| Hotline: 0983.970.780

Kinh tế đêm Quảng Ninh cần đặc sắc hơn

Chủ Nhật 10/03/2024 , 14:46 (GMT+7)

Khai thác tốt tiềm năng kinh tế đêm sẽ thúc đẩy việc mua sắm, chi tiêu của du khách, góp phần làm đòn bẩy thu hút khách du lịch đến Quảng Ninh.

Nhanh chân vào cuộc

Từ năm 2020, ngay sau khi Đề án phát triển kinh tế đêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiều địa phương được lựa chọn để xây dựng, hoàn thiện mô hình hoạt động kinh tế ban đêm và sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác, trong đó có Quảng Ninh. Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác để xây dựng Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh một cách bài bản.

Đề án được xây dựng dựa trên 4 lĩnh vực là: Văn hóa, vui chơi, giải trí (các hoạt động văn hóa-nghệ thuật, nhà hát, âm nhạc, chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện...); Dịch vụ ăn uống (nhà hàng, khu ẩm thực, quán bar...); Dịch vụ mua sắm (các chợ, khu mua sắm...); Dịch vụ du lịch (tham quan các địa điểm du lịch, di tích văn hóa, công trình kiến trúc...).

Thời gian diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau đối với các khu vực được áp dụng thí điểm, sau đó sẽ đẩy nhanh hướng tới nền kinh tế 24 giờ đối với các thành phố, đô thị có tiềm năng.

Một chương trình biểu diễn âm nhạc trên du thuyền về đêm tại Hạ Long. 

Một chương trình biểu diễn âm nhạc trên du thuyền về đêm tại Hạ Long. 

Từ cuối tháng 4/2022, Quảng Ninh đã đưa vào hoạt động phố đêm du thuyền. Đây được đánh giá là sản phẩm du lịch độc đáo đầu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế đêm của Quảng Ninh, mở ra không gian vui chơi, giải trí ban đêm mới mẻ, sôi động cho du khách.

Xuất phát từ Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, hoạt động từ 17h đến 23h hằng ngày, hành trình du ngoạn cùng các con tàu sang trọng tại phố đêm du thuyền mang đến cho du khách cơ hội được tận hưởng không gian ẩm thực đặc sắc với những món Á, Âu đa dạng, hải sản thơm ngon được chế biến bởi các đầu bếp giàu kinh nghiệm. Du khách còn được thưởng thức không gian văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc đặc sắc ngay trên các con tàu trong suốt hành trình. Đặc biệt, du khách được khám phá thành phố biển Hạ Long về đêm lung linh sắc màu, chiêm ngưỡng những danh thắng, công trình nổi tiếng như núi: Bài Thơ, vòng quay Sun Wheel, cầu Bãi Cháy...

Đáng chú ý, việc tổ chức các đêm nhạc với sự xuất hiện của những nghệ sĩ nổi tiếng, như: Mỹ Tâm, Noo Phước Thịnh, Trung Quân, Phan Mạnh Quỳnh, Lân Nhã... cũng là sản phẩm du lịch thu hút đông đảo người dân và du khách. Các đêm nhạc được thực hiện ở nhiều địa điểm từ không gian rừng núi đến góc đồi, bờ biển. Không chỉ có sức hút từ những nghệ sĩ nổi tiếng, mà chính không gian rộng lớn bên bờ vịnh Hạ Long, đan xen giữa mặn mòi của biển hay tiếng gió xào xạc giữa những đồi thông đã thu hút du khách. Với nỗ lực phát triển, làm mới và sáng tạo, các đêm nhạc không chỉ gia tăng trải nghiệm du lịch về đêm, mà còn là "thỏi nam châm" hấp dẫn du khách tới Quảng Ninh.

'Đêm nhạc trên Thông' trở thành một sản phẩm du lịch mới giúp du khách có thêm sự lựa chọn trải nghiệm khi đến Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

"Đêm nhạc trên Thông" trở thành một sản phẩm du lịch mới giúp du khách có thêm sự lựa chọn trải nghiệm khi đến Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Nhằm tạo không gian giải trí cho du khách, hình thành sản phẩm du lịch mới, góp phần quảng bá văn hóa truyền thống, phố đi bộ đã đưa vào hoạt động tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, như: Phố đi bộ Trần Phú (TP Móng Cái), phố đi bộ Tiên Yên (huyện Tiên Yên), phố đi bộ Minh Châu (huyện Vân Đồn)...

Phố đi bộ hoạt động từ 18h đến 24h vào các ngày cuối tuần với nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật đường phố đặc sắc, như: Biểu diễn âm nhạc đường phố, vẽ ký họa, thư pháp, nhảy zumba, nhảy hiện đại...

Cùng với đó, nhiều gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, ẩm thực đường phố... để phục vụ nhân dân, du khách. Nhờ đó, phố đi bộ không chỉ tạo sản phẩm hấp dẫn, xây dựng nếp sống văn minh tại địa phương mà còn góp phần quảng bá văn hóa truyền thống.

Song song với đó, trong năm 2024 này, nhiều sản phẩm du lịch ban đêm được thực hiện trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng du lịch 4 mùa, kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của khách. Trong đó, một số sản phẩm đang được nghiên cứu, xây dựng và tổ chức, như: Du lịch cộng đồng tại các xã vùng cao của TP Hạ Long, cắm trại đêm tại Thanh Lân và du lịch đạp xe trải nghiệm Cô Tô (huyện Cô Tô) về đêm, phố ẩm thực đêm thị trấn Đầm Hà (huyện Đầm Hà), tuyến phố đi bộ mới (TP Móng Cái)...

Để các sản phẩm này sớm đưa vào khai thác, phục vụ người dân và du khách, các địa phương đã và đang đẩy nhanh tiến độ, thực hiện các thủ tục, hướng dẫn, gỡ khó cho doanh nghiệp. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế đêm nói chung.

Cần khai thác sản phẩm đặc thù

Anh Ngô Thanh Tùng (41 tuổi, chủ hộ kinh doanh 1900 tại Hạ Long và người sáng lập sân khấu "Đêm nhạc trên Thông"), nhận định Quảng Ninh là một trung tâm du lịch lớn của cả nước, với điểm đến là TP Hạ Long và di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long.

Tiềm năng phát triển du lịch của Quảng Ninh còn rất lớn. Tuy nhiên, theo anh Tùng thì tỉnh đang thiếu các tổ hợp dịch vụ vui chơi giải trí, đặc sắc về đêm nhằm thu hút và giữ chân du khách. Vì vậy, việc mở cửa cho nền kinh tế đêm được đánh giá là "mỏ vàng" của ngành du lịch Quảng Ninh.

Đại diện Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh cho biết, phát triển kinh tế đêm là xu thế tất yếu để tạo động lực thúc đẩy phát triển và quảng bá du lịch. Trên địa bàn Quảng Ninh đã diễn ra các hoạt động dịch vụ du lịch về đêm. Tuy nhiên, do chưa được quy hoạch bài bản, tổng thể nên tính chuyên nghiệp trong hoạt động này chưa cao, chưa phát huy được các tiềm năng, lợi thế về kinh tế đêm. 

Mới đây, ngày 2/3, UBND tỉnh Quảng Ninh đã họp rà soát tiến độ triển khai Đề án thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.

Tại cuộc họp, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu cần xác định ngay những mô hình thí điểm ban đêm để phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài nhằm tăng thời gian lưu trú của du khách; thúc đẩy chi tiêu của khách du lịch và người dân trong tỉnh. Trong đó, đặc biệt cần nghiên cứu, đưa ra thương hiệu cụ thể đối với hoạt động kinh tế ban đêm; tập trung khai thác thêm các sản phẩm du lịch đặc sắc, đặc thù của Quảng Ninh.

Ông Huy yêu cầu 5 địa phương được chọn thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm gồm: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Đông Triều và Cô Tô khẩn trương lập và phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn xong trước ngày 30/4/2024.

Trong quá trình lập đề án cần lấy ý kiến các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp du lịch và khách du lịch, xây dựng những sản phẩm du lịch đặc sắc theo đúng 5 lĩnh vực của đề án đã được tỉnh ban hành gồm: Biểu diễn văn hóa, văn nghệ; mua sắm, giải trí ban đêm; thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp về ban đêm; tham quan du lịch về ban đêm; ẩm thực, du lịch ăn uống ban đêm.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đồng ý với ý kiến đề xuất nghiên cứu, bổ sung huyện Vân Đồn triển khai thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm phục vụ phát triển du lịch.

"Quảng Ninh đang hướng mạnh đến phát triển du lịch 4 mùa, du lịch đêm đóng vai trò quan trọng. Qua đó, khẳng định thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế đêm", ông Huy cho hay. 

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Sẽ nối thông đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó đến Đất Mũi vào năm 2025

Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành gần 170 km các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh vào năm 2025, nhằm cơ bản nối thông tuyến từ Cao Bằng đến Cà Mau.