“Tận thu” giá điện
Trong bối cảnh giá điện tăng cao, sinh viên đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc sử dụng điện sinh hoạt. Hầu hết các sinh viên đều phải tiết kiệm điện và không dám sử dụng quá nhiều đồ điện trong nhà trọ. Điều này tạo ra sự bất tiện cho cuộc sống hàng ngày của sinh viên, đặc biệt là trong các tháng hè nóng bức.
Những ngày đầu hè, nỗi lo nắng nóng lại trở thành “ác mộng” đối với nhiều sinh viên. Thế nhưng, điều mà những người thuê trọ không chỉ là cái nóng của thủ đô mà là giá điện cao “ngất ngưởng”. Vì nhiều lý do mà những người này chấp nhận oằn mình “sống chung” với mức thu tiền điện “giá chung” giữa cái nóng mùa hè.
Điều hòa và quạt điện là hai thiết bị không thể thiếu để sinh viên trong những ngày hè. Nhưng giá điện cao khiến sinh viên phải đắn đo suy nghĩ trước khi sử dụng. Giống với nhiều sinh viên khác, Nguyễn Thùy Linh (20 tuổi, sinh viên) cũng phải chịu chung số phận giá điện cao “cắt cổ”, cuộc sống còn nhiều bấp bênh nay phải gồng lên để trang trải sinh hoạt phí.
Thuỳ Linh cho biết: “Mức giá tiền điện mình phải chi trả là 3.700 đồng một số điện. Nhưng hiện mình chỉ kiếm được trên dưới 3 triệu đồng một tháng, giá điện như hiện tại mình vẫn phải tiết điện trong sinh hoạt hàng ngày”.
Giá điện cao nhưng vì trọ gần trường và đi lại thuận tiện nên nhiều sinh viên vẫn đang “gồng mình” chấp nhận giá điện “trên trời” này. Thậm chí có nhiều sinh viên đành đánh đổi sức khoẻ để được tiếp tục thuê trọ tại những phòng trọ như thế này.
Nguyễn Kim Chi (20 tuổi, sinh viên) bày tỏ: “Hiện tại mình đang ở trọ với mức giá điện là 4 nghìn/ số. Học phải học đèn mấy chục nghìn, thậm chí phải cắm vào ổ usb cổng laptop để lên điện học bài…Mỏi mắt lắm nhưng phải chịu thôi”. Vào những đợt nắng nóng cao điểm Chi cũng chỉ dám bật điều hoà vào những ngày 39-40 độ C. Thậm chí, có những tháng bạn sinh viên này phải bù tiền ăn vào tiền điện. Thế nhưng vì phòng trọ nằm ở vị trí “đắc địa” nên Chi vẫn “bám trụ” ở nơi này được gần 2 năm.
Đa số các bạn sinh viên, công nhân hay người lao động đều đang phải gánh mức giá điện cao hơn so với quy định mà các chủ nhà trọ đưa ra nhưng không ai dám lên tiếng vì sợ “bị đuổi”. Hơn nữa, giá điện, nước, dịch vụ khi đi thuê trọ đều được người đi thuê trọ và chủ nhà bàn bạc, thoả thuận và đi đến thống nhất ngay từ khi làm hợp đồng thuê trọ.
Liên lạc với một chủ nhà trọ trên địa bàn khu vực Cầu Giấy, Hà Nội, một chủ trọ cho biết: “Mức giá điện tại hộ thuê trọ là 4.000 đồng/ số điện và 100.000 đồng tiền nước/ người/tháng. Đây là mức giá chung rồi”. Gọi là “giá chung” bởi theo khảo sát, hiện nhiều phòng trọ sinh viên trên địa bàn thành phố Hà Nội đều có mức thu từ 4.000-5.000 đồng/số điện. Điều đáng nói, mức thu này lại đang cao hơn rất nhiều so với mức thu mà nhà nước quy định.
Hành vi vi phạm pháp luật
Theo quy định của Thông tư 09/2023/TT-BCT, giá bán lẻ điện sinh hoạt đối với sinh viên và người lao động thuê nhà đối với bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình đã được sửa đổi. Mức giá điện bán lẻ điện sinh hoạt cho trường hợp này được quy định như sau:
Hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú, thường trú: Chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà).
Đối với, thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng, nếu chủ nhà không kê khai được đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3: Từ 101 - 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo được tại công tơ. Nếu chủ nhà kê khai đầy đủ số người sử dụng điện thì được cấp định mức căn cứ vào thông tin cư trú tại địa điểm sử dụng điện: Cứ 04 người tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt.
Luật sư Nguyễn Văn Tuân (Luật sư Công ty Luật hợp danh Đại An Phát, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết: “Trên thực tế, phần lớn các nhà trọ tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh đều không kê khai được đầy đủ số lượng người sử dụng điện, cũng như ký hợp đồng thuê trên 12 tháng. Do đó, mức giá điện mà sinh viên, người lao động thuê trọ thường phải trả là 2.167 đồng/kWh (tính theo bậc 3)”.
Còn đối với, trường hợp ký hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì bên thuê trọ có thể trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện để được tính giá điện từ bậc thấp nhất.
Luật sư Tuân khẳng định hành vi các chủ nhà trọ cho thuê, thu tiền từ 3.500 đồng 1 số là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể bị xử phạt với mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng. Và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (bao gồm cả mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra) để hoàn trả cho cá nhân, tổ chức bị chiếm đoạt. Giao ước giữa bên cho thuê và bên thuê việc đồng thuận về mức giá điện là một giao dịch phổ biến nhưng sự đồng thuận này là không hợp pháp, người cho thuê vẫn có thể bị xử phạt.
Tuy nhiên, hiện nay việc xử phạt những vi phạm này còn nhiều bất cập. Tại nhiều khu trọ, mọi giao dịch đều là "giao dịch miệng". Việc này gây khó khăn trong việc kiểm soát và nắm bắt thông tin. Và bởi tiền điện, tiền nước thường được cộng chung với tiền nhà và tiền dịch vụ, sau đó thanh toán bằng phương thức chuyển khoản do đó rất khó khăn trong việc lưu giữ tư liệu. Tư liệu duy nhất có thể dùng là hợp đồng thuê nhà. Đây cũng là những lưu ý khi những người thuê trọ đưa ra quyết định.
Dù đã có các chế tài xử lý nhưng với tình trạng ở đâu cũng nói "giá chung" thì người đi thuê "chạy đâu cho khỏi nắng" sau khi tố giác hành vi vi phạm của người kinh doanh phòng trọ. Rõ ràng, để giải quyết tình trạng này, cần có sự vào cuộc quyết liệt, quy mô và đồng bộ hơn của các cấp quản lý và cơ quan chức năng.