng của toàn ngành cho năm tiếp theo. Mục tiêu ổn định diện tích khoảng 400.000 ha và sản lượng 4,6 triệu tấn. Trong đó, vùng ĐBSH kế hoạch 161.000 ha, vùng Trung du Miền núi phía Bắc 140.000 ha, vùng Bắc Trung Bộ kế hoạch 105.000 ha. Tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

Tổng giá trị sản xuất vụ đông 2021 dự kiến đạt khoảng 34.000-35.000 tỷ đồng, trung bình giá trị sản xuất đạt khoảng 85 triệu đồng/ha. 

Về cơ cấu, nhóm cây ưu ấm (ngô, khoai lang, đậu tương, rau ưu ẩm) chiếm tỷ lệ khoảng 55% tổng diện tích cây vụ đông. Nhóm cây ưa lạnh (Khoai tây, rau đậu ưu lạnh) khoảng 45% tổng diện tích cây vụ đông.

Về giải pháp sản xuất vụ đông 2021, theo Cục trồng trọt, thời vụ từng tỉnh căn cứ vào diện tích thu hoạch lúa hè thu, vụ mùa 2021 để chủ động bố trí thời vụ, diện tích, với cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm đảm bảo đạt diện tích sản xuất vụ đông tối đa nhưng phải đảm bảo chắc ăn và hiệu quả kinh tế.

Về giải pháp kỹ thuật, với nhóm cây ưu ấm thời vụ gieo trồng kết thúc trước ngày 10/10, nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau ngày 10/10, riêng với cây khoai tây tập trung trồng từ ngày 25/10 đến 15/11. Trồng rải vụ đối với nhóm rau để đảm bảo nguồn cung, hạn chế tình trạng dư thừa giá thấp hoặc thiếu rau đẩy giá lên cao...

Khí hậu miền Bắc trong vụ đông rất thích hợp với nhiều loại cây trồng. Theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt, bà con nông dân cần tập trung vào các loại cây trồng sau:

Nhóm cây chủ lực, gồm ngô, đậu tương, khoai lang, khoai tây, trong đó cây ngô phải được xem như cây chủ lực ở nhóm cây vụ đông ưa ấm; cần tạo bước thay đổi quan trọng trong canh tác ngô sau lúa và nâng cao năng suất ngô bằng các gói kỹ thuật đồng bộ ở các vùng quan trọng. Với những loại cây trồng lấy củ khác, lợi thế là hạn chế được sâu bệnh, đầu ra tốt và nhất là có thể dự trữ dài ngày sau khi thu hoạch như khoai tây, khoai lang, bí đỏ...

Nhóm cây ngắn ngày, gồm các loại rau xanh, đậu đỗ: Đây là những cây dễ trồng, có hệ số quay vòng cao, thời vụ ngắn, có thể trồng xen, tận dụng những diện tích nhỏ, không cần nhiều nước tưới. Các loại rau xanh như cải, xà lách, cà chua, su hào, mùi, đậu Hà Lan, đậu cô-ve...

Nhóm cây phục vụ xuất khẩu như dưa chuột bao tử, ớt, bí xanh, bí ngô, các loại nấm ăn, nấm dược liệu... Đây là những loại cây có thị trường xuất khẩu tốt, thích hợp trong việc chế biến.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.