"Vắt đất" ra tiền
Những ngày gần tết nhu cầu cây giống tăng nên nhà bà Đỗ Thị Vừng (Tân Châu, Khoái Châu, Hưng Yên) luôn tấp nập, bà phải thuê thêm gần 20 nhân công để kịp chăm sóc cho hàng vạn cây giống. Tuy đang bận bịu ngoài vườn nhưng nghe tin có khách đến, bà Vừng lại tất tả rửa tay, pha nước niềm nở chuyện trò vui vẻ. Nhâm nhi ly trà ấm, đưa mắt nhìn ra vườn cây xanh ngát vút tầm mắt, bà Vừng kể lại câu chuyện cuộc đời đầy sóng gió và cơ duyên đến với nghề cây giống giúp bà thoát những khó khăn cùng cực.
“Trước đây tại địa phương không có nghề truyền thống, tôi phải đi làm thuê làm mướn đủ nghề từ bốc vác cho đến trông giữ trẻ thuê… Mỗi ngày chỉ kiếm được mấy chục nghìn cho con có cái ăn là mừng lắm rồi”, bà Vừng chia sẻ.
Bà Vừng và những gốc cây giống |
Sau đó, bà bị dụ dỗ làm tín dụng, đi vay lãi hộ, thời gian đầu công việc này cũng cho bà nguồn thu nhập khá hơn. Tuy nhiên, sau khi các con nợ đồng loạt “vỡ”, bà đối diện số nợ khổng lồ. Không công ăn việc làm ổn định. Nợ nần chồng chất. Bà Vừng kể thời gian này chỉ nghĩ đến cái chết nhưng nhìn 5 đứa con nheo nhóc bà lại gồng mình lên để sống tiếp.
Những năm 1988, khi đi trồng chuối thuê cho một gia đình ở Gia Lâm, Hà Nội, bà quen một người anh kết nghĩa làm trong Viện Nghiên cứu Rau quả và được giới thiệu vào học kỹ thuật làm cây. Khi đã có được kiến thức cần thiết, bà về quê và bắt đầu công việc làm cây giống. Thời ấy, quê bà không ai làm nghề cây giống. Bắt đầu từ 3 sào ruộng do ông bà để lại, bà Vừng bắt đầu những vụ mùa đầu tiên trồng cây cam đường, song vì thiếu kinh nghiệm nên sản lượng thấp. Bà trăn trở làm cách nào để tăng năng suất. Có dịp quen một chuyên gia người Trung Quốc, bà được hướng dẫn them kỹ thuật “ghép mắt” cho cây và loài cây thích hợp nhất là cây nhãn, thế mạnh của vùng.
Bà Vừng lặn lội lên tận cây nhãn tổ của tỉnh xin giống về trồng và đạt được thành công ngoài mong đợt. Năng suất cao, chất lượng tốt, danh tiếng cây giống vang xa. Những vụ mùa tiếp theo, cây của bà liên tục “cháy hàng”.
Nói đến việc học được kỹ thuật mới, bà Vừng không giấu nổi sự mừng rỡ, dường như câu chuyện mấy chục năm trước lại trở về như ngày hôm qua: “Trước đây mình chỉ chiết cành, mỗi cành chỉ được một cây, hiện nay, khi ghép theo kỹ thuật mới mỗi cành có thể cho ra hàng chục thậm chí hàng trăm cây”.
Có thêm kinh nghiệm, bà Vừng mua và thuê thêm nhiều mảnh đất xung quanh. Với diện tích chỉ vài sào ban đầu, hiện nay, vườn cây giống của bà đã lên tới hơn 10 mẫu với khoảng hơn 20 vạn cây. Cây trong vườn của bà gồm nhiều loại nhưng chủ yếu là nhãn và bưởi. Ngoài ra còn có một số loại cây khác tùy nhu cầu thị trường, tuy nhiên, theo bà hai loại cây nói trên cho doanh thu tốt và bền cây.
Từng thước đất trong vườn ươm của bà Vừng đều được sử dụng hợp lý. Bà bảo trồng nhãn có thể xen bưởi và xen chanh nhằm tăng độ xốp cho đất và tận dụng bóng mát giúp cây phát triển. Ngoài ra tùy vào đặc điểm của từng loại cây sinh trưởng sớm hay muộn mà “lấy ngắn nuôi dài”. “Làm nghề cây say mê lắm chú ạ! Nhiều khi người không cần ăn mà cây vẫn phải tưới”, bà Vừng nói với giọng hồ hởi.
Không giấu nghề
Từ khi bà Vừng nổi tiếng thành công với nghề làm cây giống, cả làng, cả xã đều đến để học hỏi kinh nghiệm. Bà Vừng nói mình đã chia sẻ đã tư vấn, giúp đỡ rất nhiều người ở các tỉnh khác như Hà Nam, Phú Thọ v.v. Hầu hết những người này đều thành công. Mỗi hộ lấy cây của bà về trồng đều được "bảo hành" về giống, hướng dẫn chi tiết kỹ thuật, thậm chí giới thiệu đầu ra cho sản phẩm. Cả xã Tân Châu, huyện Khoái Châu hiện nay nổi tiếng với nghề làm cây giống, nhiều vùng làm cây nổi tiếng như Văn Giang, Tứ Liên… cũng đến lấy cây. “Mình chia sẻ không vì cái gì cả, đã từng được giúp đỡ nên bây giờ giúp lại mọi người thôi. Mỗi khi có đi đến đâu được mời ăn bữa cơm, cảm thấy được quý mến là vui lắm rồi”, bà Vừng nói.
Bà Vừng chăm sóc cho một cây bưởi trong vườn |
Ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch xã Tân Châu cũng cho biết: “Bà Đỗ Thị Vừng là người đầu tiên đem nghề làm cây giống về xã, giúp bộ mặt kinh tế của địa phương khởi sắc hơn. Ngoài ra, bà Vừng cũng đóng góp làm những công trình xã hội hóa như các các con đường liên thôn, cổng làng…”
Trong 5 người con của bà Vừng, có ba người và một con rể theo nghề của mẹ. Mỗi gia đình đã để ra được ít nhất một tỷ đồng. Con trai cả của bà trở thành kỹ sư nông nghiệp tại Viện Nghiên cứu Rau quả và thường xuyên hỗ trợ mẹ trong việc ghép cây, quy hoạch vườn.
Về số tiền tỷ đang sở hữu, bà Vừng bảo tiền không thể để yên một chỗ mà cần dung cho việc nghiên cứu đầu tư giống, thuê thêm đất mới tái sản xuất. Ở độ tuổi đáng được nghỉ ngơi, gia đình đã yên ấm, kinh tế ổn định nhưng dáng dấp người đàn bà hơn 60 tuổi với vài ba bộ quần áo cũ sờn suốt ngày “chân lấm tay bùn” ngoài ruộng vườn với những người làm thuê vẫn quen thuộc với những người dân nơi đây.
Có người hỏi bà sao phải lao động cật lực thế? Bà chỉ nhoẻn miệng cười bảo: “Không làm việc chân tay ngứa ngáy lắm chịu sao được. Tôi làm ăn không hết, chết không mang theo được thì để cho con, cho cháu. Con cháu tôi ăn không hết thì để cho những người nghèo khó hơn.”
Điều trăn trở lớn nhất của bà Vừng bây giờ chỉ là đầu ra cho những sản phẩm nông sản của người nông dân vẫn không ổn định. Bà chỉ mong có những chính sách đặc thù hỗ trợ giúp cho cuộc sống của người nông dân khỏi bấp bênh, có cơm no áo ấm.