| Hotline: 0983.970.780

Kinh nghiệm vỗ béo trâu, bò vụ đông

Thứ Tư 20/11/2019 , 08:57 (GMT+7)

Để chủ động nguồn thức ăn đủ nuôi vỗ béo khoảng 18-20 con trâu, bò trong điều kiện thời tiết lạnh rét của mùa đông quả thực rất khó.

Tuy nhiên với anh Chu Văn Đoàn ở thôn Bùng, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên (Bắc Giang) là có thể hoàn toàn chủ động được.

09-09-01_dn_tru_cu_gi_dinh_nh_don_dng_trong_thoi_gin_vo_beo
Đàn trâu của anh Đoàn trong giai đoạn vỗ béo.

Tiếp chúng tôi trong điều kiện thời tiết khá lạnh nhưng không khí trong nhà anh thật ấm cúng. Chị Thắm - vợ anh Đoàn tâm sự, anh chị đã gắn bó với cái nghiệp vỗ béo trâu bò cách đây hơn 10 năm và kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào nghề này.

Theo chị Thắm, khó khăn nhất trong việc vỗ béo trâu bò vào thời điểm mùa đông. Khi điều kiện thời tiết rét đậm rét hại kéo dài, nguồn cỏ tự nhiên khan hiếm nếu như không chăm sóc nuôi dưỡng tốt rất có thể gây thiệt hại nặng về kinh tế.

Ý thức được việc trâu bò đổ ngã trong vụ đông chủ yếu do việc chăm sóc, nuôi dưỡng của chủ hộ chưa được tốt, chuồng nuôi chưa đủ ấm, nền chuồng ẩm ướt, vậy nên năm nào anh chị cũng chuẩn bị rất kỹ lưỡng về chuồng trại, thức ăn và chủ động áp dụng tốt các biện pháp chăm sóc đàn trâu bò trước khi bước vào vụ đông.

Trung bình một năm tổng đàn trâu, bò của gia đình có khoảng 60 con, tương đương với 4 lần vào đàn, mỗi lần vào khoảng 15 con. Mỗi con vỗ béo từ 2,5 - 3 tháng, sau khi trừ chi phí cho lãi khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/con. Như vậy, mỗi năm gia đình anh Đoàn lãi khoảng 120 - 150 triệu.

Với số lượng đàn trâu, bò có thời điểm lên đến 20 con thì việc giải quyết đủ và đều thức ăn thô xanh quanh năm là hết sức quan trọng. Chính vì vậy ngoài việc dành một phần đất nông nghiệp để trồng cỏ và gieo ngô dầy cho trâu bò ăn thì anh chị còn tận dụng hết những bờ bãi bỏ hoang để trồng cỏ.

Hiện gia đình đang trồng giống cỏ VA06, cỏ ngô, cỏ Ruzi do cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang tư vấn, giúp đỡ. Đó là những giống cỏ có năng suất cao, có thời gian khai thác lâu 2-3 năm sau mới phải trồng lại. Vào những thời điểm cỏ sinh trưởng phát triển mạnh như mùa hè, nguồn thức ăn dồi dào gia đình thường tận dụng cỏ, rơm và thân cây ngô đem phơi khô đánh đống bảo quản trong nhà kho hoặc ủ chua để dự trữ khi mùa đông đến.

Hàng năm anh chị thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức nên cũng học hỏi và áp dụng được rất nhiều những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn chăn nuôi như ủ chua thức ăn, ủ rơm với urê hoặc phương pháp làm mềm thân cây ngô, làm mềm rơm cho trâu bò ăn.

Nghề vỗ béo trâu bò thực sự phát triển mạnh, được coi là nghề mang lại hiệu quả kinh tế chính cho gia đình anh Đoàn, chị Thắm nói riêng và người dân Bắc Giang nói chung.

Điều đặc biệt anh chị nhận thấy rằng sau khi xử lý rơm, cỏ hay thân cây ngô bằng các phương pháp trên thì trâu bò ăn được nhiều hơn, lớn nhanh hơn nên nhanh được xuất bán.

Ngoài việc chăm sóc nuôi dưỡng đàn trâu bò anh chị cũng rất chú trọng việc tu sửa, che chắn chuồng trại mỗi khi mùa đông về. Không những che chắn bằng bạt anh chị luôn giữ cho nền chuồng sạch sẽ, khô ráo tránh dội nước rửa nền chuồng.

Việc vỗ béo bò của gia đình vào mùa đông chủ yếu là nuôi nhốt tại chuồng, nhất là những ngày nhiệt độ xuống <10 độ C thì không lùa trâu bò đi chăn mà cung cấp thức ăn nước uống tại chỗ.

Anh chị còn rất chú trọng đến công tác vệ sinh thú y và phòng dịch bệnh. Sau mỗi lứa nuôi thường để trống chuồng khoảng 15 ngày để vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu chăn nuôi bằng vôi bột và các loại thuốc sát trùng.

Hằng năm, thực hiện tốt việc tiêm phòng định kỳ cho đàn trâu bò của gia đình theo đúng sự chỉ dẫn của cán bộ thú y địa phương. Chính vì làm tốt các công tác trên mà gia đình hầu như không bị thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra.

(Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang)

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.